Tòa soạnThư đi – tin lại

Nghĩ về hiện tượng bạo lực, vô cảm

Tạp Chí Giáo Dục

Báo Tuổi Trẻ ngày 22-3-2010 đăng những ý kiến của bà Trish Sammerfield, chuyên gia giáo dục về các giá trị sống qua bài viết của Khổng Loan.
Những ý kiến của bà Trish đề cập đến nguyên nhân xã hội, thái độ cư xử mang tính bạo lực hay vô cảm đồng thời liên hệ đến một số nét của nền giáo dục Việt Nam. Theo chuyên gia này, nếu loài người chỉ chăm chăm vào phát triển vật chất, dần dần mục đích tiền bạc sẽ là ưu tiên và chúng ta sẽ trở nên hẹp hòi, chỉ biết quan tâm tới những người thân của mình, từ đó mà thành ra vô cảm, dễ có xu hướng bạo lực. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong sự phát triển xã hội và phát triển nhân cách đã được các nhà xã hội học trên thế giới đúc kết từ lâu. Nhà tư tưởng vĩ đại Karl Marx đã cảnh báo về sự suy giảm nhân cách con người khi chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ ở châu Âu và châu Mỹ. Trong bài viết về sự phát triển của thủ đô Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đề cập vấn đề này trên mặt báo.
Ý kiến của bà Sammerfield về cách giáo dục trẻ em ở Việt Nam quả nhiên là đáng suy nghĩ. Bà nêu rằng, vì chú trọng bằng cấp học thuật nên các bậc cha mẹ đã hình thành nơi con trẻ (đặc biệt từ 1 đến 8 tuổi) nhận thức: đạt điểm cao ở trường hay thi đỗ là điều quý giá nhất, nhất thiết phải hướng đến, coi đó là ưu tiên, khiến chúng dần dần mất đi thái độ thể hiện các giá trị tích cực, như tình yêu thương cũng như sự quan tâm đến người khác.
Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất lớn đòi hỏi kiến thức và tầm nhìn về xã hội học, phản ánh sự không thống nhất của hai dòng tư tưởng về phát triển xã hội (trong đó có giáo dục) là phát triển về kinh tế và phát triển về văn hóa. Bài báo của Khổng Loan có đầu đề là Phải tìm tận gốc bạo lực, vô cảm, nhưng khi tìm được cái gốc ấy lại không thấy đâu là hướng giải quyết vì ở đây có quá nhiều mối liên quan.
Nhà giáo Nguyễn Trọng Di
(Gò Vấp)

Bình luận (0)