Tòa soạnThư đi – tin lại

Sinh viên “lên đời”?

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay không ít sinh viên (SV) có đầy đủ các phương tiện như điện thoại xịn, máy tính xách tay, xe máy đắt tiền… Phải chăng cuộc sống SV đã “lên đời”?
Cái gì cũng có
Theo một khảo sát của nhóm SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hiện nay có đến 70% SV có máy vi tính riêng ở nhà. Trong số ấy, hơn phân nửa là những laptop nhãn hiệu “hot”, giá không dưới 14 – 15 triệu đồng, và hầu hết đều “dẫn” internet về phòng trọ. Việc lướt web không gặp bất cứ khó khăn gì vì có thể truy cập mọi lúc mọi nơi và bất kỳ lúc nào.
Nếu như lúc trước, những khu nhà trọ dù xập xệ, thiếu thốn vẫn được SV “chuộng” thuê, thì giờ đây hình ảnh ấy đã được thay bằng những nhà nguyên căn kiên cố nằm những quận trung tâm, được trang bị đầy đủ những bếp gas, ti vi có truyền hình cáp… Sở dĩ như vậy, SV không cần quan tâm đến khoảng cách giữa nơi trọ và trường học vì đã không còn những cảnh chen nhau đón xe buýt hay đi xe đạp đến trường. Thay vào đó, những dãy nhà gửi xe các trường ĐH “quy tụ” hàng loạt xe máy xịn. Một giảng viên ĐH từng “thốt” lên với sự ngỡ ngàng: “SV thời nay giàu hơn cả giảng viên, cái gì SV cũng có, máy tính, xe máy cũng “xịn” hơn”.
Không chỉ vậy, đời sống SV được “nâng tầm” còn thể hiện qua những bộ trang phục. Không ít SV chỉ đến những shop thời trang chuyên bán “đồ hiệu” để “tậu” về những bộ quần áo hiệu như Ninomax, Blue Exchange, Esprit, dép Doctor, dây thắt lưng Versace, D&G… Hoặc như những bữa ăn SV cũng đã bước sang “trang mới” khi được “dời quán” từ những hàng ăn vỉa hè, quán cơm bình dân SV đến những cửa hàng thức ăn nhanh sang trọng. Cảnh SV chạy vạy bạn bè, ăn mì tôm chống đói những ngày cuối tháng dường như đã là “chuyện của ngày xưa”.
“Lên đời” hay đua đòi?
Khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều bậc phụ huynh đã hỏi như vậy. “SV bây giờ đầy đủ quá, không biết phải chăng vì các gia đình có điều kiện thật sự, hay đó là do tính đua đòi mà tạo nên nữa”, cô Nguyễn Ngọc Thanh, một chủ phòng trọ ở quận 10, TP.HCM thắc mắc. Cô Thanh kể tiếp: “Ở chỗ cô, nhiều đứa khi năm nhất, năm hai phải vật lộn làm thêm kiếm tiền, nhưng đến năm ba thì thay đổi đến chóng mặt, biết nhuộm tóc, biết “ngán” cơm nhà và biết hàng trăm thứ xa xỉ khác”.
Ngân Hạ, quê Bình Định, SV Khoa tiếng Anh, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Bạn bè trong lớp có laptop, mình phải “theo” để kịp bạn bè, chứ không thì ai coi ra gì?”. Ngân Hạ biện minh rằng: “Học ĐH thì bắt buộc phải trang bị như vậy, toàn tự học nên phải như thế để mà tải tài liệu, tìm thông tin”. Chính vì thế mà cách đây hơn hai tháng, Hạ “nằng nặc” xin gia đình hơn 14 triệu đồng để mua laptop. Tuy nhiên, mục đích sử dụng “khác xa”, không liên quan gì đến việc học tập khi dù khuya đến tận 1, 2 giờ sáng, Hạ vẫn online để… chơi Facebook cùng nhóm bạn của mình. “Tớ cũng ngán cảnh tự nấu rồi, cứ lo hùng hục mất thời gian, thôi thì đi ăn quán cho chắc”.
Còn với Trung Cảnh, SV Khoa Công nghệ Spa – y sinh học, Trường ĐH Hồng Bàng, khi vừa mới chân ướt chân ráo vào giảng đường ĐH, bạn bè trong lớp “phục sát đất”. Bởi, “chàng hai lúa” quê Bến Tre suốt ngày áo sơ mi trắng quần tây xanh đóng thùng, đạp xe đạp cà tàng đi học nhưng điểm cao thuộc top 5 của lớp. Không lâu sau, Cảnh trở thành “công tử” với những bộ đồ hàng hiệu bắt mắt đi trên chiếc xe Nouvo Linited mới coóng. “Thì cũng phải thay đổi chứ, lớn rồi mà, đâu thể luộm thuộm mãi, không khéo bạn bè cười cho. Cái bộ này với đôi dép, gần cả triệu chứ không ít đâu, còn con xe thì mới đòi bà già đó”, Trung Cảnh khoe với chúng tôi. Khi hỏi về kết quả học vừa qua, Trung Cảnh nói khẽ: “Vừa mới thi lại 3 môn”.
Bác Huỳnh Đông, nhà ở quận 5, TP.HCM trò chuyện: “Nhà bác có 2 cháu đang học ở ĐH Văn Lang và ĐH Mở. Tuy gia đình cũng có điều kiện nhưng các cháu không vì thế mà xin xỏ thứ này thức khác, chỉ đi học bằng xe buýt. Bác thấy nhiều đứa ở quê vào thành phố học mà đua đòi quá, như vậy là không nên. Là SV sống xa nhà, quan trọng nhất là chú tâm đến việc học, biết chi tiêu hợp lý, tiết kiệm. Mỗi lúc xài tiền cần nghĩ đến ba mẹ mình đang làm lụng ở quê”, bác Đông nhắn nhủ.
Nguyễn Thanh Nam

Bình luận (0)