Tòa soạnThư đi – tin lại

Giáo dục ý thức pháp luật trong nhà trường: Bài 1: Thời lượng “chạy” theo chương trình

Tạp Chí Giáo Dục

Rèn luyện ý thức pháp luật cho các em ngay từ bậc tiểu học . Ảnh: Tuy An
Thiếu quan tâm đến giáo dục ý thức pháp luật trong nhà trường sẽ làm cho HS có thái độ tiêu cực, thụ động, không tôn trọng pháp luật và sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Kể từ số báo này, Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài “Giáo dục ý thức pháp luật trong nhà trường” của ThS. luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM).
Rèn ý thức pháp luật từ bậc tiểu học
Trong đời sống xã hội, pháp luật giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Có thể nói, pháp luật là phương tiện không thể thiếu để bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của xã hội. Ngoài chức năng là một công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu, pháp luật còn là thước đo hành vi xã hội của con người và là công cụ để chúng ta kiểm nghiệm nhận thức, điều chỉnh xã hội. Một trong những đặc trưng của pháp luật là tính liên hệ mật thiết với các quy phạm xã hội khác, đặc biệt là các quy tắc đạo đức, tập quán và các quy phạm của các tổ chức xã hội. Các tư tưởng và quy tắc đạo đức tiến bộ luôn là cơ sở cho pháp luật.
Việc giáo dục, trong đó có giáo dục ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội, thế giới tự nhiên hay ý thức pháp luật là điều vô cùng quan trọng, mang tính chất sống còn đến sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Con người từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành đều chịu sự tác động của giáo dục. Đó chính là giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Bằng những nhận thức ban đầu do quan sát, tiếp xúc cùng với sự giáo dục, dần dần ý thức mới hình thành trong con người. Do đó, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng, hình thành ý thức pháp luật trong HS, SV là một việc làm vô cùng khó khăn, nó đòi hỏi chúng ta phải có sự đầu tư, chuẩn bị thật kỹ càng và thật nghiêm túc ngay từ ban đầu.
Bậc tiểu học chính là giai đoạn bắt đầu giáo dục đạo đức tốt nhất, sau đó đến các bậc học tiếp theo. Bởi vì, tiểu học là môi trường đầu tiên HS được sống, học tập và được làm quen với tính kỷ luật, tính phải chấp hành nội quy… là cơ sở ban đầu để hình thành nhân cách. Việc rèn luyện ý thức pháp luật ở bậc tiểu học và các bậc học lớn hơn phải có sự liên hệ chặt chẽ với nhau thì mới trang bị cho HS, SV vốn hiểu biết về tầm quan trọng của pháp luật. Từ đó, các em mới có thể phát huy tính năng động, sáng tạo của ý thức pháp luật, phát huy vai trò nhân tố của con người và có thái độ ứng xử đúng đắn, phù hợp với các quy tắc đạo đức, quy tắc của xã hội. Hay nói một cách khác, khi HS, SV nhận thức được quy luật khách quan một cách đúng đắn sẽ tác động một cách tích cực vào thế giới khách quan.
Như vậy, “ý thức pháp luật” chính là giá trị đạo đức, ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật trong nhà trường và được hình thành trong suốt quá trình nhận thức (học tập) để từ đó có những nhận thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật.
Giáo viên chưa nắm kiến thức pháp luật
Liên quan đến việc rèn luyện ý thức pháp luật trong nhà trường, ở bậc tiểu học, HS sẽ được học môn “đạo đức”; lên bậc THCS và THPT học sinh sẽ được học môn “giáo dục công dân” và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Về sách giáo khoa dành cho các bậc học nói chung còn sử dụng quá nhiều ngôn ngữ mang tính “hàn lâm”, làm cho các em khó hiểu, khó tiếp thu. Đội ngũ giảng dạy bộ môn này còn thiếu về số lượng, năng lực của một số giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, chưa nắm bắt được kiến thức cơ bản về pháp luật.
Về phương pháp giảng dạy, mang nặng tính lý thuyết, rất yếu về thực hành và thiếu hẳn phương pháp trực quan sinh động. Chính từ lẽ đó, thầy cô vô tình đã “đóng khung” kiến thức của các em trong một “mớ” những định nghĩa và những ngôn từ đầy rắc rối mang nặng tính hàn lâm.
Những bài học thuộc lòng với ngôn ngữ kiểu “hàn lâm” như trên thực sự đem đến cho các em những hiểu biết như thế nào về ý thức pháp luật, pháp luật hay chỉ đọng lại là một bài học tẻ nhạt, nhàm chán vì quá khó hiểu? Theo tôi, điều đầu tiên mà giáo dục cần hướng đến chính là việc làm sao để các em thích học chứ không phải là các em học được cái gì. Phần lớn học sinh khi được hỏi về sự thích học hay không thích học môn giáo dục công dân thì đều có câu trả lời rằng: “Không thích” vì thầy cô giảng không hiểu, tiết học không sinh động.
Xét về bản chất, môn “đạo đức”, “giáo dục công dân” là một môn khoa học nặng về lý thuyết. Tuy là môn “giáo dục công dân” nhưng nội dung liên quan đến giáo dục đạo đức không phải là chủ đạo, mà là sự tích hợp thêm các nhiệm vụ khác hết sức nặng nề. Trong khi đó, môn “giáo dục công dân” ở lớp 10 có 35 tiết thì đã có 16 tiết với nội dung “Công dân với việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học”; lớp 11 có 35 tiết thì HS đã phải học các nội dung liên quan đến thế giới quan, kinh tế, xã hội với 27 tiết; lớp 12 thì gần một nửa thời lượng là kiến thức pháp luật (?).
Trong toàn bộ chương trình “giáo dục công dân” bậc THPT chỉ có 11 tiết dạy các vấn đề về đạo đức trên tổng số 105 tiết. Với thời lượng học và chương trình như vậy, chắc chắn không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách HS và khó có thể đạt được nhiệm vụ giáo dục ý thức pháp luật cho các em.
 
ThS. luật sư  Nguyễn Hữu Thế Trạch

 

Bình luận (0)