Tòa soạnThư đi – tin lại

ĐH Văn hóa TP.HCM: SV “ngụp lặn” với nước!

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ cần mưa kết hợp thủy triều đã có thể biến căn phòng khô ráo như thế này thành… sông. Ảnh: Mê Tâm

Sống giữa nội thành nhưng hàng trăm SV Trường ĐH Văn hóa TP.HCM lại dở khóc dở cười trước tình trạng đường ngập, ký túc xá (KTX) và ngay cả trường học cũng lênh láng nước. Tình trạng SV bị “con nước”… hành đã kéo dài đến 2 năm nay…
Đâu đâu cũng “lội”
Trường ĐH Văn hóa có 2 khu nội trú dành cho SV tại phường Thảo Điền (Q.2) nhưng khu K (số 7 đường Đặng Hữu Phổ) lại chịu “lụt” nặng nhất. Nơi đây tập trung 180 SV hệ cử tuyển và đồng bào dân tộc đến từ khắp các tỉnh thành. Chúng tôi đến KTX này vào chiều ngày 15-12, với tiết trời khô ráo và “may mắn” được chứng kiến cảnh các bạn nam hào hứng đá banh tại sân. Ngoài diện tích dành để xe, đặt dây phơi quần áo thì khoảng đất “nhỏ nhắn” còn lại trong khuôn viên KTX trở thành sân banh của các bạn nam. Nhưng niềm vui đó chỉ có được trong những ngày thường, còn thời điểm “con nước lên” thì chỉ cần kiếm được một chỗ “trú” cho khỏi ướt thật khó đối với các bạn. Một SV nữ cho biết, thường những ngày thủy triều lên kèm theo mưa thế nào KTX cũng ngập. Nhiều lúc đi học, nước ngập làm ướt hết đồ đạc cá nhân trong phòng. Về sau, các bạn cảnh giác, chất đồ đạc lên trên bàn, giường hoặc kệ cao. Một số vật dụng nhẹ đặt dưới sàn, khi nào ngập mới chuyển lên. Những hôm ngập nặng, nước dâng ngang cả tầng dưới của giường. Các bạn phải “lánh nạn” lên giường tầng trên cùng bạn và ngậm ngùi ngồi chờ nước rút. Đấy là chưa kể những khi nước ập đến “phá” giấc ngủ của SV vào thời điểm vào giữa khuya khiến họ không khỏi khó chịu.
SV thuộc khu B của KTX ít chịu cảnh “lụt” nhưng lại thường phải lội nước đến trường vì đường ngập. Trao đổi với chúng tôi, nhiều SV cho biết họ không có ý định chuyển đi và muốn “định cư” lâu dài cho đến hết chương trình học. Bởi theo các bạn, ra ngoại trú kiếm được nhà trọ đã khó, giá cả lại đắt đỏ hơn. Nhưng họ vẫn mong nhanh chóng chấm dứt được tình trạng thấp thỏm lo ngập nước như thế này.
2 năm tới vẫn chưa thoát ngập?
Ông Phạm Quốc Tuấn (Phó trưởng phòng Hành chính – Quản trị Trường ĐH Văn hóa) cho rằng tình trạng SV sống chung với nước ngập đã khiến nhà trường “đau đầu” suốt thời gian qua. Trước những khó khăn này, trường cũng đã vạch ra những hướng khắc phục, sửa chữa nhưng cũng gặp rất nhiều trở ngại. Khu B chủ yếu là những dãy nhà mà trường thuê lại, nằm xen kẽ với nhà dân. Chính vì vậy, khâu sửa chữa phải được sự chấp thuận của UBND quận 2. Riêng khu K, trong 4 năm trở lại đây, trường cũng đã lập mô hình để cải tạo, xây dựng lại thành một KTX mới kiên cố tuy nhiên lại vướng phải kinh phí. Để hiện thực hóa khu KTX này, theo ông Tuấn trường cần khoảng 40 tỷ đồng. Hiện trường lại đang tập trung xây dựng KTX mới tại phường Phước Long A (Q.9) theo tiêu chuẩn quốc tế với diện tích 3.000m2, tổng kinh phí lên đến 119 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tháng 2-2010 này sẽ chính thức khởi công xây dựng nhưng phải đến 2 năm sau KTX mới hoàn thành. Vậy là trong vòng 2 năm tới, SV vẫn phải tiếp tục cảnh khổ khi sống chung với ngập?
Theo quan sát, KTX hiện thời rất chật chội, thiếu ánh sáng; có phòng nhồi nhét đến 20 SV. Ông Tuấn giải thích, trường hiện rất thiếu chỗ nội trú cho SV. Cả trường có trên 3.300 SV nhưng trường chỉ giải quyết được khoảng 1/10 chỗ ở nội trú. Trong điều kiện khó khăn như vậy, trường phải liệu cơm gắp mắm, cố gắng bố trí chỗ ở cho SV, tránh đẩy các em vào tình trạng “vô gia cư” (nên có phòng hơi đông, lên đến 20 em). Trước mắt, để đảm bảo đời sống SV, trường chỉ biết chọn phương án “hư đâu sửa đó”. Thời điểm ngập thường rơi vào đầu và giữa tháng, khi có mưa to và thủy triều. Mỗi đợt ngập thường kéo dài 3 ngày. Trừ những tháng “hên” không ngập, còn lại, để chống… lụt, trường bố trí sẵn máy bơm sẵn sàng bơm nước. “Nhưng nếu cả đường hoặc khu dân cư quanh đó cũng ngập thì trường đành… bó tay!” – ông Tuấn chia sẻ. Không chỉ KTX, ngay cả Trường ĐH Văn hóa cũng chịu cảnh “chung một dòng sông”, thầy trò nhà trường biết bao phen vất vả lội nước. “Lo SV mắc bệnh khi sống chung với nguồn nước thiếu vệ sinh như thế này nên phía trường vẫn hay tổ chức phun thuốc diệt muỗi, phòng ngừa cúm A/H1N1”…
Trường đã có nhiều nỗ lực để cải thiện điều kiện sống cho SV. Dù vậy, trong vòng 2 năm tới, nếu SV cứ phải sống với nguồn nước ngập như thế này thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng học tập… sẽ khó tránh khỏi.
MÊ TÂM

Bình luận (0)