Tòa soạnThư đi – tin lại

Bạo lực trong gia đình và nhà trường: Lỗi tại người lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Áp lực về học tập, thi cử cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo hành (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: T.A

Bạo lực trong gia đình và nhà trường không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và thể xác, chấn động về mặt tinh thần mà còn gây rối loạn về mặt trật tự xã hội. Bạo hành của người cha hoặc mẹ đối với con cái, của thầy với trò, của trò với trò… có ảnh hưởng xấu để lại di chứng cả cuộc đời một con người.
Trẻ hung hăng, tại ai?
Bạo lực từ gia đình đã ảnh hưởng đến cách hành xử của học sinh với bạn bè và những người xung quanh. Các nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, trẻ em có tuổi thơ sống trong hoàn cảnh bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực, có hành vi bạo lực cao hơn nhiều so với trẻ bình thường. Trẻ sinh ra và lớn lên trong một gia đình thiếu vắng sự yêu thương, chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên thì có thể sinh ra tổn thương tâm lý và dẫn tới những phản ứng bạo lực, gây gổ, thù hằn ở trẻ. Theo báo cáo sơ bộ của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM, trong năm 2008, tại TP.HCM có 18 học sinh bị khởi tố bởi các tội danh nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm, phá hoại tài sản nhà nước… 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm, chăm sóc, đó là số liệu thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Theo ThS. Lê Thị Ngọc Dung, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường còn do gia đình, nhà trường và xã hội chưa quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của các em. Các bậc cha mẹ ít bỏ thời gian nói chuyện tâm tình với con, vì vậy cơ hội giáo dục con cái cũng bị mất đi. Không phát hiện những bất thường trong thái độ, hành vi của con để uốn nắn kịp thời. Nhiều thầy cô giáo có hành vi bạo lực với học sinh biện minh rằng do áp lực công việc, thiếu kiềm chế, không làm chủ mình. Tuy nhiên một phần lớn là do thầy cô giáo còn thiếu nghiêm trọng trong kỹ năng xử lý tình huống, phân tích tâm lý nên dẫn đến hành vi bạo lực.
Mặc dù bất kỳ nguyên nhân nào cũng khó chấp nhận hiện tượng bạo hành với học sinh. Nhân cách, đạo đức của người thầy sa sút nghiêm trọng qua các vụ việc nghe khó lọt tai như: bắt học sinh liếm ghế, xô đẩy học sinh ngã, cho cả lớp tát vào mặt học sinh, nắm cổ áo nhấc bổng học sinh lên, đánh vào mu bàn tay, không ghi chép bài đầy đủ hoặc không thuộc bài, bắt học sinh tự tát vào mặt… Ngoài ra còn gí nắm tay vào trán, biểu hiện bạo hành tinh thần bằng những lời lẽ xúc phạm như em ngu quá, lì lợm, đầu toàn bã đậu, đầu tô, ngu như con bò đen…
Nguy cơ bạo lực trẻ em xuất phát từ quan hệ bạn bè như bị bạn ức hiếp, bị bạn hù dọa, đánh. Các nhà tâm lý đã khẳng định, sự uất ức, dồn nén tâm lý lâu ngày sẽ là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ hung hăng, không kiểm soát được mình. Các em còn bị tác động mạnh bởi phim ảnh bạo lực, game online bạo lực, kích động rồi dần sống theo nhân vật bạo lực. Áp lực về việc học thêm, bài tập quá nhiều, chương trình học tập nặng nề, thiếu cơ hội vui chơi, giải trí cũng dễ dẫn đến bạo lực vì hay cau có, bực dọc, trầm cảm.
ThS. Võ Thị Tường Vy, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: ấn tượng đầu tiên về bạo lực học đường đó là chương trình học buồn tẻ, nhồi nhét, học sinh buộc phải học những gì mà các em không thấy hứng thú. Để giữ trật tự trong giờ học, luật bất thành văn của thầy cô giáo và quản nhiệm được thiết lập. Cứ học sinh vi phạm là ghi vào sổ kỷ luật, sổ đầu bài… và bị đánh, phạt quỳ, đứng hàng giờ… Chính những tổn thương được tích lũy trong các em đã gây cảm giác chán nản, mệt mỏi vì thường xuyên chịu áp lực từ thầy cô giáo. Bà Vy cho biết thêm, nguyên nhân chủ yếu gây ra tổn thương cho học sinh là nhân cách giáo viên chưa tốt. Giáo viên làm việc với động cơ cá nhân dễ dẫn đến thiên vị, vì cái tôi của mình mà áp đảo học trò.
Ở lứa tuổi THCS, THPT, các em có xu hướng muốn tự khẳng định mình và thể hiện bằng các hành vi gây hấn, bạo lực… Những vụ học sinh bị tác động, thành lập bè phái để gây gổ bạn trong và ngoài trường cũng xuất phát từ xu hướng này. Hiện nay, toàn TP.HCM mới chỉ có 43 điểm tư vấn học đường, một con số quá khiêm tốn so với nhu cầu học sinh cần được chia sẻ, giải tỏa áp lực tâm lý.
Bạo hành trẻ em: hình thức tội phạm nặng nhất
Trang bị kỹ năng sống, kỹ năng yêu cầu trợ giúp khi gặp khó khăn, cha mẹ và nhà trường cần giáo dục các em nhận thức đúng về tình bạn, chọn bạn để chơi là ý kiến về giải pháp phòng chống bạo lực ở trẻ em mà ThS. Lê Thị Ngọc Dung đưa ra. Cùng quan điểm với bà Dung, bà Vy có ý kiến nâng cao hiểu biết về tâm lý lứa tuổi cũng như những tác động đầy khéo léo, đầy tính nhân văn mới mang lại hiệu quả giáo dục. Các sinh viên sư phạm cần phải được trang bị những kỹ năng trong giao tiếp và ứng xử với học trò, kỹ năng làm chủ cảm xúc. Nắm rõ nguyên tắc chỉ đạo trong ứng xử sư phạm để định hướng cho hành động của mình với học sinh.
TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, nếu coi bạo hành trẻ em là hành vi vô nhân đạo nhất thì cũng phải coi đó là một hình thức tội phạm nặng nhất vì nó làm tổn thương đến tinh thần và thể chất của một bộ phận chủ nhân tương lai của đất nước. Tuy nhiên, khi trừng phạt những hành vi bạo hành trẻ em cần phân biệt nó với những hành vi giáo dục con cái theo quan niệm “Thương cho roi cho vọt”. Nếu đánh đồng hai khái niệm này và lạm dụng pháp luật, tức là yếu tố luật pháp can thiệp quá nhiều vào quan hệ gia đình thì hậu quả của nó có thể là làm tổn thương những giá trị văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam.
 

Bác sĩ Lê Minh Công – Bệnh viện Tâm thần TW 2

Bạo hành mang tính lịch sử của gia đình (cha mẹ bị bạo hành và để lại di chứng; con cái bị cha mẹ bạo hành…) sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý các em. Những trường hợp này, cần giải tỏa tâm lý, kịp thời giải quyết khó khăn, những cảm xúc bất lợi đối với các bậc cha mẹ. Thời gian qua, tỉ lệ học sinh tự tử ngày càng tăng, nguyên nhân không nằm ngoài những áp lực về tâm lý khi bị dồn nén mà các em chưa có khả năng tự vệ. Chính vì vậy, ở các trường học cần phải có giáo viên tâm lý.
 
Nguyễn Thái Hoàng
(ĐH Sư Phạm TP.HCM)

 

Bình luận (0)