Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Câu chuyện nghề nghiệp: “Má Khiết… xì-tin”

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Thị Kim Khiết trong giờ dạy văn

Đó là cách gọi thân mật, gần gũi mà học trò Trường THPT Phan Đăng Lưu đặt cho cô Nguyễn Thị Kim Khiết, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A7.
Cô Kim Khiết đã làm gì khi tuổi đời gần 50 mà vẫn được học trò quý mến gọi là… “má Khiết xì-tin”? Chia sẻ với chúng tôi, cô cho biết điều quan trọng đầu tiên của công tác chủ nhiệm lớp làngười thầy phải có đạo đức nghề nghiệp để tạo lòng tin nơi học trò. Làm sao để thầy trò biết nhau, hiểu nhau thì mới tin nhau được. Tất cả đều bằng giao tiếp, bộc lộ chính mình qua lời nói và hành động. “Mình có nói ra người khác mới hiểu. Mình không nói thì hành động của mình đôi khi dễ bị người khác hiểu lầm. Trong giờ chủ nhiệm, tôi luôn lồng ghép những bài học làm người để học sinh thấm từ từ mà cố gắng học tập. Tôi luôn ý thức làm theo lời Bác dạy: “Thầy giáo cần làm kiểu mẫu cho các cháu (học sinh). Làm được như thế là làm tròn nghĩa vụ của mình”. Do đó, tôi không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em học làm người và chính mình phải là tấm gương cho các em noi theo”, cô Kim Khiết nói.
Giáo viên là người “đa năng”
“Học sinh (HS) trung học đang ở độ tuổi… “ngựa chứng”. Các em hay nổi loạn, làm theo ý riêng, lì nên mình phải rành tâm lý để dễ tiếp cận, hướng dẫn và chủ động giáo dục các em trong mọi tình huống sư phạm – cô Kim Khiết nói – giáo viên chủ nhiệm thông thường còn là giáo viên bộ môn nên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải đa năng, biết đánh giá những vấn đề thời sự xã hội mà HS quan tâm, thị hiếu thẩm mỹ, thị hiếu về tiêu dùng, biết đàm đạo một chút về thể thao, về hội họa, thi ca… Tất cả được tôi lồng ghép vào bài học (hoặc nói một chút vào đầu giờ) để làm cho lớp học thêm sinh động hay cố ý để dạy bài học xử thế cho các em”.
Cô Kim Khiết luôn so sánh giáo viên chủ nhiệm như người làm công tác Đảng, tức là phải đi sâu đi sát để hiểu học trò. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn như là một “cán bộ công an” biết điều tra ra những vụ HS “quậy phá” – điều tra làm sao để HS đó “tâm phục khẩu phục” mà tự xác nhận là mình làm. Cô kể về trường một HS vì ức cô giám thị nên vo tròn tờ giấy rồi ném vào cô – khi ấy cô là một sản phụ. “Tôi biết luật và nói cho em hiểu hành động tư thù đó là sai, là phạm luật. Em HS đó biết lỗi và đến xin lỗi cô giám thị. Mình nắm rõ luật lệ để rèn cho chúng biết đúng sai”, cô Kim Khiết chia sẻ.
Hỏi về cô, các giáo viên trẻ ở trường đều có nhận xét: “Cô Khiết làm chủ nhiệm hay ghê!”. Còn một cô giám thị (giấu tên) nói: “Cô Khiết hòa đồng, vui tính và rất thương những đồng nghiệp trẻ… Cô hay chỉ dẫn tận tình, thương tụi em như người trong nhà vậy”. Còn cô Ba dạy môn toán thì khen cô Khiết giỏi giáo dục HS. Cô Ba nói: ngay cả việc chào hỏi giáo viên cô cũng rèn thành một thói quen bình thường, bởi cô cho lời người xưa dạy không sai “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Trong khi đó một em HS lớp 12 nói về cô mình: “Cô rất tâm lý, hiểu tính tình từng bạn, thích lắm! Cô nói nghe rất thấm, lúc nặng, lúc nhẹ từ những hình ảnh cụ thể ngoài đời hay những chuyện trong sách cô đều phân tích thấu đáo để dạy chúng em làm người. Cô giảng rất hay. Em thích cô dạy”.
Giáo viên là  “cha mẹ” thứ hai của HS
Cô Kim Khiết tâm sự: “Công việc chủ nhiệm nhiều lúc nản lắm, vì mình hết lòng với HS, dạy dỗ, nhắc nhở hoài mà các em không chịu nghe. Nhưng khi bắt gặp những ánh mắt hiếu học, nó lại nâng lòng mình lên, lại thổi bùng khát vọng nghề nghiệp, điều mà mình luôn khao khát ước mơ từ thuở nhỏ. Có những đêm ở nhà tôi suy nghĩ xem những hành xử của mình trong ngày đối với HS có đúng không? Có gì sai để mình tìm cách khác nói với các em cho tốt hơn”. Làm mẹ của hai người con gái đang học đại học nên cô coi học trò của mình như con. “Có coi HS như con thì mình mới hết lòng với các em. Các em phải thấy ở cô giáo sự cởi mở, tự tin, khẳng khái, trung thực và trên hết là tình yêu thương. Thấy được tất cả con người mình, cách sống của mình để các em “nhiễm” mình một chút gì đó. Mai kia ra đời, các em sẽ là những người tốt, gia đình tốt và xã hội sẽ tốt”, cô Kim Khiết tâm sự.
Hỏi phương pháp cảm hóa học trò cá biệt, cô nói: “Tôi cho các em đến thăm nhà tôi – một căn nhà nhỏ bé trong hẻm, không có chỗ để bàn tiếp khách. Thấy mình sống và làm việc trong điều kiện không dễ dàng may ra HS sẽ suy nghĩ lại và sẽ hiểu cô làm tất cả là vì học trò – cô nói tiếp – Chọn cái nghề này, tôi chấp nhận sống nghèo. Nhưng “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, khó khăn bao nhiêu tự mình giải quyết. Tôi cũng yêu cầu học trò đừng bao giờ hèn hạ, nhỏ bé, phải sống như một người quân tử, đường đường chính chính”.
Hỏi về ý nghĩa cái tên “má Khiết xì-tin”, cô cười: “Các em thấy tôi lúc nào cũng trẻ trung, yêu đời và có phần “chảnh” nên gán cho tôi cái tên dễ thương và ngộ nghĩnh vậy”.
Văn là người. Cô dạy văn cũng là khơi lên những nét đẹp tiềm ẩn nơi mỗi học trò, để HS phát hiện và phát triển khả năng của mình. Làm sao mỗi học trò đều thể hiện là những con người có tính cách đẹp, cử chỉ đẹp và tâm hồn đẹp. Từ những con người đẹp này xã hội mới đẹp hơn mỗi ngày.
Bài, ảnh: Kim Nhung
Giá mà giữa giáo viên, phụ huynh và HS không có giao dịch nào liên quan đến tiền. Và làm sao để giáo viên không muốn, không thể và không dám nhận tiền của HS, nhất là trong những dịp lễ, tết. Tôi chống lại quan niệm xem công việc lao động của giáo viên là hàng hóa để trao đổi. Người ta hay có xu hướng tặng quà cáp và dần dần quà cáp sẽ bị biến tướng bằng sự đổi chác hơn là tình cảm quý mến chân thành. Ngay cả HS lớp tôi cũng có những suy nghĩ rất thực dụng. Khi các em biếu người nào đó một món quà tức là người đó sẽ có bổn phận giúp đỡ các em để thay đổi điểm số – Cô Nguyễn Thị Kim Khiết chia sẻ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)