Lo ngại dịch cúm, bữa ăn của học sinh đã “vắng bóng” trứng và thịt gia cầm
|
Tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở nước ta cũng như cúm A/H7N9 ở Trung Quốc có chiều hướng giảm. Song, rất nhiều người dân vẫn còn lo ngại, không dám ăn thịt và trứng gia cầm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến những người chăn nuôi mà cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng…
Người tiêu dùng ngó lơ thịt và trứng gia cầm
Chiều 19-3, tại siêu thị Big C Miền Đông, chị Vân (P.10, Q.3, TP.HCM) cứ cầm hết bịch thịt gà này lên rồi lại cầm tới bịch khác. Lựa một hồi rồi chị bỏ đi mà không lấy bịch nào. Chị nói: “Tuy là sản phẩm có dấu kiểm dịch, có xuất xứ rõ ràng nhưng dịch cúm gia cầm đang xảy ra nên tôi thấy không an tâm. Hơn một tháng nay, gia đình tôi không ăn thịt và trứng gia cầm. Trong khi trước đây, trung bình mỗi tuần chúng tôi ăn thịt gà 1 lần, ăn trứng 2-3 lần. Ngoài ra, tôi còn cho các con đi ăn gà rán ở ngoài”.
Đây cũng là tình hình chung của các siêu thị và chợ. Bà Nhân – tiểu thương kinh doanh sản phẩm gia cầm ở chợ Tân Mỹ (Q.7) cho biết: “Gần một tháng nay, hàng bán chậm lắm, rất ít người hỏi mua. Trước đây, mỗi ngày bán vài chục vỉ trứng (10 quả/vỉ), có người mua 4-5 vỉ, nay mặc dù giá trứng đã giảm 3-5 ngàn đồng/vỉ (trứng gà còn 17-18 ngàn đồng/vỉ, trứng vịt 23-24 ngàn đồng/vỉ) nhưng ngày cao điểm cũng chỉ bán được 6-7 vỉ, còn bình thường thì khách hàng mua lẻ 2-3 quả”.
Sản phẩm gia cầm tươi sống ế ẩm đã đành, sản phẩm gia cầm đã được chế biến cũng không thoát khỏi tình cảnh này. Anh Trường – chủ một tiệm bán gà nướng lu trên đường Nguyễn Thị Thập, gần chợ Tân Mỹ (Q.7) tâm tư: “3 tuần nay tôi đã phải dẹp tiệm vì không có ai mua. Ngày nào cả nhà cũng phải ăn gà nướng tới phát ngán…”.
Không chỉ người dân “né” thịt và trứng gia cầm mà nhiều trường học có bán trú cũng dè dặt khi đưa loại thực phẩm này vào thực đơn của học sinh. Cô Lê Thị Bạch Tuyết – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương, Q.5 cho biết: “Thực đơn của trường được lên theo tháng, trong thực đơn có đủ các món thịt, cá, trứng, tôm, đậu… Tuy nhiên, dạo gần đây, chúng tôi tăng cường món cá, giảm thịt và trứng gia cầm. Mặc dù nhà trường đặt mua thực phẩm của các công ty có uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng chúng tôi cũng hơi ngại khi cho học sinh ăn những loại thực phẩm liên quan đến gia cầm”.
Còn tại Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3, Q.11. Trước đây, mỗi buổi chiều thứ sáu hàng tuần, trong bữa ăn xế nhà trường đều cho các cháu ăn trứng gà luộc. Song, “Nay món trứng gà luộc đã được chuyển thành sữa hộp hoặc bánh”, cô Nguyễn Thị Tám – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Nấu chín sẽ an toàn
Có lẽ ít người tiêu dùng nào biết được việc hạn chế, thậm chí là “nói không” với thịt và trứng gia cầm sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi, theo ThS.BS Đào Thị Phi Yến – Chủ nhiệm bộ môn dinh dưỡng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì: “Trứng là món ăn bổ dưỡng cho cơ thể, mỗi tuần nên ăn 4 quả”.
