Tòa soạnThư đi – tin lại

Kinh phí phát triển đồ dùng dạy học tự làm: Nên chi theo tình hình thực tế của từng trường

Tạp Chí Giáo Dục

Để có được đồ dùng dạy học như thế này, phần lớn giáo viên phải tự bỏ tiền túi

Lâu nay, ngành giáo dục nước ta khuyến khích các trường, giáo viên tự làm đồ dùng dạy học, việc làm này phát huy tính sáng tạo, tạo ra những sản phẩm giáo dục vừa tiết kiệm chi phí vừa đạt hiệu quả dạy học thực chất. Tuy nhiên, việc tự làm đồ dùng dạy học chưa được giáo viên quan tâm, đặc biệt là ở các bậc học lớn.
Còn nhớ cách đây không lâu, tại Hội thảo Phát triển thiết bị dạy học tự làm bậc mầm non và phổ thông, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận xét: “Trang bị đầy đủ thiết bị dạy học là một trong những quyết định thành công trong đổi mới phương pháp giảng dạy”.
Riêng TP.HCM, phong trào tự làm đồ dùng dạy học có thể nói mạnh nhất so với các địa phương khác. Tuy nhiên cũng chỉ ở các bậc học MN, tiểu học và THCS, bậc học THPT chỉ lác đác vài trường, vài giáo viên thực hiện.
Hiện nay, ngân sách nhà nước đầu tư cho việc mua sắm thiết bị dạy học cũng chưa thấm vào đâu so với yêu cầu đổi mới dạy và học, vì thế, giáo viên phải tự bỏ tiền túi ra để làm đồ dùng dạy học. Như thầy giáo Trần Tuấn Anh, môn giáo dục công dân, Trường THCS Bạch Đằng, quận 3; cô Lê Thị Liên, Trường Tiểu học Dương Minh Châu, quận 10; thầy giáo Đỗ Minh Hoàng Đức, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu; thầy Hoàng Đức Huy, Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 4… là những ví dụ điển hình. Một số trường có hỗ trợ kinh phí cho giáo viên làm đồ dùng dạy học nhưng cũng chẳng đáng là bao so với số tiền mà giáo viên bỏ ra. Để làm được điều này, hơn hết các giáo viên có lòng yêu trò, tâm huyết với nghề thật đáng trân trọng.
Bộ GD-ĐT cần có quy định chặt chẽ việc tự làm đồ dùng dạy học là một hoạt động sư phạm thường xuyên cho các trường, giáo viên thực hiện theo. Không ai khác, với kinh nghiệm thực tế tại trường, những thuận lợi và khó khăn trong bộ môn của mình đảm trách, giáo viên sẽ là người hiểu rõ nhất người học sinh thiếu những gì để đáp ứng.
Cũng theo dự thảo của đề án, để phát triển thiết bị dạy học tự làm ở bậc mầm non và phổ thông giai đoạn 2010-2014, ngành giáo dục sẽ chi 700 tỷ đồng. Đây là kinh phí không lớn cũng không nhỏ nếu chúng ta có cách phân bổ hợp lý. Thực tế cho thấy, ở các bậc học lớn như THCS và THPT giáo viên không mấy mặn mà với việc làm đồ dùng dạy học. Như vậy, nếu phân bổ đồng đều cho các trường thì không bằng và có thể nảy sinh chuyện sử dụng kinh phí không hiệu quả.
Theo nhận xét của một số thầy, cô giáo, với 7 tiết/ tuần đối với giáo viên phổ thông trung học và 24 tiết/ tuần đối với giáo viên tiểu học khiến họ không có thời gian tự làm đồ dùng dạy học. Hơn nữa theo kinh nghiệm, tôi thấy rằng việc cho ra lò những sản phẩm phục vụ giảng dạy không khó, không tốn kém là bao mà cái khó là vì giáo viên lười.
Nhà giáo Nguyễn Bá Tổng
Với 700 tỷ đồng phục vụ phát triển đồ dùng dạy học tự làm trong giai đoạn 2010-2014, trường mầm non được chi 10 triệu đồng/ năm; tiểu học 15 triệu đồng/ năm, THCS 20 triệu đồng/ năm và trường THPT được chi 25 triệu đồng/ năm. Theo tôi, tùy vào tình hình thực tế ở một số trường, ở từng địa phương cụ thể mà kinh phí chi cho phát triển thiết bị dạy học tự làm phải khác nhau chứ không thể theo quy định cứng nhắc như thế. Mong ban dự thảo đề án cần sớm thống nhất ý kiến để tự làm đồ dùng dạy học không còn là phong trào mà trở thành một hoạt động sư phạm hiệu quả.
 

Bình luận (0)