Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cẩn trọng với các chiêu lừa chạy việc

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những quyết định được đối tượng Trung làm giả nhằm lừa gạt người xin việc

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều sinh viên (SV) ra trường do cả tin đã bị lừa chạy việc vào làm nhân viên ở Bệnh viện huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Vụ việc đã được cơ quan chức năng sớm ngăn chặn. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là người cần việc – là những trí thức trẻ – thì quá “ngây thơ” khi cầm bản photo tờ quyết định giả đến nộp ở cơ quan Nhà nước để nhận việc! 
Ngày 28-6, Thiếu tá Ngô Văn Công, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an Đà Nẵng) cho biết, đơn vị vừa phát hiện và xử lý đường dây có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức để nhận tiền “cò” xin việc vào Bệnh viện Hòa Vang, trong đó có đến hai người trong đường dây “cò” này hiện đang là công nhân viên của cơ quan Nhà nước.
Vụ việc bị phát hiện khi 3 SV ở trên địa bàn huyện Hòa Vang, tốt nghiệp các chuyên ngành thuộc về y tế đưa hồ sơ, quyết định đến nộp tại bệnh viện huyện để chờ tiếp nhận vào làm việc. Nhưng khi nhận hồ sơ thì đơn vị này ngờ ngợ bởi quyết định không có dấu đỏ, chữ ký như quy định mà chỉ một bản photo. Vụ việc được báo cáo lên Sở Y tế thành phố. Và ngay sau đó, Sở Y tế Đà Nẵng đã có văn bản gửi Công an Đà Nẵng xác minh làm rõ sự việc. Sau khoảng 1 tháng tiến hành điều tra làm rõ, vụ việc đã được hoàn tất và đang xem xét hình thức xử phạt hợp lý, nghiêm minh.
Lòng vòng với “cò” chạy việc
Năm 2013, thông qua các mối quan hệ của mình, ông Tr.V.K (SN 1959, quê quán tỉnh Quảng Bình, trú tại Q.Hải Châu, Đà Nẵng) nhờ Trần Thế Dũng (SN 1973, trú đường Mỹ An 7, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) xin việc cho con gái ông K. là chị Trần Thị H. (SN 1992). Sau khi bắt mối được người cần việc, Dũng đã móc nối với Nguyễn Thị Thảo (SN 1984, trú Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), hiện là nhân viên một công ty cổ phần, để xin việc cho H. Sau đó, Thảo tìm gặp Ngô Đăng Quảng (SN 1967, trú Hòa Minh, Liên Chiểu), hiện là lái xe cho một công ty cổ phần khác bàn bạc kiếm chỗ làm cho chị H. để kiếm tiền hoa hồng. Cuộc gặp này, Thảo và Quảng đã đồng ý với nhau rồi ra giá một chân làm ở Bệnh viện Hòa Vang cho chị H. là 90 triệu đồng. Sau thống nhất này, Thảo về gặp Dũng để ra lại một cái giá khác là 100 triệu đồng nhằm ăn chênh lệch. “Đường chạy việc” được ba người trên vẽ ra và ông K. (cha của chị H.) đồng ý chi tiền chạy việc cho con. Số tiền này ông K. đã đưa cho Dũng.
Khi nhận được tiền của ông K., Dũng giao cho Thảo 53 triệu đồng và thỏa thuận nếu không xin được việc cho H. thì Thảo phải trả lại 60 triệu đồng. Thảo nhận tiền và đưa lại cho Quảng 30 triệu đồng, còn lại 23 triệu đồng Thảo dùng để tiêu xài. Đường dây chưa dừng lại ở đây, mà Quảng đã cầm số tiền 30 triệu đồng trên đi tìm hai đối tượng khác là Lê Diễn Thuyết (SN 1982, trú Hòa Phát, Cẩm Lệ) và Trần Quang Trung (SN 1965, trú Thạch Thang, Hải Châu), hiện là cán bộ một công ty tại Thanh Khê để tiếp tục xin việc cho H.
Một vụ khác cũng tương tự, liên quan đến hai đối tượng Thuyết và Trung, đó là chị Ng.T.D (SN 1991, quê tỉnh Ninh Bình, tạm trú An Khê, Thanh Khê, Đà Nẵng) đã dựa vào mối quan hệ của anh trai và nhờ anh trai gặp đối tượng Nguyễn Văn A. (SN 1972, trú An Hải Bắc, Sơn Trà), đang công tác tại một cơ quan Nhà nước, để nhờ xin việc cho D. và D. lại tìm gặp hai đối tượng Thuyết và Trung để nhờ xin việc. Trong thời gian này, hai đối tượng này cũng nhận lời xin việc cho chị L.T.X.N (SN 1991, quê ở Phú Ninh, Quảng Nam) vào Bệnh viện Hòa Vang.
