Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Góp thêm giải pháp trong dạy học lịch sử hiện nay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Hè năm nay, sau khi công bố kết quả thi đại học, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại rộ lên một loạt ý kiến về việc dạy học lịch sử. Có thể tìm ra nguyên nhân của những hạn chế và yếu kém trong công tác dạy học lịch sử ở trường phổ thông như sau:
1. Ở nước ta, khoa học lịch sử chưa được đối xử như một khoa học thực sự mà nhiều khi còn được xem như một công cụ tuyên truyền. Xã hội chưa thực sự coi trọng những giáo viên lịch sử và những người nghiên cứu lịch sử. Xã hội và nhà trường chưa thực sự coi trọng việc dạy làm người cho thế hệ trẻ. Việc khoa học xã hội nhân văn bị coi nhẹ như hiện nay là một trong những nguyên nhân của hiện tượng suy thoái đạo đức trong xã hội và gia tăng tội phạm. Ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc khiến các thầy cô giáo dạy lịch sử và văn học phải suy nghĩ nhiều: “Học chính trị là quá cần thiết chứ, và có thể dạy thật hay nữa. Nhưng sử là sử, văn là văn, chính trị là chính trị, không thể và hoàn toàn không nên lẫn lộn, dùng cái này để làm cái kia, đem cái này làm công cụ cho cái kia” (Tạp chí Xưa và nay, số 385, tháng 8-2011). Khi còn sống, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng kính yêu của chúng ta đã từng nhắc nhở các thầy cô giáo dạy sử rằng, dạy sử là dạy sử chứ không phải ba hoa về chính trị.
2. Trong công tác quản lý, chỉ đạo, chúng ta còn mắc nhiều thiếu sót, nhất là trong việc chỉ đạo đánh giá kết quả học tập của học sinh, chỉ đạo thi cử, đặc biệt là trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học.
3. Quy chế và cách thức tuyển sinh vào các trường đại học hiện nay chưa tạo được động lực cho học sinh trong học tập môn lịch sử.
4. Chương trình và sách giáo khoa còn có nhiều hạn chế, chưa cập nhật được với những kết quả nghiên cứu mới. Phần lịch sử Việt Nam cận, hiện đại ở lớp 8 và lớp 9; lớp 11 và lớp 12 được viết một cách thiếu toàn diện, nặng về quân sự và chính trị. Trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, phần viết về lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến nay còn có quá nhiều nội dung trùng lặp với lịch sử Đảng.
5. Còn nhiều giáo viên lịch sử chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học, vẫn đang thực hiện cách dạy đơn điệu, một chiều, áp đặt, ghi chép nhiều, nặng nề, nhàm chán, ít khơi dậy được tư duy sáng tạo của học sinh.
Năm nay, kết quả thi đại học môn sử thấp, theo chúng tôi, có hai nguyên nhân chủ yếu sau: Một là, có nhiều sai sót khi ra đề và phản biện đề. Từ sai sót này, chúng ta đã rút ra được nhiều kinh nghiệm bổ ích. Nguyên nhân chủ yếu thứ hai là ở vấn đề động lực học tập môn sử của một bộ phận học sinh yếu kém khi tham gia thi khối C. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, hầu hết các trường THPT trong cả nước không thi môn sử nên học sinh cũng không dành nhiều thời gian cho việc học tập môn này.
Tình hình là như thế, vậy cần phải làm gì để giải quyết những bức xúc và khó khăn trong dạy và học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay?
Những giải pháp trước mắt:
Thứ nhất, thực hiện giảm tải chương trình như chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai là rất cần thiết.
Thứ hai, trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn sử của học sinh, cần phải giảm bớt những câu hỏi tái hiện mà tăng cường những câu hỏi ở mức độ thông hiểu và vận dụng sáng tạo. Có như vậy, mới dần dần xóa bỏ được quan niệm cho rằng môn sử là môn học thuộc lòng.
