Các em cai nghiện GO tại Trung tâm Văn hóa thể thao Thanh thiếu niên miền Nam |
Các nhà khoa học và chuyên gia tâm lý đều khuyên không nên để cho trẻ chơi game online (GO), đặc biệt là lứa tuổi từ bậc tiểu học trở xuống. Là phụ huynh, bạn sẽ làm gì khi con mình lỡ đã nghiện GO? Đó là vấn đề mà hiện nay rất nhiều bậc cha mẹ quan tâm.
Tác hại về lâu dài
Nghiện GO không chỉ có ở Việt Nam. Các nhà khoa học nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… đã từng lên tiếng cảnh báo tác hại của hiện tượng nghiện GO ở giới trẻ. Một số quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan… đã cho ra đời chương trình và lập hẳn trại cai nghiện GO cho “con nghiện” của mình.
Đối với trẻ em thì vấn đề lại trở nên nghiêm trọng hơn, có thể gây nên những tác hại lâu dài về sau. Các nghiên cứu về y học, tâm lý học cho thấy: trẻ em là lứa tuổi đang phát triển mạnh mẽ về mặt trí lực và thể lực. Nếu sớm nghiện GO, trẻ có thể gặp phải những vấn đề về tư duy, mất cảm giác về thời gian, ít ngủ, bị chứng gù lưng do ngồi nhiều, bị cận thị…
Dưới góc độ xã hội, trẻ em là lứa tuổi mà công việc chủ yếu là học hành và cơ bản các em sống phụ thuộc vào gia đình, chưa tạo ra thu nhập. Chính vì vậy, việc các em sớm nghiện GO có thể sẽ dẫn các em làm những việc sai trái như trốn học để đi chơi game, trộm cắp để có tiền trả, thậm chí là gây mất trật tự công cộng, giải quyết các mâu thuẫn có nguồn gốc từ chơi game… Tóm lại, chứng nghiện GO có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Tại nhiều tiệm internet từ nội đến ngoại thành, không hiếm bắt gặp những cô, cậu học sinh (nhất là HS bậc tiểu học) say sưa luyện game cho dù đang là giờ học. Hậu quả của việc này cũng đã được chứng minh qua nhiều vụ án đau lòng mà một số thanh thiếu niên gây ra do cần tiền chơi game hay nhiễm tính bạo lực từ những trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên, biện pháp để ngăn chặn từ phía các cơ quan chức năng hiện nay có vẻ như còn chưa mấy khả thi. Trong khi đó, nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì chẳng những là hậu quả trước mắt mà nó sẽ còn gây ra hệ lụy về lâu dài.
Giải pháp nào?
Những nghiên cứu về tâm lý cho thấy: người nghiện GO thường có những biểu hiện như người đãng trí: mất dần cảm giác về thời gian, quên cả bữa ăn, quên những việc quan trọng cần phải làm trong ngày, thỉnh thoảng nói một mình…
Để đưa con mình trở về quỹ đạo hoạt động bình thường của một đứa trẻ, trước hết cha mẹ cần phải giáo dục nhận thức được tầm quan trọng của việc học. Cha mẹ cũng cần phải cho con hiểu những tác hại mà con mình có thể gặp phải do chơi game nhiều, nếu có thể, nên đưa ra những ví dụ cụ thể để làm bằng chứng về tác hại của nó.
Khi con nghiện GO, cha mẹ cũng không nên “cấm tiệt” một cách cứng nhắc, dùng những lời lẽ “đao to búa lớn”, đánh đòn… mà hãy tìm cách sắp xếp lại và kiểm soát thời gian biểu để đưa con vào khuôn khổ. Có thể vẫn tạo điều kiện cho con chơi game từ 30 – 40 phút/ngày và tìm cách giảm dần thời lượng chơi game đó xuống. Khuyến khích các hoạt động học tập, vui chơi khác để con mình có thời gian “quên” game một cách chủ động. Bên cạnh đó, cha mẹ nên phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, bạn bè tốt xung quanh của con, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia tâm lý để “cai” nghiện GO cho con mình.
Cơ quan chức năng nên có quy định và buộc các chủ tiệm net phải cam kết chỉ cho các em trong lứa tuổi học sinh được chơi trong một thời gian nhất định nào đó trong ngày. Theo đó, tuyệt đối chỉ được chơi những game mang tính trí tuệ, phù hợp với độ tuổi chứ không phải là những game mang đầy tính bạo lực với những hình ảnh đồ họa đầy hở hang như hiện nay. Bên cạnh đó, việc quảng cáo game như một số đài truyền hình, đài phát thanh đang làm cũng cần phải chấm dứt. Dĩ nhiên, để những quy định thực sự mang lại kết quả thì cũng cần có sự thường xuyên kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện chủ tiệm net nào không tuân thủ nghiêm quy định thì có biện pháp chế tài nặng hoặc cần thiết có thể rút hẳn giấy phép kinh doanh.
Quế Diệu-Thanh Phúc
Bình luận (0)