Tòa soạnThư đi – tin lại

“Bi kịch” mua hàng qua truyền hình

Tạp Chí Giáo Dục

Hình ảnh ấn tượng, giới thiệu hấp dẫn, sản phẩm đánh trúng tâm lý khiến người tiêu dùng “sẵn sàng” mua hàng… dù mù mờ thông tin về nó.

Vì tin tưởng vào nhà đài, với những mẩu quảng cáo ấn tượng lôi cuốn, nhiều người không ngần ngại bỏ tiền triệu ra mua “sản phẩm ước mơ” để rồi… phải gõ cửa khiếu kiện nhiều nơi.
Thua cả… hàng chợ 
Chị Thu Hiền (đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức) bức xúc: “Vì đi làm suốt, không có thời gian nên khi xem chương trình “Mua sắm trên truyền hình”, thấy người ta quảng cáo sản phẩm nghe quá hấp dẫn, tôi quyết định mua bộ dao inox gần 500 ngàn, bàn ủi nước hơn 900 ngàn, máy hút bụi hơn 1,3 triệu đồng. Xài đúng 3 ngày, dao đã bị cùn. Tôi gọi lên công ty, họ cho người đem dụng cụ xuống mài dao chứ không đổi hàng mới. Nhưng họ mài hôm trước hôm sau lại cùn. Trong khi đó, dao tôi mua ở chợ xài cũng được hai, ba tháng mới cùn chứ không như bộ dao này. Bàn ủi thì không ủi được li, nếp gấp. Đổi cái khác, chất lượng vẫn vậy. Bực mình quá, tôi ra siêu thị sắm ngay cái bàn ủi giá rẻ hơn rất nhiều nhưng chất lượng hơn xa bàn ủi mua qua truyền hình. Còn máy hút bụi tuy kêu thật to, nhưng công suất làm việc… cực yếu. Không được 10% như quảng cáo. Các “của nợ” này tôi vứt vào xó rồi. Công ty tôi cũng có nhiều người “sập bẫy” như vậy”. Tương tự, chị M. (Q.Gò Vấp) luôn tự ti vào thân hình của mình, nên khi xem chương trình “Mua sắm trên truyền hình”, thấy giới thiệu bộ áo quần giúp giảm cân giá 3,3 triệu đồng liền gọi điện đặt mua ngay. “Sản phẩm ước mơ” tưởng chừng là cứu cánh cho thân hình “hộ pháp” của chị, ai dè nó càng khiến chị bực mình hơn. Anh Hùng (Q.Bình Thạnh) đã vứt bộ dụng cụ lau nhà mua qua truyền hình vào xó ngay sau 3 lần sử dụng, anh ngán ngẩm: “Ba lần lau nhà tốn 800 ngàn, vậy mà truyền hình “nổ” như bắp rang?!?”.
Tin vào “nhà đài”
Chị Hiền giải thích nguyên nhân mình bỏ ra tiền triệu mua hàng dù chỉ nghe trên tivi chứ chưa “thấy tận mắt, sờ tận tay” sản phẩm: “Tôi chỉ coi chương trình mua sắm trên tivi và quyết định mua hàng vì tin tưởng vào “nhà đài”. Tôi nghĩ “nhà đài” dành hẳn một kênh chuyên giới thiệu sản phẩm thì chất lượng của chúng đã được kiểm tra, đảm bảo. Nhưng trên thực tế, chất lượng sản phẩm quảng cáo quá tệ, tôi hỏi thì “nhà đài” trả lời các sản phẩm trên đều có giấy phép, còn chất lượng như thế nào thì doanh nghiệp bán hàng đó chịu trách nhiệm. Giải thích vậy là thiếu trách nhiệm. Tôi sẽ kiện đơn vị bán hàng này. Đồng thời, đài truyền hình nên xem lại cách quảng cáo của mình, đừng để doanh nghiệp nước ngoài lừa dân nội địa”.
Hiện nay, các chương trình “Mua sắm trên truyền hình” giới thiệu rất nhiều sản phẩm hấp dẫn. Đặc biệt, có khá nhiều mặt hàng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, như nhân sâm, thực phẩm chức năng, kem/ thuốc xóa nếp nhăn, máy đo nhiệt độ cơ thể… Các sản phẩm này được giới thiệu với rất nhiều chức năng, tiện lợi, hàng chính hãng, lại có ý kiến các chuyên gia, sản phẩm được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn của nhiều cơ quan chức năng uy tín… nên thuyết phục người tiêu dùng. Một số chuyên gia cho rằng, cần quản lý chặt chẽ hơn loại hình bán hàng này. Bởi các doanh nhiệp chỉ nhấn mạnh đến ưu điểm mà phớt lờ đi những hạn chế của sản phẩm. Bà Đào Thị Cúc – Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam tại TP.HCM cảnh báo: “Đài truyền hình nên quản lý sát sao hơn chương trình “Mua sắm trên truyền hình”. Họ phải có trách nhiệm với người tiêu dùng chứ không chỉ căn cứ vào giấy phép, còn chất lượng sản phẩm thì phó mặc cho doanh nghiệp. Người tiêu dùng nên đến siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu uy tín, có địa chỉ rõ ràng để mua hàng nhằm đảm bảo chất lượng, quyền lợi bảo hành sản phẩm…”.
Bài, ảnh: Vũ Việt Giang

Bình luận (0)