Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bơ phờ vì thi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hàng loạt kỳ kiểm tra và các cuộc thi từ cấp trường đến cấp quốc gia trải dài suốt năm học đang tạo áp lực lớn với học sinh tiểu học.
Học sinh tiểu học TP.HCM trong một buổi tập dượt cho cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” do Bộ GD-ĐT tổ chức – Ảnh: Tuổi Trẻ.
Hiệu trưởng một trường tiểu học nhẩm tính: “Mỗi năm học, ngoài các hoạt động kiểm tra định kỳ, học sinh còn phải tham gia hơn chục kỳ thi khác, nào thi học sinh giỏi, thi làm toán, tiếng Anh trên mạng, thi viết, thi vẽ, thi kể chuyện, thi thể thao, thi tiểu phẩm, văn nghệ… Trong đó nhiều cuộc thi trùng lắp nhau, ngốn hết thời gian rảnh của các em”.
Áp lực phải giỏi
Cuộc thi Olympic tiếng Anh tiểu học cấp thành phố đang diễn ra tại Hà Nội, thu hút đến 1.000 học sinh tham gia. Các em phải tham gia nhiều vòng thi khác nhau để được vào vòng chung khảo. Theo đánh giá của ban tổ chức, “cuộc thi là cơ hội để học sinh nâng cao tự tin trong môi trường học tập và giao lưu quốc tế”.
Tuy nhiên ở khía cạnh khác, những bất ổn nhìn thấy cũng không ít. Nhiều ông bố bà mẹ phải nghỉ làm để cùng con ôn luyện, đưa con đi thi.
Một phụ huynh có con học tại Trường TV cho biết: “Vì đã tham gia cuộc thi từ đầu nên phải đầu tư hẳn hoi cho con. Ngoài việc bồi dưỡng của trường, chúng tôi thuê riêng giáo viên dạy ngoài giờ, học phí 200.000 đồng/ buổi 1 giờ”.
Một phụ huynh khác kể: “Cháu phải học thêm ba ca tiếng Anh/ngày để đi thi nhưng vẫn rớt, cháu khóc suốt”.
Trong cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp trường tại Trường tiểu học ĐK, Hà Nội, nhiều người đã chứng kiến một bà mẹ trẻ mắng con không tiếc lời khi cô bé vừa bước ra khỏi phòng thi và thủ thỉ: “Con không làm được bài”.
Được một vài người can ngăn, bà mẹ giải thích: “Từ nhỏ cháu đã học chuyên nên tôi không thể chấp nhận được việc con mình kém cỏi”.
Để đạt kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi tiểu học, một bà mẹ có con học Trường tiểu học thực nghiệm Hà Nội nói: “Nhiều tối phải cùng ôn tập với con đến hơn 11 giờ đêm vì nếu thi không được giải sẽ rất xấu hổ. Phải ôn luyện nhiều mới được chọn vào đội tuyển”.
Thi chồng thi chéo
"Cách đánh giá “hạn chế cho điểm, tăng cường nhận xét” ở bậc tiểu học nhằm giúp trẻ được sống hồn nhiên, thấy việc học nhẹ nhàng, vui vẻ chứ không sớm bị rơi vào vòng đua căng thẳng. Tiếc là nhiều cơ sở giáo dục cấp dưới, thầy cô và cha mẹ học sinh đã không hiểu hoặc coi nhẹ việc này" – Ông Lê Tiến Thành – vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT.

Cô N.N.V, giáo viên một trường tiểu học tại Q.Gò Vấp, TP.HCM, liệt kê: “Đầu năm thì có các kỳ thi tài năng tin học, thi giải toán trên mạng Internet, thi hùng biện tiếng Anh, thi vẽ, làm mô hình bảo vệ môi trường và tái chế rác, thi tìm hiểu về an toàn giao thông, thi giải vô địch thể thao học sinh tháng 10 hằng năm, sau đó lại tiếp tục thi thể thao chào mừng Ngày thể thao Việt Nam 27-3, từ tháng 3 trở đi có hàng loạt cuộc thi tìm hiểu ngày thành lập Đoàn, Đội với các hình thức thi nghi thức Đội, thi viết, thi hùng biện…

Ngoài ra, còn có các cuộc thi ca nhạc, tiểu phẩm “Rạng ngời trang sử Đội ta”, thi hát “Sử ca học đường” hay “Ý tưởng trẻ thơ”. Mỗi lần có thông báo về kỳ thi là giáo viên phải tập hợp đội tuyển, tổ chức tập luyện vào buổi trưa hoặc cuối buổi chiều để kịp “tiến độ” các kỳ thi, phấn đấu đem giải về cho trường. Đáng nói là các hoạt động này nhiều và chồng chéo nên ngày càng mang nặng tính thành tích, trường nào thi càng nhiều, đoạt giải nhiều thì được tuyên dương”.
Theo danh sách mà giáo viên này liệt kê, có quá nhiều hoạt động thi thố trùng lắp về ý tưởng và diễn ra trong cùng thời gian được đưa về để các trường tiểu học đăng ký tham gia trong một năm học. Nhiều cuộc thi được tổ chức từng vòng xuyên suốt năm học. Chưa kể, còn những cuộc thi do các hãng sữa, thực phẩm, đồ dùng học tập tổ chức để quảng bá sản phẩm kèm theo những phần quà giá trị hấp dẫn cũng được triển khai liên tục ở các trường.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.5, TP.HCM băn khoăn: “Mặc dù hiện nay bậc tiểu học không còn duy trì đội tuyển học sinh giỏi để đi thi học sinh giỏi như trước đây, nhưng các cuộc thi từ trên giao xuống suốt từ đầu đến cuối năm học cũng là một áp lực khiến giáo viên và học sinh mất khá nhiều thời gian, nhà trường có muốn sáng tạo những hoạt động riêng, truyền thống cũng đành chịu”.
Theo hiệu trưởng này, dù học sinh lứa tuổi tiểu học rất thích thú với các hoạt động thi cử hay văn nghệ, thể thao, nhưng với những học sinh khá, giỏi, ưu tú của trường, việc phải tham gia quá nhiều kỳ thi cũng như áp lực phải có giải cũng tác động không tốt đến tinh thần các em.
Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD – ĐT TP.HCM với các tổng phụ trách Đội vừa diễn ra cuối tháng 3, nhiều tổng phụ trách Đội nêu ý kiến về việc quá nhiều hoạt động phong trào mà chủ yếu là các cuộc thi được đưa về các trường trong thời gian dồn dập, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 5 là thời gian học sinh phải ôn tập cho kỳ kiểm tra cuối năm, cũng là kỳ kiểm tra quyết định kết quả xếp loại suốt năm học của học sinh.
Lạm dụng thi học sinh giỏi
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hiện chỉ có một kỳ thi học sinh giỏi dành cho học sinh lớp 12 tổ chức hằng năm nhưng nhiều tỉnh thành với mục tiêu “đào tạo mũi nhọn” vẫn tổ chức thi học sinh giỏi từ tiểu học.
Để có “nguồn” dự thi cấp tỉnh, thành phố, nhiều trường đã lạm dụng các kỳ thi học sinh giỏi, có những trường lớp nào cũng thi học sinh giỏi (trừ lớp1), thi học sinh giỏi trong lớp, trong khối, trong trường rồi đến các cấp quận, thành phố.
Theo Vĩnh Hà – Lưu Trang
Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)