Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cho đi không phải là mất…

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tuấn đang giới thiệu sáng kiến của mình với mọi người

Trong số 15 gương mặt nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) năm 2011, có một gương mặt còn rất trẻ. Đó là chàng sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật hệ thống, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM – Tạ Minh Tuấn – đến từ Công ty cổ phần Bảo vệ cuộc sống khỏe (HELP).

Khởi nghiệp…
Trò chuyện với tôi, Tuấn cho biết ở Việt Nam hiện nay, mọi người mới chỉ chú trọng chữa bệnh khi phát hiện trong người có bệnh mà chưa chú trọng đến cách phòng bệnh. Trong khi đó, những bệnh về ung thư, tim mạch đều rất dễ phòng tránh, nhưng khi chữa lại rất tốn kém. Do đó, việc có một bác sĩ thường xuyên chăm sóc với mức giá bình dân là điều cần thiết.
Tuấn cũng cho hay, ý tưởng này của bạn xuất phát từ biến cố có người thân trong gia đình bị mắc bệnh ung thư vào năm 2007. Khi đó cả gia đình đều rất buồn. Nhưng rất may là đến nay, căn bệnh của người thân Tuấn đã được chữa khỏi. Từ biến cố này, Tuấn đã có một động lực rất lớn để cùng với cộng sự thành lập HELP vào năm 2009 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010. Những bước đi đầu tiên khi mới thành lập công ty thực sự khó khăn đối với bất cứ một doanh nhân nào. Với Tuấn, sự khó khăn ấy còn tăng lên gấp nhiều lần bởi bạn vẫn đang là sinh viên. Không những thế, ba mẹ đều làm nghề giáo nên kinh nghiệm cũng như tài chính không có, hầu như Tuấn bắt đầu từ con số không. Trước đó, Tuấn là người đồng sáng lập Công ty IDEE, một trong những công ty đi đầu và rất thành công trong lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số tại Việt Nam. Ngoài ra, Tuấn còn là một nhà lãnh đạo trẻ nhất của BNI (Business Network International).
Năm đầu tiên, Tuấn cùng các cộng sự của mình làm việc không lương. Dần dần, Tuấn cùng các bạn đã tạo được niềm tin và đã tìm được nguồn đầu tư. Đến nay, HELP đã có 25 bác sĩ có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM làm cộng tác và làm “cứng”. Hiện Tuấn đang giữ vai trò Giám đốc điều hành của HELP. Chia sẻ về những dự định của mình, Tuấn cho biết khi thành lập HELP, bạn và các cộng sự đều gặp khá nhiều khó khăn. Đó là người dân chưa thực sự có ý thức phòng bệnh. Họ có thể bỏ nhiều tiền để đi du lịch hay đi mua sắm nhưng để phòng bệnh thì họ không quan tâm. Điều này lý giải tại sao Việt Nam là một nước chưa phát triển nhưng chi phí cho y tế lại chiếm một con số rất lớn. Khó khăn là thế nhưng bằng nỗ lực tuyên truyền và niềm đam mê, Tuấn đã truyền được niềm tin đến với người dân.
Không những thế, trong khi khái niệm doanh nhân xã hội còn rất mới với mọi người thì Tuấn đã biết đến từ năm 2008. Đây là tiền đề để HELP ra đời năm 2009.
Giấc mơ đôi chân thiên thần
Những bước đi đầu tiên khi mới thành lập công ty thực sự khó khăn đối với bất cứ một doanh nhân nào. Với Tuấn, sự khó khăn ấy còn tăng lên gấp nhiều lần bởi bạn đang còn là sinh viên.
Ngoài những điều đã nói ở trên, Tuấn còn là người sáng lập và hiện là Trưởng ban điều hành quỹ từ thiện “Giấc mơ đôi chân thiên thần” chuyên hỗ trợ các bạn bị khuyết tật có đam mê văn chương, nghệ thuật. Cô bé Trần Trà My hiện là thành viên đầu tiên được quỹ “Giấc mơ đôi chân thiên thần” hỗ trợ. Chia sẻ về quỹ này, Tuấn cho biết Trà My là cô bạn gái bị liệt hai chân sau một trận ốm nặng từ nhỏ. My đã phải mất 5 năm tự học. Truyện ngắn đầu tiên của My là Giấc mơ đôi chân thiên thần và Tuấn đã lấy tên truyện này để đặt tên cho quỹ từ thiện của mình.
Chia sẻ kinh nghiệm về quãng đường đã đi của mình, Tuấn cho rằng cần phải có ước mơ đủ lớn. Có như thế mình mới thu hút được những người cùng ý tưởng. “Để trở thành một chuyên gia, bạn phải mất 10 năm kinh nghiệm. Mỗi người đều phải cần đến 5 chuyên gia (kinh tế, marketing…) và như thế sẽ phải mất 50 năm. Thời gian này là quá lâu. Cách tốt nhất, đó là bạn hãy tận dụng 5 chuyên gia ở xung quanh mình” – Tuấn nói.
Dám nghĩ, dám làm, đó không chỉ là phẩm chất của một doanh nhân mà đó còn là lợi thế của tuổi trẻ. Tuấn cùng với HELP cam kết theo đuổi sứ mệnh cá nhân cũng như tổ chức đó là bảo vệ và nâng cao sức khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần cho người Việt Nam. Cho đi không phải là mất mà ở các doanh nhân xã hội như Tuấn, cho đi là để nhận lại. Đối với các doanh nghiệp xã hội, lợi nhuận không phải là mục tiêu lớn nhất mà giải quyết các vấn đề xã hội mới là vấn đề tiên quyết. Với sự hỗ trợ của CSIP, Tuấn dự định sẽ mở thêm một chi nhánh nữa ở TP.HCM. Hy vọng trong thời gian không xa, HELP sẽ có chỗ đứng vững chắc trong mỗi người dân.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

“Để trở thành một chuyên gia, bạn phải mất 10 năm kinh nghiệm. Mỗi người đều phải cần đến 5 chuyên gia (kinh tế, marketing…) và như thế sẽ phải mất 50 năm. Thời gian này là quá lâu. Cách tốt nhất, đó là bạn hãy tận dụng 5 chuyên gia ở xung quanh mình” – Tạ Minh Tuấn nói.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)