Nếu không được đầu tư, một ngày nào đó nghệ thuật bài chòi sẽ mai một |
Những năm gần đây, dân ca bài chòi đã dần thưa thớt, thậm chí vắng bóng ở một vài địa phương được xem là cái nôi của bài chòi.
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng của miền Trung Việt Nam (từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận). Về sau loại hình này được phát triển thành loại hình sân khấu ca kịch đặc sắc và tổ chức thành lễ hội vào dịp Tết Nguyên đán.
Cụ Phan Thành Tứ, 87 tuổi được xem là một trong số ít bậc cao niên ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên còn gìn giữ và phát triển nghệ thuật bài chòi cho biết: “Từ khi có Đảng lãnh đạo, bài chòi là phương tiện phục vụ tốt công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bài chòi ra đời như những lời kêu gọi toàn dân đứng lên đấu tranh. Trong không khí nô nức đón Xuân, ở các làng quê miền Trung sẽ nhộn nhịp hơn, tươi vui hơn khi có tổ chức bài chòi. Những năm gần đây, loại hình nghệ thuật này đã gần như vắng bóng. Cụ Tứ cho rằng, nguyên nhân là do chính quyền địa phương không đôn đốc, cán bộ văn hóa lơ là. Lâu nay, loại hình nghệ thuật này chủ yếu do những người lớn tuổi, yêu thích bài chòi tổ chức dựng chòi vào dịp Tết. Việc làm này mang tính tự phát, không vì lợi nhuận.
Có những bài chòi lưu truyền cho đến hôm nay nhưng tần suất xuất hiện lại quá ít như: “Đất này lấy máu xin thề”; “Kêu gọi học bình dân” của tác giả Nguyễn Xuân Điền. Rồi đến những năm tháng chống Mỹ cứu nước, làn điệu bài chòi đi sâu vào trong cuộc sống của người dân, là những lời động viên quân và dân đứng lên đấu tranh”. Những bài chòi được dựng thành những vở kịch dân ca, bài chòi được các địa phương tái hiện lại vào dịp tết Nguyên đán nhiều năm trước nay đã vắng bóng như “Đêm hành quân nhớ mẹ”, “Gương người chiến sĩ công binh” của tác giả Vũ Trung Uyên hay “Chốt thép” của Cao Cường… Cụ Tứ nói: “Lớp trẻ bây giờ chưa hiểu hết giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của loại hình bài chòi nên dần mai một theo năm tháng”. Đáng lý, lớp trẻ bây giờ phải được học, tìm hiểu những giá trị của loại hình bài chòi. Lớp trẻ có điều kiện tiếp cận với bài chòi mới có thể tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng của quê hương”.
Nói đến loại hình nghệ thuật bài chòi, GS.TS Trần Văn Khê đã đề cập: “Nếu chúng ta cố công đầu tư, đào tạo được những nghệ sĩ tài ba để biểu diễn thuần thục nghệ thuật bài chòi thì cũng có thể thu hút được người thưởng lãm cũng như đưa ra giới thiệu với bạn bè quốc tế. Từ đó, trong nước sẽ có được sự quan tâm hơn nữa để đem lại sức sống cho ca kịch bài chòi được hồi sinh đúng với gia trị bộ môn nghệ thuật đặc sắc cha ông để lại. Nếu không, đến lúc nào đó bài chòi bị mai một thì sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc”.
Nhà nghiên cứu về bài chòi Vũ Đình Hồng, Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa nói: “Nhiều năm trước, dù cuộc sống còn lắm vất vả lo toan nhưng ngày Tết cổ truyền luôn nhẹ nhàng và êm ái đó chính là mọi người đều được sống trong những trò chơi dân gian bài chòi đầy thú vị và ý nghĩa. Càng về sau này, việc đón Tết cổ truyền mất đi phần trang trọng do thiếu quan tâm đến loại hình nghệ thuật bài chòi. Chúng ta không trách lớp trẻ hiện đại, lai căng mà phải trách chúng ta không tạo điều kiện cho lớp trẻ tiếp cận với bài chòi”.
TRẦN TUY AN
Bình luận (0)