Tòa soạnThư đi – tin lại

Cấm triệt để kinh doanh các dịch vụ gần trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, hầu như trước các trường học trên địa bàn Củ Chi, UBND huyện đều cho cắm biển báo, không cho buôn bán hàng rong trước cổng trường và kinh doanh các dịch vụ như: Internet, bi-da phải cách xa trường ít nhất 200 mét.
Nhưng thực tế vẫn còn có xã, nhất là khu vực thị trấn thì các dịch vụ này mọc lên như nấm, bởi vì ai cũng biết kinh doanh các loại hình này đầu tư vốn ít, trông coi nhẹ nhàng mà thu lợi nhanh, đặc biệt là học sinh rất ham thích. Điển hình trên địa bàn tôi công tác có 1 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường THPT, xung quanh các trường có khoảng 6, 7 tiệm Internet lúc nào cũng đầy nghẹt học sinh của cả ba cấp, học sinh nhỏ thì chơi game, học sinh lớn thì chat, truy phim “xấu” hay chơi trò chơi trực tuyến. Hệ quả thì ai cũng biết, nhiều học sinh trốn học vào nơi này chơi mà gia đình không hay biết, khi nhà trường báo bỏ học, gia đình mới phát hiện. Còn bi-da không còn là môn giải trí mà “cáp độ” nhau đánh ăn tiền chí ít cũng vài mươi ngàn đồng, nhiều hơn cả trăm ngàn, không ít lần vì cay cú ăn thua mà đôi bên mặc sức văng tục, đánh đấm nhau như cơm bữa.
Tác hại của việc ham chơi, tụ tập rồi nhiễm thói hư tật xấu trên phim ảnh, ngoài xã hội rồi lan tràn vào trường học. Năm học 2009, một trường THCS buộc em nữ sinh nghỉ học vì có thai hay trường THPT nhiều nhóm học sinh nam trong trường vì bất hòa đã thanh toán lẫn nhau làm ban giám hiệu và giám thị hết sức khổ sở giải quyết.
Tình trạng này thỉnh thoảng cứ xảy ra, nhà trường báo với Ủy ban xã hỗ trợ bằng cách vận động các hộ kinh doanh những dịch vụ này ra xa trường và trong giờ học không được phép kinh doanh. Còn vào giờ học thì dân quân, công an xã đi kiểm tra, nếu phát hiện học sinh nào có mặt ở các tụ điểm đó thì nhắc nhở, ghi tên báo nhà trường biết và nhà trường có trách nhiệm phối hợp gia đình các em này quản lý giờ giấc chặt chẽ hơn.
Chính vì quản lý chặt chẽ các dịch vụ “nhạy cảm” nói trên mà xã Trung Lập Thượng và Trung Lập Hạ (Củ Chi) có chuyển biến tốt trong việc quản lý và giáo dục học sinh, góp phần xây dựng văn hóa học đường ngày càng lành mạnh, phát triển bền vững.
TRẦN VĂN TÁM
(Trường TH Trung Lập Hạ – Củ Chi – TP.HCM)

Bình luận (0)