HS lắng nghe Ban tư vấn đưa ra lời khuyên thiết thực cho việc lựa chọn ngành nghề |
Tuy học lực chỉ “thường thường bậc trung” nhưng nếu biết lựa chọn ngành học, sinh viên vẫn được nhiều doanh nghiệp săn đón khi ra trường. Đó là lời khuyên của các chuyên gia tư vấn tuyển sinh dành cho những học sinh (HS) có học lực trung bình trước kỳ thi ĐH, CĐ 2013.
Khó thay đổi quan niệm
Tại buổi tư vấn ở hai trường THPT Tây Thạnh và THPT Long Trường (do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức), Ban tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp đã phần nào hiểu được nỗi băn khoăn của không ít em HS khi rơi vào hoàn cảnh này. Tỏ ra khá rụt rè, Lê Nhật Vũ (HS Trường THPT Tây Thạnh) cho biết ba mẹ cứ hay hỏi việc chọn trường cho kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới khiến em không biết phải trả lời thế nào. Bản thân Vũ như đang… ngồi trên đống lửa vì những ngành em thích lại không đủ năng lực để đăng ký. “Nhà chỉ có em là con trai nên ba mẹ rất kỳ vọng trong khi học lực 3 năm THPT của em đều xếp loại trung bình, thậm chí một vài môn còn bị xếp vào hàng… lẹt đẹt ở lớp”.
Quả thật, sự lựa chọn ngành nghề gì trong tương lai đang là nỗi quan tâm của không ít HS có sức học trung bình. Đứng trước sự kỳ vọng của gia đình và nhu cầu của xã hội, không ít em đã gặp phải áp lực khi mà thời hạn đăng ký hồ sơ ĐH, CĐ đang tới gần. Không chỉ thế, quan niệm phải học ĐH mới làm rạng danh và trở thành “ông nọ, bà kia” của nhiều người cũng khiến các em không thể không bối rối. “Ai cũng hỏi em thi trường ĐH nào chứ không hỏi thi ngành nào và ngành đó ra sao, học xong ra làm gì. Khi em nói là sẽ vào trung cấp hoặc một trường CĐ thì người ta tỏ ý không quan tâm hoặc tỏ ý coi thường. Phải chăng những HS có học lực trung bình như em không được sự coi trọng của xã hội?”, Vũ Đức Linh (HS Trường THPT Long Trường) tỏ ra bức xúc.
Không chạy theo hào nhoáng trước mắt
Có thể nói, sự bức xúc của Đức Linh hoàn toàn có cơ sở khi thực tế xã hội luôn có tư tưởng coi trọng tấm bằng ĐH. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, đã chia sẻ một câu chuyện từ chính gia đình ông: Một người học ĐH Bách khoa ngành hóa đã từng làm giám đốc nhân sự cho bốn công ty; một người học ngành xây dựng trung cấp nay kinh doanh vật liệu xây dựng; một người cũng học xây dựng sau học thêm thiết kế giờ làm công việc thiết kế. “Trong ba người này, người thành công nhất lại là người từng học trung cấp. Có nhiều người học trường ĐH này nọ nhưng lại không phát huy được đúng khả năng của mình trong công việc. Nhu cầu công việc trong xã hội hiện nay đang cần những người thực sự có kỹ năng làm việc. Sau khi khảo sát doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp bên ngoài, số liệu của trung tâm cho thấy lực lượng lao động cần nhiều nhất là ở trình độ trung cấp 21,52%, CĐ cần 11,21%, ĐH chỉ cần 12,31% và trên ĐH chỉ cần 0,5%. Trong khi đó, nhu cầu tìm việc phân theo trình độ năm 2012 cho thấy, chỉ có 13,31% người tốt nghiệp trung cấp đi xin việc, 27,81% CĐ và có tới 54,88% trình độ ĐH và trên ĐH, trong khi doanh nghiệp lại cần lao động học trung cấp nhiều hơn. Điều này dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường không có việc làm, trong khi việc làm đòi hỏi trình độ trung cấp nhiều mà lại không có người học. Do đó, người nào chọn đúng nghề, học tốt, có phấn đấu nâng cao năng lực sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn”, ông Tuấn khẳng định.
Đồng quan điểm với ý kiến này, ThS. Trần Thị Thúy Phượng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kent, cho biết thêm: “Nếu HS, phụ huynh cảm thấy nghi ngờ việc lựa chọn ngành học, việc làm của bản thân thì nên tìm đến các nhà tư vấn tại các trường đào tạo nghề, các tổ chức hỗ trợ HS-SV hoặc trung tâm đào tạo, giới thiệu việc làm để tham khảo. “Theo tôi, không nhất thiết chúng ta phải đặt gánh nặng cho mình là phải học trường này, trường kia mà phải xác định việc làm là quá trình hoàn chỉnh nghề nghiệp và thăng tiến. Yếu tố cần thiết là xây dựng được giá trị năng lực ngành nghề của bản thân để phát triển sự nghiệp gắn với phát triển kinh tế và nhu cầu xã hội chứ không phải chạy theo thứ hào nhoáng trước mắt”, ThS. Thúy Phượng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Tường Vy
Bình luận (0)