Nhóm Nguyễn Gia tại cuộc thi ý tưởng kinh doanh ở Úc |
Lọt vào top 6 đội cuối cùng tại vòng chung kết cuộc thi “Lập kế hoạch kinh doanh 2010” dành cho sinh viên Đại học RMIT (Úc) sau khi vượt qua 116 đội đến từ nhiều nước trên thế giới, nhóm 4 sinh viên ngành thương mại của Trường RMIT Việt Nam (cơ sở Nam Sài Gòn) đã xuất sắc giành 2 giải thưởng lớn (lễ trao giải tổ chức ở Melbourne, Úc tháng 10 vừa qua). Giờ đây, cả nhóm đang háo hức chuẩn bị hiện thực hóa dự án kinh doanh của họ.
Dự án “Xây dựng khuynh hướng mới không sử dụng túi ni lông bằng cách sản xuất túi xách thời trang thân thiện với môi trường từ giấy tái chế và vải hữu cơ” của nhóm Nguyễn Gia đã đoạt giải thưởng “Môi trường bền vững” (trị giá 10.000 đôla Úc) và giải thưởng xuất sắc (trị giá 1.000 đô la Úc) do Ban giám khảo trao tặng. Đây là thành quả của hơn 6 tháng mà nhóm bạn này bỏ ra để tiếp cận ý tưởng, nghiên cứu thị trường, đề xuất các giải pháp về tiếp thị, sản xuất, bán hàng và cuối cùng là hoàn thiện kế hoạch kinh doanh. Dự án của 4 bạn Việt Hùng, Đại Nghĩa, Quốc Kim và Ngọc Hiếu đã hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo gồm 7 thành viên đại diện cho nhiều doanh nghiệp lớn tại Úc. “Khi về lại Việt Nam, đến lúc Ban giám hiệu nhà trường tổ chức một buổi tiệc nhỏ và bất ngờ thông báo kết quả, tụi em mới biết mình thắng giải lớn. Thật hạnh phúc!”, đội trưởng Việt Hùng chia sẻ cảm xúc.
Việt Hùng cho biết, nhóm đã chọn phát triển ý tưởng kinh doanh nói trên xuất phát từ sự quan ngại trước tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải từ túi ni lông, một vấn nạn mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở Việt Nam. Hùng kể, trong lần tham dự một sự kiện có mục đích kêu gọi trong giới trẻ hạn chế sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường bằng cách phát cho mỗi người tham gia một túi xách bằng giấy. Nhưng cuối cùng, kết quả mà Hùng đã chứng kiến là một số bạn vẫn dùng túi ni lông với lý do tiện dụng và do thói quen. “Rõ ràng, nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, biết rõ tác hại của việc sử dụng túi ni lông gây ra cho môi trường nhưng vẫn dùng. Em nghĩ một phần là do sản phẩm thay thế chưa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ để thuyết phục người tiêu dùng”, Hùng kết luận.
Đó cũng chính là vấn đề đặt ra đối với nhóm Nguyễn Gia trước kế hoạch biến dự án kinh doanh có tính chất thân thiện với môi trường này thành hiện thực kể từ chiến thắng tại cuộc thi ý tưởng danh tiếng vừa qua. “Để chinh phục được mục tiêu đó, tụi em sẽ đầu tư thật tốt vào khâu thiết kế mẫu mã các sản phẩm túi xách thời trang sao cho bắt mắt, yếu tố tiên quyết để hấp dẫn khách hàng trẻ, từ đó sẽ thay đổi dần thói quen sử dụng túi ni lông trước đây của họ”, Đại Nghĩa – thành viên phụ trách marketing của dự án – diễn giải. Còn Quốc Kim – người phụ trách kế hoạch tài chính của dự án – cho biết: “Nhóm đang xúc tiến tìm nhà đầu tư dựa vào các doanh nghiệp quen biết và đang tìm nguồn vốn để triển khai dự án”. Kim nói thêm: “Khi dự án đi vào thực tiễn, tụi em sẽ sử dụng dịch vụ tư vấn hoạch định chiến lược kinh doanh trọn gói và tư vấn luật chuyên nghiệp từ hai công ty Úc đã tài trợ trong giải vừa rồi”.
Theo khảo sát của nhóm, tại Việt Nam hiện chưa có công ty chuyên nghiệp nào kinh doanh sản phẩm túi xách vì môi trường, ngoại trừ vài đơn vị nhỏ lẻ hoạt động mang tính tự phát, trong khi thị trường đang chuyển dần theo xu hướng tiêu dùng “xanh”. Nắm bắt cơ hội tiềm năng đó, dự án kinh doanh của nhóm đầu tiên sẽ nhắm vào đối tượng khách hàng trẻ, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên, lớp người dễ thay đổi thói quen và có ý thức tích cực về môi trường do sự hiểu biết sẵn có của mình. Nhóm hi vọng đó không chỉ là đối tượng khách hàng mục tiêu của “công ty” mới mà còn là nhóm người sẽ góp phần giảm thiểu tác hại cho môi trường thông qua việc sử dụng các dòng sản phẩm của dự án. “Em sẽ đảm trách phần tìm kiếm chất liệu mới thân thiện với môi trường và khâu sản xuất, phát triển các dòng sản phẩm”, đội trưởng Việt Hùng – người từng lấy bằng kỹ sư môi trường – nói thêm.
Cả nhóm cho biết thương hiệu sản phẩm mới sẽ có tên là “Bim” với kế hoạch mở rộng thị trường trên toàn quốc. Đội trưởng Việt Hùng nhận xét: “Đó là một cái tên nghe vui tai phù hợp với đối tượng khách hàng trẻ, lại dễ đọc và dễ nhớ, rất dễ nhận diện nếu sau này công ty xuất sản phẩm ra thị trường nước ngoài”.
Bài, ảnh: Trần Văn Thưởng
Bình luận (0)