Coi chừng tiền mất nợ mang
Sau khi nhận được văn bản đề nghị của Sở Y tế Đà Nẵng, Công an Đà Nẵng đã vào cuộc điều tra vụ việc. Hay tin này thì Dũng, Thảo và Quảng đã hoàn trả đầy đủ số tiền 100 triệu đồng lại cho ông K. (ở Lệ Thủy, Quảng Bình). Tại cơ quan công an, Dũng, Thảo và Quảng đều khai đã nhận tiền để xin việc cho chị Trần Thị H.
Còn đối với trường hợp nhờ chạy việc của D. và N., Thuyết, Trung và các cá nhân liên quan khai do có quan hệ từ trước nên nhận giúp xin việc, hoàn toàn không có thỏa thuận liên quan đến tiền bạc. Thuyết và Trung khai nhận, trong quá trình nhận hồ sơ xin việc cho D. và N. đã vài lần ăn nhậu cùng người nhà của hai người này, họ thỏa thuận với nhau theo kiểu tự hiểu chứ không hề có văn bản cam kết nào, rằng nếu xin được việc thì bên nhờ xin việc sẽ chi cho bên chạy việc một số hoa hồng, không đưa ra con số cụ thể là bao nhiêu.
Theo khai nhận của Trung, sau khi nhận lời xin việc cho các người trên, Trung đã làm giả ba quyết định về việc xét tuyển họ vào làm việc hợp đồng dài hạn tại Bệnh viện Hòa Vang. Trung còn bút phê vào phía sau các tờ quyết định này. Rồi gấp chữ ký và con dấu photocopy của các văn bản để dán vào ba bản photocopy được Trung làm giả và đưa cho ba người trên.
Căn cứ vụ việc, cơ quan điều tra đã xác định những hành vi sai phạm của các đối tượng. Trần Quang Trung có dấu hiệu vi phạm làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, việc làm giả này có mục đích, động cơ vụ lợi dù không đưa ra định mức số tiền là bao nhiêu. Còn Lê Diễn Thuyết giữ vai trò là người môi giới, làm trung gian giữa các đối tượng với Trung. Nhưng Thuyết không hỗ trợ Trung trong việc làm giả quyết định cũng như nhận tiền nên không đủ cơ sở để xử lý vi phạm đối với Lê Diễn Thuyết. Các đối tượng còn lại là Trần Thế Dũng, Nguyễn Thị Thảo, Ngô Đăng Quảng đã có hành vi môi giới, nhận 100 triệu đồng của ông K. có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, các đối tượng này chỉ giữ vai trò môi giới, tin tưởng vào khả năng chạy xin việc của Trung nên thực hiện hành vi vi phạm. Quá trình làm việc tại cơ quan điều tra, các đối tượng thành thật khai báo và khắc phục hậu quả bằng cách trả lại đầy đủ số tiền cho gia đình ông K. nên không đủ cơ sở để xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Về cơ bản các hành vi của những đối tượng trong đường dây này chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, do đó chưa đến mức xử lý hình sự. Cơ quan điều tra đã hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật để đủ sức răn đe, giáo dục yêu cầu các đương sự cam kết không tái phạm đồng thời chính thức có văn bản thông báo cho tổ chức nơi các đối tượng đang làm việc để có hình thức xử lý phù hợp”, Thiếu tá Ngô Văn Công nói.
Việc các SV trên bị lừa chạy việc dù chưa mất tài sản nhưng đó là bài học cảnh báo đối với nhiều bậc phụ huynh có con em vừa ra trường muốn tìm “đường tắt” để con em mình có được việc làm ổn định. Thiếu tá Ngô Văn Công cũng khuyến cáo: Các bậc phụ huynh cũng như các SV mới ra trường cần việc làm thì nên tìm hiểu những nơi tuyển dụng có uy tín, nơi có nhu cầu tuyển dụng thực sự để đến nộp hồ sơ thi tuyển vào. Không nên tin tưởng vào các “cò” chạy việc để tiền mất, nợ mang, nhất là đối với những gia đình khó khăn về kinh tế thì việc bị lừa hàng trăm triệu đồng là một tài sản không hề nhỏ, hậu quả khó lường.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)