Tòa soạnThư đi – tin lại

Quản lý trẻ ở trường mầm non: Trông người mà ngẫm đến ta

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện nhiều vụ bắt cóc trẻ em tống tiền. Đây thực sự là một vấn đề nhức nhối của xã hội, làm hoang mang trong người dân. Tuy nhiên, việc quản lý trẻ trong giờ tan học ở một số trường mầm non còn quá lỏng lẻo, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.
Tôi kể lại câu chuyện dưới đây để chúng ta thấy rằng, hiện nay việc quản lý trẻ ở các lớp, các trường mẫu giáo tư thục còn quá lỏng lẻo, tạo cơ hội cho kẻ xấu nhắm đến bắt cóc tống tiền. Mới đây, chị gái của tôi do phải bận việc đột xuất nên đã nhờ tôi đi rước cháu đang học ở một trường mầm non tư thục. Ban đầu tôi nghĩ sẽ không đón được cháu vì lần đầu tiên tôi đến trường cũng như lần đầu gặp cô giáo. Sau khi nói tên cháu và xin cô cho tôi đón cháu về, cô giáo lại không hề có một động thái gì nghi ngờ và chỉ tôi ra đằng sau dắt cháu. Cháu tôi thấy nhưng không muốn về chỉ vì từ lâu nay cháu chỉ quen mẹ hoặc cha nó đến rước. Đến khi tôi bế cháu lên, cháu khóc không chịu về nhưng cô giáo cũng mặc kệ nó, các cô giáo khác cũng không thèm để ý. Trong bụng tôi nghĩ, cháu khóc thế này nếu ở một trường học khác, tôi sẽ bị tình nghi là kẻ bắt cóc trẻ em.
Thời gian qua, các vụ bắt cóc trẻ em tống tiền đều được cơ quan chức năng triệt phá. Tuy nhiên, sau mỗi vụ việc nó đã ảnh hưởng hết sức nặng nề đến tâm lý của trẻ. Một nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả là nghiên cứu sinh của Trường ĐH Luân Đôn (Anh) cho thấy, trong 10 đứa trẻ có độ tuổi từ 3 – 7 tuổi bị bắt cóc thì có đến 7 trẻ chấn động mạnh về tâm lý, 3 trẻ bị chấn động nhẹ. Từ đó trẻ bị trầm cảm, không ham muốn học tập kể cả chuyện ăn uống cũng không quan tâm lắm. Đặc biệt, có 100% trẻ rất sợ sệt mỗi khi có người lạ đi ngang qua. Điều đáng lưu ý là trong số những đứa trẻ trong cuộc nghiên cứu đều là những đứa trẻ năng động, thông minh và dạn dĩ.
Hầu hết các trường mầm non của nước ta đều thực hiện nghiêm túc việc đón trẻ. Người nhà lần đầu tiên đến đón trẻ phải được cha mẹ trẻ báo trước với nhà trường hoặc trực tiếp với cô giáo. Song, ở một số trường vẫn còn xem thường chuyện này, nhất là các trường ở vùng ven thành phố, vùng nông thôn. Tại Nhật Bản, nhà trường sẽ phát cho phụ huynh một tấm thẻ, người nhà của trẻ đến đón phải đeo chiếc thẻ ấy vào cổ để cô giáo nhận biết. Một vấn đề nữa đáng quan tâm đó là việc gửi thuốc uống cho trẻ. Theo đó chỉ có cha mẹ trẻ mới được gửi thuốc uống cho các cháu (khi có bệnh). Khi gửi thuốc cho giáo viên phải gửi kèm theo đầy đủ các thông tin như tên tuổi, về bệnh, liều dùng, loại thuốc, cách dùng… của bác sĩ chuyên khoa. Còn ở ta, mỗi khi đưa trẻ đến trường, phụ huynh chỉ nói miệng rằng có thuốc trong cặp của trẻ chứ không nói là bệnh gì, thậm chí cô giáo cũng chẳng biết mỗi loại thuốc dùng bao nhiêu viên!
Trông người mà ngẫm đến ta, ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, giáo viên mầm non, phụ huynh thường xuyên được tập huấn, giải quyết các tình huống (vụ bắt cóc, hãm hại trẻ) có thể xảy ra. Những người trực tiếp làm công tác này không ai khác ngoài cơ quan an ninh, các chuyên gia tâm lý và lãnh đạo ngành giáo dục. Kể cả trẻ khi mới vào trường cũng được trang bị kỹ năng để đối phó với những tình huống tương tự.
Điều đáng buồn là ở Việt Nam không có quy định nào bắt buộc nhà trường cũng như phụ huynh thực hiện. Dù muộn còn hơn không, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với các bộ, ngành như y tế, an ninh… sớm soạn thảo, bổ sung thêm những quy định cần thiết để phụ huynh yên tâm khi gửi con cho nhà trường.
NGUYỄN TRUNG BÌNH
Trong tình huống giải cứu nạn nhân, bên cạnh việc cố gắng đảm bảo tối đa sự an toàn tính mạng của đối tượng, song đáng quan tâm hơn là nên chú ý tới cả sức khỏe tâm lý của nạn nhân. Tác giả Ellen Giebels cùng các cộng sự Bỉ đã tiến hành 12 phỏng vấn sâu những người từng bị bắt cóc, trong đó 7 người trong số họ bị vây hãm và 5 người bị bắt cóc. Toàn bộ đối tượng trả lời phỏng vấn đều mô tả cảm giác bơ vơ, thấp thỏm, tuy nhiên chỉ các nạn nhân bị bắt cóc mới thổ lộ cảm giác bất ổn, không vững dạ và trạng thái cô lập, tách biệt với thế giới bên ngoài.
 

Bình luận (0)