Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy con cách sống tự tin

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ cần giúp trẻ luôn có trạng thái tâm lý vững vàng, sẵn sàng đối mặt với cuộc sống. Ảnh: N.Trinh

Trẻ nhút nhát, không tự tin trước mọi người có thể gây phiền toái khi bước vào cuộc sống. Nếu tính nhút nhát kéo dài sẽ làm nảy sinh hàng loạt nguy cơ về thể chất, tình cảm, dẫn đến trầm cảm hoặc cô độc.
Trong cuộc đời của mình, con người không thể tránh khỏi một số tình huống khó khăn như: Đến thăm khám ở bác sĩ, nói chuyện trước đám đông, trao đổi với người lạ mặt, ở một mình trong phòng tối… Nếu không được khắc phục sự nhút nhát, càng lớn trẻ càng khó khăn hơn trong các mối quan hệ; trong chọn trường, ngành, nghề học; khó tự lập và gánh vác trách nhiệm (công việc, gia đình, xã hội); bị người khác lấn lướt, không được người khác thấu hiểu khiến đánh mất nhiều cơ hội; làm gì cũng sợ thất bại; khó tìm được hạnh phúc trong tình yêu, cuộc sống hôn nhân… Nhìn chung, thời gian và kinh nghiệm có thể làm biến mất sự nhút nhát, nhưng nhiều người không thể tự tin để vượt qua tính nhút nhát của mình.
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát 200 phụ huynh ở Long Thành (Đồng Nai) để tìm hiểu về tính tự tin, khả năng tự quyết đoán và giải quyết công việc trong gia đình của con trẻ ở độ tuổi 10-15. Kết quả thu được như sau: 40% cha mẹ cho rằng, con họ hay nhút nhát, lo lắng trước khi bắt tay vào một công việc mới, vì thế các cháu thường lẩn tránh công việc; 55% cha mẹ cho rằng, con họ lo sợ không biết chịu đựng và chấp nhận thất bại.
Nguyên nhân
Để tìm hiểu nguyên nhân của sự nhút nhát, tự ti ở mỗi người, cần tìm hiểu kỹ về tuổi ấu thơ của họ. Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường được chăm sóc quá cẩn thận, được bảo vệ quá mức thường cảm thấy rất nặng nề hay lạc lõng trong môi trường xã hội khi nó trưởng thành. Điều tương tự cũng dễ xảy ra với trẻ phải sống trong những mâu thuẫn gia đình, thiếu sự quan tâm, dạy dỗ. Tóm lại, những người có tâm hồn nhạy cảm rất dễ bị tổn thương nặng nề bởi sự nhút nhát của mình trong cuộc sống.
Triệu chứng lâm sàng
Nhìn chung, sự nhút nhát được thể hiện ra ngoài qua nỗi sợ hãi, lo lắng và thiếu tự tin trong hoạt động giao tiếp với người khác. Nhưng nó cũng có thể nấp đằng sau những hành vi bạo lực mà nguyên nhân đơn giản chỉ là sự thiếu niềm tin vào bản thân. Sự nhút nhát có những biểu hiện cả về sinh lý lẫn tâm lý. Ra nhiều mồ hôi, có cảm giác nghẹt thở, hay đỏ mặt (hoặc tái nhợt), nói lắp, giọng nói ấp úng khó nghe, cơ bắp tê cứng dẫn đến những hành động vụng về, run rẩy… là các biểu hiện sinh lý phổ biến nhất ở người mắc chứng nhút nhát. Về mặt tâm lý, người nhút nhát cảm thấy tê liệt, không có khả năng đáp lại những phản ứng dù là nhỏ nhất, bị nỗi sợ hãi chi phối. Họ từ chối giao tiếp, tự hạ thấp mình. Trong một số trường hợp đặc biệt, họ còn tưởng tượng rằng người khác sẽ làm đau họ, và họ không có yêu cầu gì đối với người khác, cũng chẳng thấy ai thú vị.
Giúp trẻ khắc phục tính nhút nhát
Nói cho trẻ biết sự thật mà chúng phải vượt qua, không nên che giấu, úp mở khiến trẻ lo lắng. Dưới góc nhìn của các nhà phân tâm học, trẻ lo lắng về một điều mơ hồ gì đó trong một thời gian dài sẽ tự ám thị làm cho mình nhút nhát không dám đối mặt với cuộc sống. Cha mẹ phải giúp cho trẻ luôn luôn có trạng thái tâm lý vững vàng, sẵn sàng đối mặt với cuộc sống. Hãy nói: “Con đến trường giống như ba mẹ đi làm. Cố gắng học tốt, ăn giỏi, đến giờ ba mẹ sẽ đón về”, như thế trẻ sẽ yên tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Không dọa nạt, đánh đập trẻ vì dễ tạo sang chấn tâm lý, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm sinh lý sau này của trẻ. Không được nói dối, lừa phỉnh trẻ; không được đưa những biểu tượng vô hình và hữu hình để dọa trẻ. Đừng bảo trẻ là nhút nhát: Trẻ nghe bạn nói điều này càng nhiều thì sẽ càng tin rằng mình rụt rè và không thể thay đổi được. Sẽ có lúc trẻ dùng điều đó để biện minh: “Con không thể làm được điều ấy, con nhút nhát lắm”. Thay vào đó, cha mẹ hãy nhấn mạnh những ưu điểm của trẻ: Sự hòa nhã, tốt bụng… Trong hầu hết trường hợp, sự rụt rè của trẻ trước tuổi đi học là bình thường. Song, trẻ hiếm khi nhìn thẳng vào mắt ai, quá thu mình, gào khóc ầm ĩ khi có người khác ở gần… thì cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Tạo cơ hội và hỗ trợ làm tăng khả năng thích ứng cho trẻ trước nhiều bối cảnh, môi trường khác nhau, với nhiều người khác nhau (bạn cùng lứa, người lớn, người già, làm việc một mình…). Tìm những việc mà trẻ muốn làm và có thể làm tốt: Điều này sẽ xây dựng sự tự tin. Trẻ cũng có nhiều điều để nói hơn. Cha mẹ hãy để trẻ tự tìm cách giải quyết những việc mà trẻ thích làm. Để con mời bạn về nhà và không cấm con đến nhà bạn chơi: Khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm giao tiếp, bé sẽ đỡ ngại ngần, rụt rè hơn. Ngoài ra, khi con còn nhỏ, cha mẹ cũng nên mời khách đến nhà chơi, tổ chức những bữa ăn cùng với con cái họ nhằm giúp trẻ quen với giao tiếp xã hội. Việc chơi thể thao, tham gia một số đội, nhóm để giao lưu và kết bạn cũng góp phần hạn chế sự cô độc, từ đó kiểm soát chứng nhút nhát. Đối với trẻ em, hành vi của cha mẹ rất quan trọng. Cha mẹ cần ủng hộ và khích lệ con ngay khi trẻ mất tự tin vào bản thân, trong cuộc sống, ở trường học và ngoài xã hội.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)
Cha mẹ cần ủng hộ và khích lệ con ngay khi trẻ mất tự tin vào bản thân, trong cuộc sống, ở trường học và ngoài xã hội.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)