Tòa soạnThư đi – tin lại

Cuối năm, người thuê trọ hụt hơi “chạy” theo giá

Tạp Chí Giáo Dục

Được ở KTX là niềm mơ ước của hàng ngàn sinh viên. Trong ảnh, sinh viên đăng ý nhận phòng tại KTX Xã hội hóa, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Tuy An

Đến thời điểm này, một số mặt hàng thiết yếu rục rịch tăng giá, các chủ nhà trọ cũng “ăn theo” tăng giá điện, nước và giá phòng khiến người lao động có thu nhập thấp và sinh viên lao đao.
Không ở thì “biến”
Vợ chồng anh Trần Văn Hiền (thuê trọ ở đường Lạc Long Quân, quận 11) với giá 900 ngàn đồng nay chủ nhà tăng lên 1,2 triệu đồng với lý do “vật giá tăng”. Anh Hiền than thở: “Không chỉ tăng giá phòng mà tiền điện, nước cũng tăng lên 1 đến 2 ngàn đồng cho 1KW điện và 1m3 nước/ tháng”. Với người làm thuê thu nhập không quá 70 ngàn đồng/ ngày mà phải chi trả các khoản tiền nhà, điện nước quá cao như hiện nay không phải là hiếm. Vào thời điểm cuối năm, không ít người thuê có tâm lý “cố hết năm” rồi tính chính vì thế chủ nhà trọ lợi dụng mà mặc sức chèn ép.
Dãy nhà gần chục phòng trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 đa phần là người lao động ở Khu chế xuất Tân Thuận và sinh viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (cơ sở phường Tân Phong, quận 7) thuê trọ. Mới đây, chủ nhà trọ cũng không ngại mở lời với người thuê: “Mỗi phòng tăng thêm 200 ngàn đồng/ tháng, ai không chấp nhận thì “biến”, bao nhiêu người xếp hàng chờ thuê”. Bà Nguyễn Thị Hoa, kinh doanh nhà trọ từ nhiều năm nay nói: “Năm ngoái vào thời điểm này người thất nghiệp đông khiến nhà trọ ế ẩm. Năm nay, nhu cầu người cần trọ lớn, tăng giá cao như vậy mà rất nhiều người đến hỏi”.
Phạm Thị Hòa, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng nói: “Bố mẹ em ở Quảng Nam làm lụng ki cóp mỗi tháng gửi cho em 900 ngàn đồng nhưng nhà trọ liên tục tăng giá thế này chắc phải ăn mì gói trừ cơm quá”. Nhiều sinh viên lựa chọn giải pháp ở ghép để tiết kiệm tiền thuê nhà, song chủ nhà trọ không tính giá theo phòng mà lại tính theo đầu người. Theo đó, mỗi người cũng không dưới 300 ngàn đồng, chưa kể tiền điện, nước. Như Phương Trang, Trường ĐH Sài Gòn cho hay: “Nhỏ bạn em thuê phòng ở đường Nguyễn Biểu, Q.5 ở một mình với giá 600 ngàn đồng/ tháng bảo em về ở chung để giảm bớt tiền nhà. Nhưng đâu ngờ rằng, mới dọn đến chủ nhà báo tin: “Mỗi đứa 400 ngàn đồng/ tháng, trong khi đó chỗ cũ em ở chia nhau ra trả mỗi người không quá 350 ngàn đồng/ tháng luôn cả tiền điện, nước và phí đổ rác sinh hoạt”.
Hết đường mặc cả
Tiền điện nước tính giá cắt cổ cũng là đề tài “thời sự” ở các khu nhà trọ dành cho sinh viên và người lao động. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi KW điện chủ nhà trọ thu của người thuê từ 3.500 đồng đến 4.000 đồng. Còn tiền nước rất hiếm chủ nhà trọ lắp đồng hồ riêng mà tính 35 đến 45 ngàn/ đầu người, thậm chí có nơi còn lên đến 60 ngàn đồng.
Ở một vài địa phương vùng ven TP.HCM như huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và các quận Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức có nhiều công trình xây dựng nên nhu cầu về chỗ trọ cũng “nóng” không kém các quận nội thành. Những căn phòng ẩm thấp có diện tích khiêm tốn cũng có giá không dưới 1 triệu đồng. Nhiều nơi chủ nhà trọ còn ra sức “ép” người thuê phải dồn phòng ở ghép để lấy phòng cho lao động thời vụ thuê với giá cao. Các chủ nhà trọ ở làng ĐH Thủ Đức còn liên kết với nhau đồng loạt tăng giá để sinh viên không còn cách nào mặc cả.
Nhu cầu về chỗ ở cho sinh viên và công nhân ngày một cao. Giải pháp giảm áp lực về chỗ trọ cho sinh viên cũng như người lao động là một việc làm không đơn giản đối với một số đơn vị trường học, các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn thành phố. Mong các cơ quan có liên quan của thành phố sớm có phương án để giải quyết nhu cầu bức thiết này.
Nguyễn Thanh
Hằng năm cứ chuẩn bị vào ngày lễ Noel, Tết Dương lịch và Nguyên đán, sức mua các mặt hàng tăng cao vô tình tạo cơ hội để những người kinh doanh nhà trọ mạnh miệng đẩy giá nhà trọ, giá điện và nước lên cao.
 

Bình luận (0)