Lực lượng chữa cháy triển khai dập tắt lửa tại vụ cháy trên đường Phạm Thế Hiển, Q.8 |
Các vụ cháy xảy ra thường tập trung ở địa bàn dân cư đông đúc, hẻm ra vào nhỏ, nhà cửa chật chội. Điều đáng quan tâm là các điểm bị cháy chủ yếu được xây dựng bằng các vật liệu dễ cháy. Nguy cơ tiềm ẩn nữa là hiện nay các xưởng sản xuất, kinh doanh cá thể tiết kiệm chi phí đầu tư nên xem nhẹ việc đề phòng cháy nổ, thiếu các phương tiện PCCC.
Cuối năm, sức mua, sức bán hàng hóa tăng mạnh, trong khi đó tiểu thương ở các chợ rất chủ quan, mất cảnh giác. Ban quản lý các chợ trên địa bàn TP.HCM cũng đã tích cực đề phòng, xây dựng các phương án phòng chống cháy nổ, song cũng chưa đạt hiệu quả. Hiện TP.HCM có hàng ngàn khu dân cư có nguy cơ xảy ra cháy cao nhưng nguồn nước chữa cháy phục vụ tại chỗ hầu như không có. Đây là điều người dân hết sức lo lắng. Thực tế qua các vụ cháy, không chỉ thiếu nguồn nước phục vụ tại chỗ mà cả lực lượng chữa cháy tại chỗ cũng có phần hạn chế. Hơn nữa, ý thức của người dân còn quá kém, thường xuyên bị động, không báo ngay với cơ quan chữa cháy địa phương nên đã tạo điều kiện cho lửa cháy lan trên diện rộng.
Mạng lưới điện của TP.HCM hiện đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt là dịp lễ, tết cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cháy nổ. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM có trên 200 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao do điện. Hệ thống đường dây điện quá cũ, thậm chí đã bong tróc phần vỏ bọc, để lộ ra phần lõi kim loại bên trong. Một thực tế nữa là hiện nay, tình trạng câu, móc điện không đúng kỹ thuật, quy cách, không tuân thủ theo độ cao quy định, vi phạm an toàn điện ở các khu dân cư tự phát, khu dân cư bị quy hoạch treo… diễn ra khá phổ biến.
Chớ lơ là
Ở các cuộc họp tổ dân phố, phường, quận, lãnh đạo địa phương thường xuyên nhắc nhở các hộ gia đình cần đề cao cảnh giác, thay mới thiết bị tự ngắt điện khi quá tải, kiểm tra đường ống dẫn gas, van đóng, ngắt gas… song nhiều hộ gia đình vẫn thờ ơ. Tại khu dân cư đã vậy, các khu chợ lại có đặc thù là lượng ki-ốt kinh doanh quá dày đặc, nhiều mặt hàng dễ cháy như quần áo, vải vóc, điện máy… Phòng Cảnh sát PCCC cũng như Ban quản lý các chợ thường xuyên khuyến cáo, nhắc nhở các chủ ki-ốt không thực hiện việc đốt nhang, vàng mã ngay tại sạp nhưng tình trạng nguy hiểm này vẫn còn tái diễn.
Đề nghị ngành điện lực cần quan tâm, kiểm tra các thiết bị điện dẫn vào nhà dân như cầu dao, dây dẫn điện, sửa chữa và thay mới các thiết bị có dấu hiệu hư hỏng để đảm bảo an toàn về điện. Lâu nay, qua thống kê từ các vụ cháy lớn, nhỏ cho thấy thiệt hại cả người và của là không nhỏ. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt quy định an toàn về điện. Thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể cố tình phớt lờ các quy định của Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Về phía người dân, cần cảnh giác, nhận thức rõ mối nguy hiểm khi sử dụng điện cũng như cách sử dụng các thiết bị dễ cháy, nổ trong nhà.
Nguyễn Thanh
5 ngày xảy ra 11 vụ cháy
Rạng sáng 3-1-2010 đã xảy ra vụ cháy lớn tại công ty sản xuất bột mì trên đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM. Cơ quan chức năng phải huy động 18 xe cứu hỏa và trên 160 chiến sĩ cảnh sát mới dập tắt đám cháy bùng phát dữ dội. Vụ cháy làm 200m2 nhà xưởng và 62 tấn bột mì bị cháy rụi. Trước đó, lúc 23 giờ 35 phút ngày 31-12-2009 xảy ra vụ cháy tại cơ sở thu mua phế liệu do ông Vũ Văn Sơn làm chủ (193, quốc lộ 1A, KP.5, P. Tam Bình, Q. Thủ Đức). Một vụ cháy nghiêm trọng khác xảy ra hồi 3 giờ 28 phút rạng sáng 31-12-2009 tại số 12, đường Vũ Chí Hiếu, P.13, Q.5 đã làm 1 người chết và 1 người bị thương. 1 giờ 16 phút ngày 1-1-2010, lại một vụ cháy xảy ra tại cơ sở thu mua phế liệu số 87/92C đường Đinh Tiên Hoàng, P.3, Q.Bình Thạnh. Vụ cháy làm bỏng nặng 2 người, thiêu rụi 3 xe gắn máy và toàn bộ tài sản bên trong cơ sở. Nguyên nhân vụ cháy là do vứt tàn thuốc lá trong cơ sở. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM, trong 5 ngày gần đây đã xảy ra 11 vụ cháy.
|
Bình luận (0)