Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cảm động trước đôi vợ chồng nghèo nuôi 4 con vào ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Tin em Trần Viết Hữu đậu hai trường ĐH Xây dựng Hà Nội và ĐH Y Thái Bình nhanh chóng lan đi khắp xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Hữu là người con thứ 4 của đôi vợ chồng nông dân nghèo nhưng có tiếng về thành tích nuôi con ăn học ĐH.
Cậu học trò nghèo lập “cú đúp”
Khi chúng tôi hỏi đường đến nhà em Hữu, nhiều người dân ở xã Mỹ Lộc không ngớt lời khen ngợi nghị lực vượt khó của cậu học trò nghèo này, họ tấm tắc: “Thằng cu Hữu nhà nghèo khó rứa mà học giỏi kinh khủng, đậu cả hai trường luôn”, “Ước gì con mình được như vậy”…
Qua khỏi con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo hai bên mọc đầy cỏ, ngôi nhà tuềnh toàng, cũ nát của gia đình Hữu hiện ra trước mắt chúng tôi. Một người phụ nữ dáng vẻ khắc khổ bước ra chào khách. Đó là mẹ em Hữu, bà Phan Thị Bình. Cuộc đời vất vả, lam lũ nuôi con ăn học khiến bà trở nên già hơn so với tuổi 50. “Cu Hữu đang cuốc đất sau vườn” – bà Bình cho biết. 
Hữu luôn giúp mẹ công việc đồng áng.
 Ấn tượng của chúng tôi khi gặp Hữu là dáng vẻ thư sinh với cặp kính dày cộp, mồ hôi nhễ nhãi hì hục cuốc đất giúp mẹ trồng rau. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, em hồn nhiên nói: “Dạ, có vất vả gì đâu anh, nhiều lúc được nghỉ học em còn đi phụ hồ, bốc đá kiếm thêm mấy chục ngàn cho bố mẹ đỡ đi phần nào” – em Hữu tâm sự.
Hữu đang thái bèo cho lợn.
 

Những năm tháng đi học, chuyện Hữu dắt xe cuốc bộ là bình thường vì chiếc xe đạp cà tàng của em hay dở chứng dọc đường. Hữu nhớ lại: “Năm em học lớp 9, trên đường đi học về thấy một người bán chiếc xe đạp cũ cho người mua sắt vụn. Thấy chiếc xe còn “xịn” chán nên em bảo người ta bán lại cho em đem về sửa để đi học. Em chạy ùa về nhà xin mẹ 30 kg lúa mang đi bán lấy tiền mua chiếc xe. Đó là kỷ vật theo em suốt ba năm cấp 3”.

Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Hữu không bao giờ nghĩ đến chuyện đi học thêm. Có đủ thời gian học ở nhà với Hữu cũng là một vấn đề nan giải. Những lúc tan trường, Hữu phải vội vàng đạp xe về giúp mẹ cắt rau, cho lợn ăn, phụ giúp việc nhà… Tối đến, Hữu lại mang lưới ra đồng thả để bắt cá về cho mẹ mang ra chợ bán.

“Chiều tối là em đi thả lưới về mới ăn cơm và học bài. Đến khoảng 3 giờ sáng dậy học một lát rồi đi lấy lưới về trước lúc đến trường. Nhiều hôm hên cũng được dăm chục ngàn đó anh” – Hữu kể.
Thương mẹ tảo tần sớm hôm, thương bố cật lực với đồng áng, Hữu quyết tâm học để thoát nghèo. Suốt 12 năm đèn sách Hữu đều là học sinh giỏi toàn diện. Năm 11 đạt giải khuyến khích, năm 12 đạt giải ba môn Toán cấp tỉnh. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa rồi Hữu đã xuất sắc đậu liền hai trường: Đại học Xây dựng Hà Nội (27 điểm), Đại học Y Thái Bình (23 điểm).
Khi được hỏi về thành tích đáng nể của mình đã lập “cú đúp” trong kì thi tuyển sinh đại học vừa qua, Hữu cười hiền nói: “Em có thành thích gì đặc biệt đâu anh. So với mọi người mình còn thua xa lắm”.
Hữu cho biết thêm: “Nếu đủ khả năng nhập học em sẽ chọn Trường đại học Xây dựng Hà Nội. Với em, kiến thiết nên những công trình xây dựng cho đất nước là giấc mơ thời thơ ấu”.
 “Kỳ tích” của vợ chồng nghèo
Nhận được tin con đậu đại học, bà Bình chưa kịp mừng đã vội lo: “Nhiều người trao giải thưởng lớn để mong con thi đậu đại học mà không được. Còn con nhà tui thi đậu mà lo quá chừng, không biết lấy tiền mô mà cho thằng Hữu nó đi học đây. Mấy bữa ni hai vợ chồng chạy đôn, chạy đáo vừa làm thêm đủ nghề, vừa xoay sở xem có mượn được ai ít tiền để cho con nó ra nhập học hay không?”.
Hữu là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em. Hai chị đầu Trần Thị Thắm đã tốt nghiệp loại giỏi, ngành Chính trị học, Trường đại học Sư phạm Huế và chị Trần Thị Mến tốt nghiệp loại khá, Trường đại học Nông Lâm Huế. Cả hai chị của Hữu sau ngày nhận bằng đến giờ vẫn chưa liên hệ được công việc. Chị thứ ba Trần Thị Huế đang là sinh viên năm 3 của Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng. Còn em út Trần Văn Tài, hiện đang là học sinh lớp 11 Trường PTTH Đồng Lộc.  
Nay Hữu đậu đại học đã tiếp thêm truyền thống hiếu học của gia đình nhưng cũng tăng thêm phần gánh nặng cơm áo, gạo tiền cho bố mẹ.
Lam lũ với ruộng vườn và làm đủ nghề mà vẫn không đủ tiền cho con ăn học, ông Tình – bố Hữu đã vay tiền khắp mọi nơi. Tính đến thời điểm này, sổ nợ của gia đình đã lên đến gần 100 triệu đồng.
“Mấy ngày ni con Huế ở trong Đà Nẵng gọi điện về xin tiền mà chưa có gửi vô. Tui đành phải gửi tạm cho nó vài yến gạo sống qua ngày. Chờ đến khi mô vay được tiền mới có gửi cho con được. Nhà giờ còn mỗi con trâu cày chắc ít bữa nữa cũng phải bán cho thằng Hữu nó ra Hà Nội nhập học. Nhiều lúc nghĩ số nợ lớn như rứa và lo tiền gửi vô cho con Huế mà đêm nằm tui không thể nào ngủ ngon được. Rồi không biết lấy chi mà trả nợ đây…”,  nói đến đó, bà Bình bật khóc.
Hai mẹ con Hữu.
Ông Lê Vạn Châu, Hội trưởng Hội khuyến học xã Mỹ Lộc nhận xét: “Gia đình ông Tình, bà Bình là gia đình tiêu biểu nhất xã về tinh thần hiếu học. Cái ăn qua ngày nhiều lúc phải chạy từng bữa nhưng ông bà vẫn quyết không để con thất học”.
 Chia tay Hữu và gia đình trong chiều tà, câu nói của em: “Nếu được đi học thì em sẽ chọn trường xây dựng” và khoản nợ chồng chất lên gia đình nông dân nghèo hiếu học cứ ám ảnh chúng tôi suốt trên chặng đường về.
Theo Dan tri

Bình luận (0)