Trong trứng gà có một lượng lớn vitamin A, D, E, B1, B6, B12… Ngoài ra, còn phải kể đến canxi, magiê, sắt và kẽm. Nguồn protein trong trứng rất dồi dào và các loại axít rất cần thiết cho hệ miễn dịch. Riêng lòng trắng trứng có tác dụng chống lão hóa, tăng cường lực và độ dẻo dai cho cơ bắp. Trong lòng đỏ trứng rất giàu acetylcholine, chất dẫn truyền thần kinh quan trọng tham gia vào nhiều chức năng của não bộ. Vì vậy, ăn trứng giúp tăng cường trí nhớ, rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ, nhất là sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Còn đối với thịt, chất béo trong thịt gia cầm tốt hơn trong thịt khác. Khoảng 50% chất béo trong thịt gia cầm là chất béo không bão hòa một nối đôi rất tốt cho sức khỏe. Thịt gia cầm cũng chỉ chứa 1/3 lượng chất béo bão hòa – chất béo không có lợi cho sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, thịt gia cầm không chứa chất béo trans (có nhiều trong các thịt màu đỏ, đặc biệt là thịt bò, thịt cừu), đây là chất béo được khuyến cáo không tốt cho sức khỏe. Các nghiên cứu cũng cho thấy, thịt gia cầm là nguồn cung cấp axít béo không bão hòa đa nối đôi thiết yếu, trong đó đặc biệt là axít béo omega 3 (giúp phòng chống các bệnh tim mạch) mà các thịt khác không có.
Nguyên nhân chính dẫn đến nhiều người “tẩy chay” thịt và trứng gia cầm là sợ nhiễm cúm. Tuy nhiên, BS. Lê Xuân Thủy – Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: “Do các virus cúm không hoạt động được trong điều kiện nhiệt độ sử dụng để nấu ăn (700C trở lên) nên các sản phẩm từ thịt và trứng gia cầm vẫn có thể được sử dụng an toàn nếu đã xử lý đúng cách trong quy trình chế biến thực phẩm và nấu chín kỹ”.
Cũng theo BS. Thủy thì: Trong quá trình chế biến thịt và trứng gia cầm, người dân nên để thịt và trứng sống cách xa các thức ăn đã nấu chín để tránh lây nhiễm. Sau khi chế biến thịt sống, phải rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước. Rửa và khử trùng tất cả các bề mặt và đồ dùng đã tiếp xúc với thịt sống. “Đối với những nơi bùng phát dịch, nên hạn chế việc tiêu thụ các sản phẩm thịt sống hoặc sơ chế và trứng gia cầm. Các con gia cầm ốm, chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân đều không nên ăn…”, BS. Thủy nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Báo cáo của Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 8 cơ sở chăn nuôi gà, 4 cơ sở nuôi bồ câu và 1 cơ sở nuôi vịt tập trung tại Củ Chi (11 cơ sở), Hóc Môn (1 cơ sở) và Bình Chánh (1 cơ sở), với tổng cộng 200.264 con (gồm 172.307 con gà, 16.987 con bồ câu và 10.970 con vịt). Tình hình dịch tễ bình thường. Về tình hình kinh doanh bày bán gia cầm sống trái phép đã giảm đáng kể. Cụ thể, đoàn kiểm tra thực tế trên địa bàn huyện Nhà Bè không phát hiện việc kinh doanh gia cầm sống, sản phẩm gia cầm trái phép; kiểm tra chợ Phú Xuân ghi nhận việc nhập sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng và không phát hiện kinh doanh gia cầm sống. Tuy nhiên một số khu vực vẫn còn tình trạng lén lút kinh doanh gia cầm sống và trứng. Điển hình, ngày 17-3, đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại địa điểm số 87/125 Nguyễn Sỹ Sách, P.15, Q.Tân Bình phát hiện 23.000 quả trứng vịt lộn, 1.600 quả vịt lạt, 500 quả trứng cút. Lô hàng không có giấy chứng nhận kinh doanh, không rõ nguồn gốc.
K.A
|
Bình luận (0)