Thứ ba, tiếp tục bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn cho giáo viên. Tuy nhiên, về công tác này, phải lấy tự học, tự bồi dưỡng là chính, để giáo viên lịch sử có một cái phông văn hóa đủ dày, cần thiết, mới có thể linh hoạt ứng biến với các tình huống dạy học và truyền được niềm say mê nghiên cứu, tạo hứng thú học tập môn Lịch sử cho học sinh.
Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) nơi cực Bắc Tổ quốc. Ảnh: Xuân An
Những giải pháp lâu dài:
Về lâu dài, chương trình môn Lịch sử ở trường phổ thông triển khai sau năm 2015 nên vừa kế thừa vừa khắc phục những hạn chế của chương trình và sách giáo khoa hiện hành, có thể xây dựng theo phương hướng sau:
Một là, kế thừa có bổ sung chỉnh lý chương trình hiện hành của cấp THCS, nhất là có thể kế thừa nhiều nội dung ở lớp 6, lớp 7 và phần lịch sử thế giới của lớp 8 và lớp 9. Phần lịch sử Việt Nam cận hiện đại ở lớp 8 và lớp 9; lớp 11 và lớp 12 cần được biên soạn lại theo phương hướng toàn diện hơn. Thời lượng dạy học cho giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến nay có thể ít hơn như ý kiến đã nêu của cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Hai là, xây dựng một chương trình hoàn toàn mới cho cấp THPT, có thể theo hướng tích hợp lịch sử Việt Nam với lịch sử thế giới. Chương trình lịch sử THCS và THPT hiện hành của chúng ta là chương trình đồng tâm. Nó càng ngày càng lộ rõ nhiều hạn chế. Bức xúc và đáng buồn nhất là sách giáo khoa Lịch sử lớp 9 và sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 qua nhiều lần sửa chữa rồi mà vẫn nặng tính phiến diện và áp đặt; vẫn nặng về quân sự và chính trị. Cần kiên quyết bỏ chương trình cũ của cấp THPT. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến sự trùng lặp và nhàm chán trong học tập lịch sử ở cấp THPT, nhất là ở lớp 12. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã đổi mới nội dung chương trình dạy học lịch sử, tăng thời lượng cho việc học tập lịch sử thế giới cận hiện đại. Thông qua việc học tập bộ môn Lịch sử, học sinh được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể thuận lợi trong quá trình hội nhập với thế giới, thích nghi được với cơ chế thị trường.
Ba là, sách giáo khoa mới cần được biên soạn theo hướng tăng thêm kênh hình; tiến tới mỗi chương có kèm một đĩa CD hay DVD tư liệu như một số nước trên thế giới đã làm. Phấn đấu để bộ môn Lịch sử có ít nhất hai bộ sách giáo khoa, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.
Bốn là, đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, điều chỉnh quy định về các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học. Tiếp tục triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi để nâng cao chất lượng các đề kiểm tra. Có điều vô lý là học sinh lớp 12 phải thi tốt nghiệp những 6 môn, dồn trong 3 ngày. Học sinh lớp 12 thi đại học khối A mà vẫn phải học Lịch sử thì làm sao các em có tâm thế và hứng thú được? Những học sinh này sao không cho kết thúc chương trình lịch sử từ lớp 11 để khi lên lớp 12, các em có nhiều thời gian hơn trong việc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào đại học?
Năm là, cần đặc biệt quan tâm việc xây dựng nhiều chuyên đề tự chọn mới. Phân hóa các trình độ học sinh bằng nội dung tự chọn.
Sáu là, nâng cao chất lượng dạy học các phần mềm của chương trình lịch sử mà Bộ giao cho các địa phương tự biên soạn và chỉ đạo dạy học.
Bảy là, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên lịch sử ở các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm. Trong đó đặc biệt coi trọng năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Tám là, tăng cường cơ sở vật chất cho dạy và học. Triển khai rộng rãi hơn nữa việc xây dựng phòng học bộ môn Lịch sử song song với phong trào xây dựng thư viện trường học thân thiện trong các trường phổ thông. 
Phạm Văn Hà (Chuyên viên cao cấp Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội)
Theo QĐND

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)