Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Khu ổ chuột” giữa lòng cố đô

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ con ở khu này đang đối diện với nguy cơ mắc nhiều bệnh tật do môi trường ô nhiễm và nạn thất học, mù chữ

Giữa lòng TP.Huế phồn hoa với hàng trăm khách sạn, đường phố sang trọng và không thiếu phần náo nhiệt, còn đó một “khoảng khuất” 134 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu 25 năm qua vẫn sống trong cảnh tạm bợ, vật vờ…
Đó là một dải đất rộng chừng 5-6 mét, chạy dọc giữa một bên là sông Ngự Hà, bên còn lại tựa lưng vào bờ thành của Kinh đô Huế xưa, thuộc tổ 11, P.Phú Bình, TP.Huế. Hàng chục căn nhà được dựng lên bằng cọc tre, xập xệ với những miếng tôn vá chằng vá đụp… Cũng bởi thế, “xóm bờ thành”, “xóm nhà chồ” hay “khu ổ chuột”…  là những cái tên mà người dân cố đô vẫn hay dùng để gọi nơi này.
Sống giữa lòng phố nhưng nhà chẳng ra nhà
Từ đường Đào Duy Anh, đoạn qua P.Phú Bình, rẽ vào một hẻm sâu chỉ đủ lọt chiếc xe máy. Từ đầu ngõ, những hàng quán, nhà cửa chi chít nhau nối dài, chỉ độc một lối đi lại nhỏ cũng là nơi sinh hoạt, vui chơi của hàng trăm con người. Từ đầu đến cuối khu, “đặc trưng” một mùi ẩm thấp, rất khó ngửi.
Chúng tôi gặp mệ Hồ Thị Cháu (83 tuổi) – một trong những công dân “lão làng” nhất của khu này. Mệ Cháu đang lúi húi chặt dở những cây mía thành khúc, số mía này do mệ nhận từ các hàng quán ngoài phố về chẻ thuê để tranh thủ kiếm chút ít thu nhập. Dù mía còn ngổn ngang nhưng mệ phải gác lại để chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình. Trong ngôi nhà ọp ẹp, chỉ khoảng hơn chục mét vuông ấy của mệ, dường như chẳng có thứ gì đáng giá ngoài khu bếp lỉnh kỉnh xoong nồi cũ kỹ, mấy tấm chiếu cũng chẳng còn nguyên vẹn gác ngổn ngang bên góc.
Nghe có người hỏi thăm về xóm này, mệ kéo chiếc ghế duy nhất trong nhà để mời khách ngồi mà kể: “Từ mấy chục năm trước đến nay, cả khu này đã vốn quen với cảnh sống tạm bợ như ri rồi”. Chúng tôi ngước lên mái nhà rồi đảo mắt nhìn quanh, từ mái tôn đến tấm phên không nơi nào là không nham nhở những vết chắp vá. Sàn nhà sát mặt nước bờ sông Ngự Hà, nước sông tối màu vì nước thải sinh hoạt xả xuống quá nhiều, rác thì lềnh ênh bập bềnh.
Đất cả khu chỉ là một vệt nhỏ rộng khoảng 5-6 mét chạy dọc bên bờ thành. Để dựng được nhà trên những khoảng đất eo hẹp ấy, bà con khu này phải dựng cọc tre cắm sâu xuống mặt sông để làm… móng nhà. Ông Đỗ Văn Dũng (41 tuổi) cho hay: “Ở đây hiếm nhà nào có đủ tiền mà cắm được cọc bê tông. Lâu lâu bà con phải tìm mua cọc tre về thay lại, chứ ngâm nước quá lâu nên sợ nó mục thì nhà sập mất. Sắp đến mùa mưa bão rồi. Chúng tôi cứ lo ngay ngáy. Nhà cửa ọp ẹp, lũ sông lại lên nhanh nên sợ lắm…”. Lúc chúng tôi đến, cũng là lúc ông Dũng đang mò mẫm kiểm tra lại hệ thống móng và thay mấy tấm phên nhà đã quá “hạn sử dụng”.
Cái nghèo đeo bám mãi…

Dù đã ở tuổi 83, nhưng ngày ngày mệ Cháu vẫn phải đi xin mía về chẻ thuê để kiếm chút tiền phụ con nuôi cháu

