Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Mùa cào ruốc

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều gia đình phơi ruốc, làm của để dành bán khi mùa đông tới
Thời điểm này, khi những con tàu công suất lớn của ngư dân Đà Nẵng tất bật với những chuyến vươn khơi dài ngày để đánh bắt vụ cá nam thì các ngư dân có thuyền công suất nhỏ lại đi cào ruốc biển. Việc đánh bắt thứ hải sản gần bờ theo vụ mùa này bao năm qua trở thành kế sinh nhai của nhiều ngư dân nghèo…
Nghề mùa vụ
Những ngày này, dọc theo bãi biển Thọ Quang (Q.Sơn Trà) luôn tấp nập nhộn nhịp cảnh những người vợ, người mẹ trong lúc chờ thuyền cập bến, đưa ruốc vào bờ tụm ba, tụm năm tranh thủ chuyện trò. “Năm ni thời tiết thuận, biển được mùa ruốc. Nửa tháng ni ít nhiều chi ngày mô cũng có, không phải lo lấy chi đóng tiền học cho mấy đứa nhỏ nữa rồi!”, người phụ nữ tên Gái, tầm 45 tuổi, ngồi day mặt ra biển ngóng chồng trở về, nói với mọi người.
Loay hoay đưa chiếc thuyền thúng lên bãi cát, ông Nguyễn Văn Hiền (50 tuổi) chỉ tay vào hai thúng ruốc trong thuyền, cất giọng oang oang: “Ngày ni hai cha con tui đi được 4 chuyến. Tính ra, trừ chi phí dầu máy, thực phẩm, cũng thu về được khoảng hơn 2 triệu đồng”.
Theo người dân miền biển, mùa ruốc bắt đầu từ độ tháng 11 âm lịch năm trước đến khoảng tháng 3 âm lịch năm sau. Nhưng rộ nhất vẫn là vào độ tháng giêng, tháng 2 khi tiết trời buổi sớm dày sương và se lạnh. Việc cào ruốc diễn ra cả ngày lẫn đêm. Theo kinh nghiệm của ngư dân làm nghề, ban đêm ruốc nổi trên mặt nước, họ chỉ việc điều khiển đuôi thuyền có gắn sẵn lưới xúc theo làn nước có ruốc xuất hiện để xúc ruốc tươi. Tuy nhiên việc cào ruốc đêm mỗi thuyền cần phải có khoảng 4 người khỏe mạnh để thay phiên nhau. Những người xúc ruốc đêm rời bờ biển từ 5 giờ chiều, mang theo thực phẩm ăn đêm, nước uống và dụng cụ xúc, đựng ruốc.

Mẻ lưới cào ruốc ban ngày tại bãi biển Thọ Quang (Đà Nẵng)
Khác với công việc xúc ruốc đêm, các ngư dân đi xúc ruốc ngày chỉ cần từ 2 người là có thể vươn khơi. Tuy nhiên, ruốc ban ngày không nổi trên mặt nước mà lại đi chìm trong lòng biển sâu hơn 1 mét. Do đó ngư dân phải dùng lưới để kéo ruốc. “Ở phường Thọ Quang và Thọ An (Q.Sơn Trà), hầu như nhà nào cũng có người đi cào ruốc. Đàn ông trai tráng mạnh khỏe thì đảm đương việc cào ruốc, phụ nữ trẻ con thì phụ giúp đưa ruốc lên bờ để bán mỗi khi thuyền cập bến. Ruốc có theo mùa nên ai cũng tranh thủ, kể cả những mẻ lưới thâu đêm, thâu trưa”, anh Phạm Công Vinh, một ngư dân ở phường Thọ An có thâm niên hơn chục năm làm công việc cào ruốc, chia sẻ.
Thu nhập ổn định

Chuyến cào ruốc đêm bắt đầu từ lúc 5 giờ chiều
Nghề cào ruốc biển chỉ theo mùa vụ nhưng lại có thu nhập tương đối ổn định với người dân miền biển bãi ngang. Vừa tất bật chuẩn bị ngư cụ cào ruốc đêm, anh Phan Văn Đi ở phường Thọ Quang, cho biết: “Với thời giá hiện tại, từ 15 đến 17 ngàn đồng/kg ruốc tươi, mỗi đêm vươn khơi, sáng mai mỗi người bình quân thu về tầm 300 đến 500 ngàn đồng sau khi trừ chi phí dầu máy, ăn uống. Tính ra, thu nhập không cao nhưng rất ổn định đối với ngư dân nghèo, không có thuyền lớn để đi các ngư trường xa đánh bắt cá”.
Mùa ruốc chính vụ, trên bãi biển Thọ Quang, dọc mé đường Hoàng Sa, nhiều ngư dân không bán ruốc tươi, họ khiêng ruốc lên bờ, trải dài những cuộn lưới xanh để phơi ruốc. “Nhà nào không kẹt cái ăn thì ít khi bán ruốc. Họ phơi ruốc khô đợi mùa đông tới mới đem ra bán. Lúc đó mỗi cân ruốc khô có giá 50 ngàn đồng. Đó cũng là cách để người dân miền biển tích trữ lương thực cho cả gia đình trong những ngày biển động, không thể vươn khơi”, bà Nguyễn Thị Hoa (65 tuổi) nói khi cặm cụi rải từng nắm ruốc tươi xuống tấm lưới xanh trải sẵn bên vệ đường.
Hoàng hôn xòa xuống bãi biển, anh Phan Văn Đi cùng với hàng chục ngư dân ở đây tất bật xách những thùng dầu 50 lít bỏ lên chiếc thuyền thúng rồi vội vã chèo ra chỗ neo thuyền lớn. Khéo léo đưa tay chèo lách những con sóng lớn đập liên hồi vào bờ, giọng anh Đi bạt ngược làn gió biển: “Tùy vào thời tiết trên biển mà ruốc vào sớm hay muộn, có năm đến tháng 12 mới bắt đầu bước vào mùa. Năm nay ruốc đến mùa sớm lại được giá. Những ngày sau Tết, từ mùng 6 trở đi lượng ruốc thu được rất khá. Chừng nửa tháng nay, ngày nào tui cũng có lãi từ ruốc, chưa lỗ ngày nào”.
Nụ cười của các ngư dân cùng những cái vẫy tay chào tạm biệt vợ con, hẹn sáng sớm mai gặp lại vang trong tiếng sóng biển rì rào, đầy hi vọng. Biển như một cái kho chung chia đều sản vật cho con người. Nghề cào ruốc nhỏ nhoi giúp những gia đình ngư dân ven biển bãi ngang này vượt qua cái đận tháng giêng, tháng hai ngặt nghèo, không ai đứt bữa, không đứa trẻ nào thất học giữa chừng!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
 
“Khác với các loại hải sản khác, con ruốc cứ vào thời điểm này là từ ngoài khơi theo sóng biển trôi dạt vào gần bờ. Ngư dân bọn tui chỉ cần đi xa bờ khoảng 300 mét là có ruốc…”, ông Nguyễn Văn Hiền cho biết. 
 

Bình luận (0)