Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đưa công nghệ vào đổi mới phương pháp dạy

Tạp Chí Giáo Dục

Đổi mới dạy học tiếng Anh thông qua việc kết hợp các ứng dụng công nghệ sẽ nâng cao chất lượng giáo dục hơn
Đây là nội dung được nhấn mạnh tại hội thảo Đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh – tin học cho giáo viên (GV) và học sinh (HS) theo chuẩn quốc tế do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp cùng IIG Việt Nam tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Ngày hội 40 năm GD-ĐT TP.HCM phát triển.
Tại hội thảo, nhiều phương tiện công nghệ hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh được đề cập đến như chương trình học tiếng Anh trực tuyến (English Discoveries Online – EDO); ứng dụng phát âm chuẩn mực và linh hoạt (Sanako Pronounce); dạy và học viết tiếng Anh trực tuyến (WPP và Criterion). Những chương trình này sẽ khắc phục các hạn chế về thời gian giảng dạy ngắn hay phát âm không chuẩn… của GV và HS. Đơn cử như ứng dụng Sanako Pronounce,đây là phần mềm được cài đặt trên máy tính cá nhân, cho phép người học tự học và thực hành phát âm theo giọng bản ngữ ở cả cấp độ từ, cụm từ và câu. Mặt khác, ứng dụng này được xây dựng trên nền tảng công nghệ chuyển văn bản thành âm thanh, người học có thể đưa vào phần mềm bất cứ đoạn văn bản nào mình muốn luyện tập, đồng nghĩa với việc người học có nguồn học liệu vô hạn, phù hợp với nhu cầu phát âm theo giọng bản ngữ mẫu mong muốn như Anh – Anh, Anh – Mỹ và Anh – Úc. Các phần ghi âm, báo cáo tình hình học tập của người học sẽ được tập hợp gửi cho GV để đánh giá, theo dõi quá trình học tập và sự tiến bộ.
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, từ tháng 2-2014, sở đã công nhận áp dụng các bài thi tiếng Anh chuẩn quốc tế của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ như TOEFL Primary, TOEFL Junior, TOEFL iBT và TOEIC làm tiêu chuẩn đánh giá kết quả học tập và giảng dạy của GV, HS. Vấn đề đặt ra là làm sao để đạt được các mức chuẩn này bởi thời lượng dạy học không tăng và một số hạn chế nhất định của GV vẫn còn. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Những công cụ, phương thức giảng dạy tiên tiến sẽ hỗ trợ nâng cao hiệu quả quá trình giảng dạy ngoại ngữ. Tiếng Anh là môn học quan trọng trong chương trình đổi mới giáo dục của TP.HCM để đáp ứng nhu cầu hội nhập, vì thế đổi mới cách dạy và học tiếng Anh thông qua kết hợp các ứng dụng công nghệ sẽ mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng tới mục tiêu HS và GV của TP.HCM đạt các chuẩn quốc tế”.
Bên cạnh ngoại ngữ, nội dung đổi mới phương pháp giảng dạy tin học cũng được nhắc đến tại hội thảo. Mặc dù trình độ tin học của GV và HS được chuẩn hóa bằng các bài thi quốc tế của Certiport như IC3 Spark, IC3, MOS, ACA; nhưng để đạt được mục tiêu chuẩn tin học đề ra cho GV và HS, TP.HCM phải vượt qua không ít trở ngại. Đó là chương trình giảng dạy tin học trong trường phổ thông hiện nay đã quá cũ, nội dung không được cập nhật; thiếu kinh phí đầu tư, nâng cấp máy tính; thiếu GV đạt chuẩn quốc tế dẫn đến GV đạt chuẩn giảng dạy quá tải, hiệu quả thấp. Hay việc sử dụng giáo trình tin học mới không đồng bộ. Đại diện IIG Việt Nam đã phân tích thực tế triển khai các chuẩn tin học quốc tế trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp giảng dạy phù hợp để tận dụng mọi thuận lợi, khắc phục khó khăn hiện tại. Từ đó đưa ra phương pháp giảng dạy định hướng chuẩn tin học quốc tế MOS và IC3-GS4. Đây là sự kết hợp hoàn chỉnh của giáo trình giảng dạy MOS 2010, IC-GS4 đã được Việt hóa và xuất bản, ngân hàng các bài tập thực hành, bài luyện thi, thi thử… trên chính phần mềm thực hành của Certiport.
Bài, ảnh: N.Trinh
GV năng động, nhanh nhẹn hơn
Tại hội thảo, cô Phan Thu Hương (GV tiếng Anh đang giảng dạy tại một trường tiểu học) chia sẻ: Thông qua ứng dụng phát âm, GV có thể thấy được những phát âm sai để khắc phục vì không thể khẳng định 100% GV đều phát âm chuẩn. Mặt khác, việc ứng dụng các phần mềm hỗ trợ giảng dạy còn giúp GV hiểu rõ những công cụ, phương pháp giảng dạy hiện đại đang phổ biến trên thế giới để nghiên cứu và vận dụng trong quá trình giảng dạy của mình. Qua đây, tác phong dạy học của GV cũng nhanh nhẹn, năng động hơn.
 
 

Bình luận (0)