Hầu hết những cư dân ở “khu ổ chuột” này đều không có việc làm ổn định. Ngày ngày, lớp thanh niên và những người còn đủ sức làm việc nặng thì chọn cách ra chợ Đông Ba hoặc các chợ khác để có ai thuê gì thì làm. Không ít người tìm đến các công trình xây dựng tư nhân nhỏ để phụ hồ, phụ việc những ngày công, lương chỉ ba cọc ba đồng. Số khác theo nghề “truyền thống” của người nghèo là đạp xích lô, xe ôm và đi bán dạo…
Bữa cơm trưa mà mệ Cháu bày ra giữa sàn nhà chỉ vài con cá nhỏ giá rẻ với tô canh rau lõng bõng, chỉ chờ mỗi con trai của mệ đạp xích lô về nữa là sẽ ăn. Ngóng ra ngoài trời trưa nắng hừng hực, mệ tặc lưỡi: “Cái thằng. Chắc đạp xe không có khách lại lăn lê đâu đó uống rượu rồi cũng nên. Thôi, ăn đi!”. Cả 5 đứa cháu quá bữa đói ngồi thoi thóp chỉ chờ có thế, sà vào múc lấy múc để. “May hôm qua kiếm được mía chặt thuê nhiều. Họ trả 3 chục ngàn chừ mới có tiền mua chút đồ ăn. Không thì…”, mệ Cháu nhìn mấy đứa ăn ngon lành mà nói với chúng tôi chẳng trọn câu. Cả gia đình mệ Cháu chỉ biết trông chờ vào công sức của anh con trai. Nhưng, “nghe nói dạo ni ế ẩm. Khách ít nên không có tiền, hắn cứ rên với tui mãi”, mệ nói thêm. Con dâu của mệ không chịu nổi cảnh khổ cực đã bỏ đi biệt xứ 7 năm trước rồi. Nhưng hỏi bà con trong khu thì được biết, nhà mệ Cháu vẫn chưa thuộc hàng nghèo nhất ở đây.
Hộ ông Trần Lâm (52 tuổi) là hàng xóm của mệ Cháu. Ông Lâm là thương binh nên mấy năm nay mất sức lao động, không làm gì được. Trong nhà cả thảy 9 miệng ăn nhưng chỉ biết trông chờ vào thúng hoa quả bán dạo của vợ ông – bà Nguyễn Thị Gái. Dù ốm đau liên miên nhưng bà Gái ít khi được nghỉ bán vì sợ đói. Ông Lâm nói như than: “Mấy chục năm trước lênh đênh trên sông Đông Ba, đời sống đã khó rồi. Tưởng lên bờ có đất làm ăn, ai ngờ cũng chẳng hơn ở đò”. Ông Lâm có cả thảy 7 đứa con, đều bỏ học giữa chừng do không có tiền.
Toàn bộ 134 hộ dân ở khu này nhưng chỉ biết “giải tỏa” vào 3 nhà vệ sinh do Đại học Huế tài trợ xây dựng từ năm 2000. Nước sinh hoạt thì 5-6 hộ gia đình phải dùng chung một vòi. Cảnh chờ đợi đi tắm giặt, vệ sinh lúc nào cũng làm cho cả khu nhốn nháo lên, càng thêm bức bối. Nhiều người chờ không nổi, “giải quyết” ngay bên sông. Chồng lên rác thải ngổn ngang càng làm cho môi trường sống ở đây thêm ô nhiễm.
Chị Lương Thị Vân – người ở “khu ổ chuột” lo lắng: “Tui có 3 đứa con nhỏ nên lo lắm. Người lớn sống mấy chục năm cũng đã quen, chứ con nít sợ mắc bệnh thì khổ”.
Chính quyền “bó tay”?
Hàng ngày, hàng giờ cư dân ở khu này vẫn đang đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường nặng, bệnh tật, đói kém và mù chữ. Anh Phan Phước Phú – cán bộ địa chính P.Phú Bình – cho biết: Trước đây, những hộ dân đến ở xóm bờ thành đều xin giấy tạm trú có xác nhận của chính quyền. Chúng tôi đều tiến hành chia từ 10-15m2 cho mỗi hộ gia đình để dựng nhà. Tuy nhiên, qua thời gian, do có nhu cầu tách hộ, số nóc nhà ngày một tăng dần thêm trong khi đất ở còn không có chứ chưa nói đến đất sản xuất. Việc sống trong không gian tù túng, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề mà chính quyền địa phương chưa có cách giải quyết.
Theo thống kê, hiện tại số hộ nghèo ở khu này đã chiếm 30%, con số này không ngừng gia tăng theo từng năm. Nạn thất học, mù chữ cũng đang nhức nhối hàng ngày trong từng căn nhà. Toàn khu có gần 50 em học sinh bỏ học để phụ gia đình mưu sinh hoặc lang thang, không nghề nghiệp.
Bà Hoàng Thị Mỹ Tứ – Chủ tịch UBND P.Phú Bình trăn trở: “Về phía chính quyền phường từ năm 1993 đến nay, chúng tôi đã nhiều lần có văn bản đề nghị lên cấp trên nhằm có phương án di dời, bố trí nơi tái định cư mới cho người dân. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo nào từ cấp trên”.
Bài, ảnh: Trần Thiếu Gia
Hỏi khắp 134 hộ dân trong khu, chúng tôi được biết chưa bao giờ khu này có nổi người đi học đại học. Giấc mơ định cư, làm ăn khấm khá của cư dân nơi này ấp ủ suốt 25 năm qua vẫn là con số không tròn trĩnh.
 

Bình luận (0)