Dù hoàn cảnh khó khăn, Chân Phương vẫn chăm chỉ học hành. Ảnh: T.H |
Cô bé Nguyễn Thị Chân Phương (sinh năm 1989, sinh viên ngành xã hội học, Trường Đại học Khoa học Huế), là con thứ 3 trong một gia đình 5 anh em, ở Đại Phong, Đại Lộc, Quảng Nam. Bố mất sớm để lại khoảng trống trong gia đình mà không ai có thể bù đắp nổi. Quãng đời áo trắng của Phương là những ngày gian khó tưởng chừng không thể vượt qua. Thế nhưng trong em chưa bao giờ ngừng “khát vọng” được đi học.
Từ ước nguyện của ba mẹ
Tôi hơi ngạc nhiên khi gặp Phương, cô bé nhỏ nhắn, mảnh khảnh với đôi mắt sâu và đen, đầy nghị lực. Trước đây gia đình Phương cũng bình thường như bao gia đình lao động khác, bố là khai thác viên của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, mẹ buôn bán tạp hóa ở chợ, làm việc quần quật ngày đêm chỉ mong kiếm đủ tiền nuôi 5 đứa con ăn học. Cuộc sống có lẽ sẽ “êm đềm” như thế… nếu như tai họa không giáng xuống gia đình Phương. Năm 2000, bố Phương mất, mẹ em lúc ấy tuy đã bị căn bệnh bướu hông hành hạ từ năm 1991, sức khỏe rất yếu nhưng phải cố gắng gánh vác chuyện gia đình, làm việc vất vả, cật lực để trang trải cuộc sống và chăm lo cho các con ăn học. Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” như hút hết sức lực của mẹ Phương. Lúc đó, cô bé Phương 14 tuổi, đang học lớp 8 thường trăn trơ: “Hay là mình nghỉ học để giúp mẹ?”. Nhưng nhìn thấy mẹ kiếm từng bữa ăn miễn sao “các con được học là mừng rồi…”. Phương không nỡ, chỉ biết cố gắng học thật giỏi. Món quà vô giá mà mẹ Phương có được là cả 5 anh em Phương đều chăm ngoan học giỏi.
Thầy Nguyễn Thành Cao, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Phương cho biết: “Phương là cô bé biết vượt khó, tuy ít nói nhưng khi đã làm gì là làm đến nơi, đến chốn. Dù nhà nghèo nhưng Phương luôn nghĩ tới những người khó khăn hơn mình. Em là một tấm gương nhà nghèo vượt khó, học giỏi cho các bạn trong trường noi theo”. Năm Phương học lớp 12, một tai họa nữa lại giáng xuống cái gia đình bất hạnh của em. Mẹ Phương qua đời vì căn bệnh bướu hông đeo đuổi bà từ năm 1991. Năm anh em Phương rơi vào cảnh côi cút, bơ vơ… nỗi đau tưởng chừng như không thể đứng lên được nữa. Thương hoàn cảnh côi cút nhưng những người thân cũng không có điều kiện để lo cho mấy anh em Phương. Vì vậy, 5 anh em vừa phải cố gắng vượt qua nỗi đau, vừa phải bao bọc nhau tập thói quen sống tự lập. Người anh cả của Phương lúc này đang là sinh viên năm cuối của trường Cao đẳng Công nghệ ở Đà Nẵng, tuổi còn trẻ nên chưa thể gánh vác vai trò “quyền huynh thế phụ” để chăm lo cho các em, 2 cậu em trai út của Phương đứa 11 tuổi, đứa 8 tuổi phải gửi cho người thân ở Quy Nhơn nhận làm con nuôi. Phương phải tạm gác “ước nguyện” vào đại học để lao vào mưu sinh kiếm sống, phụ giúp gia đình. Cuộc sống lao động vất vả, lúc phụ bán hàng ở chợ, lúc bán café, lúc bán báo… bao nhiêu nước mắt đã rơi, bao nhiêu nỗi đau đã trải, nhiều lúc khiến Phương vô cùng mệt mỏi.
Niềm vui và nước mắt
Sau những cố gắng, quyết tâm, Phương đã thực hiện được “ước nguyện của ba mẹ” là bước vào ngưỡng cửa đại học. Kỳ thi đại học năm 2009, Phương đã trúng tuyển vào ngành xã hội học, Trường Đại học Khoa Học Huế.
Ngày nhận giấy báo nhập học, niềm vui và nước mắt chan hòa, em nhìn lên bàn thờ ba mẹ mà nước mắt ràn rụa: “Ba ơi! Mẹ ơi! Tiền đâu để con đi học?”. Nhờ sự động viên của thầy cô, bạn bè, người thân… Phương khăn gói ra Huế nhập học với số tiền ít ỏi em dành dụm được sau một năm lao động vất vả. Phương rơm rớm nước mắt: “Lúc đó em chỉ nghĩ phải tới trường, dù thế nào đi chăng nữa. Được đến đâu hay đến đó. Nhưng bây giờ em sợ phải nghỉ học lắm! 4 năm đại học dài đằng đẵng em biết làm gì để trang trải việc học hành…?”. Tôi hỏi: “Ngoài đi học ra, em còn làm thêm việc gì nữa không?”. Phương lắc đầu: “Em muốn lắm! Rong ruổi khắp nơi để kiếm việc làm thêm nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được cái “lắc đầu” vì sinh viên làm việc bán thời gian người ta không nhận, số tiền dành dụm năm qua gần hết, em không biết sẽ cầm cự được bao lâu nữa?”, “Còn anh chị của em, họ có giúp đỡ được gì cho em không?” – tôi hỏi tiếp. Phương cúi đầu: “Cũng giống em thôi”. Người anh cả của Phương – Nguyễn Thanh Phúc, mới ra trường, hiện đang làm thuê cho một công ty ở Đà Nẵng, tiền lương cũng chỉ đủ sống, không giúp gì được cho các em. Còn người chị thứ hai của Phương – Nguyễn Thị Thanh Thảo, đang là sinh viên năm 3, Trường Đại học Sư phạm Quảng Nam. Cũng giống Phương, ngoài thời gian đến trường, Thảo phải đi làm gia sư, bán café, lao động cơ cực để kiếm đủ tiền trang trải cho việc ăn học của mình.
Những tấm gương như Phương và Thảo rất cần sự chia sẻ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm… để các em có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục theo đuổi việc học và trở thành những người có ích cho xã hội.
T.giang – Q.Huy
Bình luận (0)