Học sinh Trường THPT Vĩnh Lộc thích thú khi được Ban tư vấn chia sẻ nhiều thông tin bổ ích
|
Tuần qua, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đến với học sinh (HS) hai trường: THPT Nguyễn Hữu Tiến và THPT Vĩnh Lộc. Trong chương trình, các em đã nêu rất nhiều câu hỏi về phương án tuyển sinh bằng học bạ của các trường ĐH, CĐ.
Không được thay đổi thứ tự ưu tiên
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, sau khi nghe Ban tư vấn phổ biến những điểm cần lưu ý trong quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, em Đỗ Đức Bình (học lớp 12) băn khoăn: “Nếu em đăng ký 4 ngành ở nguyện vọng 1 và trúng tuyển ở thứ tự ưu tiên số 1, nhưng sau đó em không thích ngành này thì có được chọn và chuyển sang thứ tự ưu tiên số 2 không?”. ThS. Nguyễn Trọng Thể, đại diện Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, khẳng định: Theo nguyên tắc chung đã được Bộ GD-ĐT và các trường ĐH thống nhất, khi thí sinh trúng tuyển ở thứ tự ưu tiên số 1 mà thí sinh đó đăng ký sẽ không được xét các ngành ở thứ tự ưu tiên còn lại. Đồng thời, 3 phiếu nguyện vọng bổ sung cũng bị vô hiệu hóa. Do đó khi lựa chọn ngành học để đăng ký nguyện vọng 1, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ để tránh trường hợp sai sót không thể thay đổi sau này.
Cũng đặt câu hỏi về việc xét tuyển, em Phạm Ngọc Hải Anh (học lớp 12) thắc mắc: “Ngoài 3 môn bắt buộc, em lựa chọn môn tự chọn theo khối thi. Vậy khi đăng ký xét tuyển, em có thể chuyển sang khối thi khác được không?”. Về vấn đề này, ThS. Nguyễn Trọng Thể cho biết: Khi làm hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 (đăng ký vào tháng 4 – PV), các em cần xác định chính xác: Mình định xét tuyển vào trường ĐH, CĐ nào, ngành nào, ngành đó xét tuyển những gì để đăng ký môn thi cho phù hợp. Ở các nguyện vọng, các em chỉ được đăng ký xét tuyển những khối/tổ hợp bộ môn mà các em đã thi.
“Năm nay, nhiều trường có xét tuyển tổ hợp bộ môn mới nên ngoài môn bắt buộc, thí sinh chỉ đăng ký thêm 1-2 môn là có thể xét tuyển được cả khối thi truyền thống nên các em cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được hiệu quả cao nhất”, ThS. Nguyễn Trọng Thể khuyên.
Xét tuyển bằng học bạ vẫn có yêu cầu chung
Ban tư vấn giải đáp thông tin cho học sinh
|
Em Nguyễn Hải Đạt, HS lớp 12 Trường THPT Vĩnh Lộc, bày tỏ: “Em nghe nói năm 2015 có nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả học bạ để tuyển sinh. Vậy có quy định chung nào cho các trường áp dụng quy định này không? Phương thức tuyển sinh bằng học bạ của Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cụ thể như thế nào?”. ThS. Bùi Quang Đông, đại diện Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, cho biết: Theo thông tin hiện nay, các trường tuyển sinh dựa vào kết quả THPT của thí sinh đều có quy định ngưỡng chất lượng đầu vào, thường điểm trung bình 3 năm THPT là 6,0 trở lên đối với ĐH và 5,5 trở lên đối với CĐ. Điều kiện bắt buộc đối với các thí sinh tuyển sinh theo phương thức này là phải tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. “Trường chúng tôi cũng áp dụng quy định tương tự đối với các thí sinh muốn xét tuyển bằng học bạ, tức là điểm trung bình từng môn trong tổ hợp dùng để xét tuyển cho từng ngành trong 3 năm học THPT sau khi cộng lại chia cho 3 phải đạt từ 6,0 trở lên đối với bậc ĐH và 5,5 trở lên đối với bậc CĐ. Quá trình xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu dự kiến”, ThS. Bùi Quang Đông nói.
Có ý định xét tuyển vào ngành điều dưỡng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bằng học bạ nên em Đặng Vũ Phương Quỳnh (học lớp 12) rất quan tâm đến phương thức này. ThS. Tô Hoài Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: Ngoài yêu cầu về điểm tổng kết học bạ THPT, các thí sinh xét tuyển ngành năng khiếu sẽ phải sử dụng điểm môn năng khiếu do trường hoặc các trường có khối ngành năng khiếu tổ chức. Riêng đối với các ngành sức khỏe, ngoài việc xét điểm tổng kết học bạ còn xét điểm trung bình lớp 12 của một môn theo nguyên tắc từ cao xuống thấp. Cụ thể: Môn hóa học phải đạt ngưỡng xét tối thiểu 6,5 điểm trở lên dành cho ngành dược bậc ĐH; đạt 5,5 điểm trở lên dành cho bậc CĐ. Môn sinh học với ngưỡng xét tối thiểu đạt 6,0 điểm trở lên dành cho ngành điều dưỡng bậc ĐH; đạt 5,0 điểm trở lên dành cho bậc CĐ.
Trong khi đó, ThS. Đỗ Việt Hùng, Phó trưởng ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khẳng định: Ngoài các yêu cầu chung về điểm học bạ, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ tổ chức xét các môn năng khiếu của thí sinh có thi môn năng khiếu theo đề của các trường có tổ chức thi môn này (khối V và H) với điều kiện để được xét là: Điểm thi phải từ 5,0 trở lên. Quá trình xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu dự kiến.
Bài, ảnh: Linh Vy
“Theo nguyên tắc chung đã được Bộ GD-ĐT và các trường ĐH thống nhất, khi thí sinh trúng tuyển ở thứ tự ưu tiên số 1 mà thí sinh đó đăng ký sẽ không được xét các ngành ở thứ tự ưu tiên còn lại. Đồng thời, 3 phiếu nguyện vọng bổ sung cũng bị vô hiệu hóa”, ThS. Nguyễn Trọng Thể, đại diện Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, khẳng định.
|
HỎI – ĐÁP
Ngành quản trị khách sạn và ngành quản trị nhà hàng – dịch vụ ăn uống khác nhau thế nào? (Nhiều HS Trường THPT Vĩnh Lộc thắc mắc).
– ThS. Nguyễn Bửu Toàn, đại diện Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn, cho biết: Quản trị khách sạn là ngành học về quản trị toàn bộ các khâu ăn uống, phòng buồng của các khách sạn. Ngành này thiên về lĩnh vực quản trị. Còn ngành quản trị nhà hàng – dịch vụ ăn uống thì thiên về dịch vụ ăn uống của các khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi. Cơ hội nghề nghiệp sắp tới của hai ngành này khá rộng vì ngành du lịch là một mảng trọng điểm trong Cộng đồng kinh tế ASEAN được ký kết vào cuối năm nay. Vì thế, không chỉ làm việc tại các khách sạn, nhà hàng trong nước, sinh viên học hai ngành này cũng có thể làm việc tại các nước khác trong khu vực ASEAN.
N.Anh (ghi)
|
Bình luận (0)