Cai nghiện ma túy không đơn thuần chỉ cắt cơn, giải độc mà phải tuân thủ chặt chẽ những điều kiện về sức khỏe, tâm lý, hoàn cảnh của người bệnh thì mới có hiệu quả và tránh được những tác hại khó lường do độc tính của thuốc gây ra. Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình do thiếu hiểu biết, tự ý sử dụng bừa bãi thuốc cắt cơn, chống tái nghiện dẫn đến việc tiền mất tật vẫn mang.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa với học viên phân xưởng mộc – đồ gỗ mỹ nghệ.
|
Càng cai càng nghiện
Sau khi gói ghém hành lý chuẩn bị đưa con ra Hà Nội để vào trung tâm cai nghiện, ông Tùng buồn bã cho biết: “Nhà có thằng con trai một, nên được nuông chiều từ nhỏ. Lớn lên càng hư hỏng, không chịu học hành, chỉ lo đua đòi với đám bạn xấu rồi nghiện ngập”. Khi biết sự tình, vì e ngại họ hàng, làng xóm biết nên thay vì đem con đi cai nghiện ở trung tâm, ông Tùng mời một lương y khá có tiếng ở địa phương đến nhà cai nghiện cho con.
Kết quả, sau một thời gian, con ông Tùng không còn sử dụng ma túy nhưng lại chuyển sang nghiện thuốc cai nghiện. Thậm chí, do nhu cầu sử dụng thuốc “ngậm” ngày càng cao nên nhiều lúc “đói thuốc”, con ông Tùng lại giấu gia đình pha thuốc ngậm với nước cất để chích như chích ma túy cho đủ độ phê. “Tưởng họ cắt cơn, cai nghiện cho con mình bằng thuốc đặc trị, ai ngờ họ dùng thuốc ngậm Subutex”, ông Tùng cay đắng nói.
Không muốn ồn ào và giữ tiếng cho con nên gia đình phải “ngậm đắng nuốt cay” tạm biệt lương y này để tìm thầy khác. Không ngờ trong quá trình chống tái nghiện với thầy thuốc mới con ông Tùng lại lén lút “chơi” ma túy. Hậu quả, thuốc chống tái nghiện Naltrexone khi gặp phải ma túy đã gây ra hội chứng cai “vật” cho con ông Tùng một trận thừa chết thiếu sống. May mà gia đình ông Tùng kịp thời đưa con vào bệnh viện cấp cứu. Cuối cùng ông Tùng chọn cách đưa con ra Hà Nội, vào một trung tâm cai nghiện.
Anh Nguyễn Việt Cường (ở Nghệ An) có người em nghiện heroin, nghe giới thiệu có ba loại thuốc cai nghiện là: Methadone, Buprenorphine, Naltrexone, nên anh Cường đi tìm mua. Không ngờ bị người khác lừa bán cho thuốc giả với giá cắt cổ: 10 triệu đồng một hộp Naltrexone 28 viên. “Kết quả uống hết thuốc em tôi vẫn không cai nghiện được, mà còn nghiện nặng hơn làm tôi lẫn gia đình, họ hàng luôn phải lo lắng, xót xa và đớn đau vô cùng”, anh Cường tâm sự.
Cần tuân thủ các phương pháp khoa học
* Hiện nay ở TPHCM, nhiều điểm cai nghiện bằng Methadone đã được đưa vào thí điểm. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều người vừa sử dụng Methadone vừa thỉnh thoảng dùng ma túy. Theo nhân viên một cơ sở điều trị Methadone ở TPHCM, trong thời gian qua, trung tâm đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp tái sử dụng ma túy. Ước tính có khoảng 15% đối tượng cai nghiện thỉnh thoảng “nhảy dù” để thỏa mãn cơn thèm ma túy. Theo kết quả khảo sát của một bác sĩ khác chuyên khoa về cai nghiện cũng cho thấy có tới 75% người sử dụng Methadone vẫn sử dụng ma túy.
|
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa TPHCM thừa nhận, trong lĩnh vực cai nghiện có nhiều bác sĩ rất có lương tâm, nhưng cũng không ít người lợi dụng nghề để làm bậy.
“Cắt cơn, giải độc” không phải qua quy trình điều trị thực sự đối với cai nghiện ma túy, đó chỉ là khởi đầu cho một quá trình cai nghiện lâu dài, liên tục. Thế nhưng, hiện nay nhiều nơi vẫn mập mờ việc cai nghiện với cắt cơn.
Ngoài ra, việc dùng thuốc cai nghiện, chống tái nghiện chủ yếu để hỗ trợ người nghiện trong việc giảm thiểu phản ứng của hội chứng cai, giảm triệu chứng thèm ma túy. Vì vậy, điều kiện để cai nghiện thành công là phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của người nghiện.
Phương pháp điều trị cai nghiện ma túy ngoài việc uống Naltrexone để “quên” ma túy, còn cần giải quyết vấn đề xuống cấp rối loạn nhận thức, những mâu thuẫn nội tâm, phục hồi tổn thương não bộ cho người bệnh bằng liệu pháp tâm lý trị liệu, liệu pháp tâm lý – xã hội, thể dục thể thao và cách ly môi trường ma túy, cải thiện về thể trạng… thì mới thành công. Còn nếu cứ cắt cơn thì việc tái nghiện là điều không tránh khỏi.
Phải tạo sức đề kháng cho người nghiện
Mở rộng vấn đề, bác sĩ Duy cho biết, cai nghiện ma túy còn đòi hỏi tính khoa học. Trong khi đó, việc cai nghiện tại gia, cai nghiện trong cộng đồng của chúng ta vẫn còn thiên về tình cảm hơn là lý tính, khoa học. Cán bộ tư vấn phần lớn chỉ có tấm lòng, tình thương nhưng không có chuyên môn nghiệp vụ về tâm sinh lý của người nghiện, nên khó tư vấn đúng. Nếu muốn giúp người nghiện từ bỏ, lánh xa ma túy, chúng ta phải giúp họ ổn định về tâm sinh lý, môi trường lành mạnh để góp phần giảm thiểu nguy cơ tái nghiện, cũng như tạo cho người nghiện có được sức đề kháng trước những cám dỗ khó từ bỏ của ma túy. Có làm như vậy hiệu quả mới cao hơn.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TPHCM), nhiều phụ huynh muốn tìm mua thuốc giúp con em cai nghiện ma túy tại nhà. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chỉ có 2 loại thuốc được cho phép dùng để cai nghiện ma túy là Methadone và Naltrexone. Cần lưu ý là thuốc được chấp nhận dùng trong cai nghiện hiện nay phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi sử dụng, chứ không thể tự ý sử dụng. Bởi một số loại thuốc cai nghiện thực chất cũng bắt nguồn từ ma túy (Methadone) và cũng có các tác dụng phụ, nếu dùng sai có thể gây tai biến nguy hiểm.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức cảnh báo không nên sử dụng những loại thuốc cắt cơn, chóng tái nghiện theo kiểu hàng xách tay vì những loại thuốc này chất lượng thế nào không ai dám đảm bảo, khi sử dụng có thể gây nguy hiểm cho người dùng.
Theo Tiến Đạt
(sggp)
Bình luận (0)