Học sinh, sinh viên trường ngoài công lập cũng có quyền hưởng thụ học hành như học sinh, sinh viên trường công lập (ảnh minh họa). Ảnh: T.An |
Trường công lập được hưởng ngân sách Nhà nước, trường dân lập hay tư thục thì không. Như vậy với phong trào xã hội hóa, cụ thể là xã hội hóa giáo dục, hiệu quả đến đâu?
Chưa bao giờ trường tư thục, dân lập phát triển mạnh như lúc này. Không riêng ở một bậc học nào mà từ bậc mầm non đến đại học, hệ thống trường ngoài công lập phát triển cả về chất lẫn về lượng. Điều đáng nói, trường công lập được hưởng ngân sách Nhà nước còn trường dân lập, tư thục thì không, vậy có công bằng hay không?
Trước hết là quyền học hành của mỗi công dân. Mỗi công dân đều được hưởng thụ cái quyền học hành như nhau và phụ huynh cũng phải đóng thuế giống nhau vào ngân sách Nhà nước. Thực tế là người học ở trường dân lập, tư thục lại không được nể trọng bằng người học của trường công lập. Quan niệm này tồn tại là tất yếu, nó xuất phát từ sự đối xử thiếu công bằng trong việc quan tâm đầu tư hệ thống trường lớp dân lập, tư thục.
Phong trào xã hội hóa giáo dục là tất yếu để theo kịp sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, xã hội hóa không đơn thuần chỉ là một phong trào, chính vì thế học sinh trường dân lập, tư thục cũng cần được hưởng ngân sách (tính theo đầu học sinh) như học sinh trường công lập. Hàng năm, chỉ tiêu đầu vào ở các trường công lập có phần hạn chế, vậy đâu sẽ là nơi thu nạp học sinh ngoài trường dân lập, tư thục?
TS. Trần Thị Diễm Thúy, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Để phong trào xã hội hóa hiệu quả hơn, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho hệ thống trường dân lập, tư thục. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay đó chính là chính sách về thuế và đất đai xây dựng trường”.
Ngân sách đầu tư cho giáo dục đều trích từ thuế của nhân dân, trong đó có sự đóng góp của phụ huynh học sinh, sinh viên. Các khoản đóng góp ấy đều như nhau nhưng quyền hưởng thụ thì lại khác nhau. Điều bất hợp lý nữa là hiện nay, học sinh, sinh viên ở các trường ngoài công lập phải đóng mức học phí quá cao. Điều này cũng dễ hiểu vì nhà đầu tư phải tính đến lợi nhuận và các khoản chi phí đã bỏ ra. Tuy nhiên, đây là điều bất công bằng đối với học sinh, sinh viên trường ngoài công lập. Bất công bằng ở chỗ: người học ở trường ngoài công lập không được hưởng sự đầu tư về giáo dục của Nhà nước như người học ở trường công lập.
Có ý kiến cho rằng việc tìm đất để mở rộng, xây dựng trường công lập còn khó khăn thì trường ngoài công lập là không thể có. Theo tôi, nếu quyết làm thì không khó. Hiện nay, tại TP.HCM, đất kho bãi lãng phí quá lớn ở một số quận, huyện hoặc đất của Nhà nước không sử dụng đúng công năng, không hiệu quả về mặt kinh tế. Điều đáng quan tâm nữa là hiện nay, quỹ đất dành để xây sân gôn quá nhiều, trong khi quỹ đất cho xây dựng trường lớp vẫn là “điệp khúc” cũ. Tại sao Nhà nước không quyết liệt thu hồi, tạo điều kiện để mở trông hệ thống trường lớp?
Kêu gọi đầu tư, mở rộng hệ thống trường lớp đồng nghĩa với việc phải có những chủ trương, chính sách ưu đãi hợp lý mới thu hút được nhà đầu tư. Sức mạnh, hiệu quả trong phong trào xã hội hóa giáo dục là làm sao thu hút được nhà đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước (xây dựng hệ thống trường công lập) cũng như sự đóng góp trong nhân dân.
Nguyễn Bá Tổng
TS. Trần Thị Diễm Thúy, ĐH Quốc gia TP.HCM: “Việc ưu đãi về thuế cũng như ngân sách cấp theo đầu người học sinh không thể cào bằng như trường công lập mà tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương mà có các chế độ đãi ngộ hợp lý. Có được những khoản miễn giảm ấy, nhà đầu tư sẽ nhẹ đi một phần chi phí, phụ huynh cũng giảm bớt gánh nặng đóng góp”. |
Bình luận (0)