Nếu Bộ GD-ĐT làm được theo kiểu “xắt ra miếng” thì chắc chắn Quốc hội sẽ đồng ý. Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) của Bộ GD-ĐT. Nhất là nội dung liên quan đến vấn đề tài chính cho đề án.
Trước đó, bộ cho biết đề án cần 34.000 tỷ đồng nhưng trong tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới nhất vừa qua thì con số được Bộ GD-ĐT đề xuất là 800 tỷ đồng. Nói về con số này, PGS. Nguyễn Vũ Lương cho rằng:
Trong lúc trình lên, Bộ GD-ĐT không nói rõ phải làm những gì. Tiền cho đề án là tiền thuế của nhân dân. 34.000 tỷ đồng mà bộ dự kiến có sơ suất ở chỗ: Để viết SGK không tốn như thế. Nhưng khó nhất là đằng sau việc SGK ấy là con người sử dụng SGK phải thay đổi. Tôi lấy ví dụ, trong toán, tổ hợp được cả thế giới đang làm. Nhưng giáo viên từ thời ngày xưa không được học môn này thì sẽ có giáo viên không dạy. Việc viết SGK không chỉ viết sách không, nhưng mọi người hiện nay nhìn vào thì thấy nhiều tiền quá. Tôi nghĩ đáng lẽ không nên đưa con số đó mà từ từ sử dụng tiền thuế của dân hàng năm theo kiểu “xắt ra miếng” thì Quốc hội sẽ đồng ý ngay. Nếu tính trong lộ trình 10 năm mà 34.000 tỷ đồng thì con số này không phải là nhiều. Còn con số 800 tỷ tôi nghĩ không phải người ta nghi ngờ gì, mà có lẽ người ta sợ quá. Còn tôi, tôi không quan tâm là bao nhiêu tiền. Tất nhiên trong giáo dục, có những cái làm rất rẻ. Ví dụ như nếu cần sự cống hiến của các thầy thì rất nhiều thầy cô không cần tiền, họ sẽ tình nguyện cống hiến.
PV: Ông đánh giá như thế nào về bản lĩnh cũng như tầm nhìn của lãnh đạo Bộ GD-ĐT qua sự việc này?
Đây là câu hỏi khó. Nhưng thông thường, các quyết định như thế không phải là của một người. Thứ hai, theo tôi dự đoán, chúng ta cũng phải thông cảm cho người lãnh đạo. Họ phải cân nhắc nhiều điều. Những người dạy giỏi chưa chắc đã làm quản lý giỏi. Quan điểm của tôi là trong giáo dục, khi đã làm những việc lớn kiểu gì cũng vấp. Bởi vì còn phải cân đối giữa ngành này, ngành kia. Để viết một bộ SGK hay mới là khó. Cái khó nhất khi viết SGK là ảnh hưởng đến tri thức của cả một dân tộc. Những người nói ý đồ thế này, thế kia, đó chỉ là ý kiến của một cá nhân. Tôi không chấp nhận những ý kiến cá nhân. Tôi cực kỳ ghét những người ở đâu về rồi nói giáo dục Việt Nam phải thế này thế kia. Như thế là không tôn trọng những người đang lầm lũi giảng dạy hàng ngày. Những người tự làm SGK phải tôn trọng. Nhưng để có một bộ SGK hay, kể cả tôi, nếu giao trách nhiệm cho tôi, tôi run lắm. Để viết một cuốn sách, với chúng tôi chỉ một tuần. Nhưng SGK là trách nhiệm rất lớn. Cho nên đừng bao giờ nghĩ viết một bộ SGK của Việt Nam lại dùng đến tiền để đo đếm. Cái khó nhất Bộ GD-ĐT phải làm là có một bộ SGK xứng đáng với thế giới. Chúng ta từng có quan điểm, lấy những cái hay của các nước, lắp với truyền thống dân tộc, kinh nghiệm thực tế thì chắc sẽ có SGK hay. Nhưng để hay hơn nữa thì phải có cả triết học, cả tư tưởng giáo dục của Việt Nam, mang hồn của Việt Nam. Để làm được điều này thì cuốn SGK đó là cực khó. Còn tiền thì tôi không bình luận.
Trong tờ trình, Bộ GD-ĐT đưa ra hai phương án viết SGK. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Trước hết, chúng ta phải khẳng định bộ SGK hiện tại của chúng ta có xấu không? Tôi khẳng định không xấu. Chỉ có điều khi đổi mới chúng ta thường sắp xếp lại CT. Sau khi sắp xếp CT xong, chúng ta nên tận dụng những gì tốt đẹp của bộ SGK cũ và thêm những cái hay, cái mới. Đó là cách làm rẻ nhất. Mọi người không phải lo tốn tiền. Tôi được biết người ta đang có hướng viết SGK như các nước giống nước mình. Nước mình đang trong giai đoạn khó khăn vươn lên. SGK phải hợp với người Việt Nam, với mong muốn của gia đình Việt Nam. Tôi thích đi theo con đường của Hàn Quốc và Nhật. Vì ngày xưa họ cũng như mình.
Theo ông, ai có thể viết được SGK?
Viết một cuốn sách đã khó, viết SGK để dạy người khác là cực khó. Cho nên không phải ai cũng viết được. Đầu tiên, các cá nhân phải chứng minh rằng có đầy đủ tư cách để viết cuốn SGK đó. Bộ GD-ĐT phải là người giám sát ai viết. Còn nếu để ai cũng viết thì hóa ra cuộc sống của ta giống cuộc sống ảo trên mạng.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)