Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục biển đảo: Bài 2: Nan giải nguồn kinh phí

Tạp Chí Giáo Dục

Trường TH Số 1 An Vĩnh duy nhất ở huyện Lý Sơn đạt chuẩn quốc gia nhưng không có nhà vệ sinh cho học sinh. Trong ảnh: Thầy Trần Thanh Nhân, Hiệu trưởng nhà trường chỉ vào nhà vệ sinh đã hư hỏng gần 5 năm qua nhưng không có kinh phí để sửa chữa

Bên cạnh những khó khăn mà bậc học mầm non (MN) ở huyện đảo Lý Sơn phải đối mặt như thiếu phòng để học 2 buổi/ngày, không tổ chức được bán trú, thiếu trang thiết bị, đồ dùng dạy học, nơi vui chơi cho trẻ… thì hiện nay, các bậc TH, THCS cũng đang gặp phải những khó khăn khác liên quan trực tiếp đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng trường lớp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia…
20 năm – 1 trường chuẩn quốc gia
Huyện đảo Lý Sơn có 1 trường THPT, 2 trường THCS, 4 trường TH và 3 trường MN. Nhưng duy nhất chỉ có 1 trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1. Đó là Trường TH Số 1 An Vĩnh đạt chuẩn quốc gia từ tháng 1-2014. Thế nhưng, hiện nay trường vẫn còn thiếu 6 phòng học. Gần 650 học sinh phải học trong 19 lớp. Nhà trường phải tận dụng thêm 2 phòng truyền thống và phòng bộ môn mới đáp ứng cho việc giảng dạy và học tập của nhà trường. Biết như vậy là sai với quy định, nhưng trường không còn cách nào khác. Một vấn đề nan giải khác là nhà vệ sinh cho học sinh. Gần 5 năm qua, các em học sinh ở đây không có nơi để đi tiêu, đi tiểu. Bất tiện là vậy, nhưng nhà trường không thể giải quyết nổi khó khăn này, bởi kinh phí không có. Ông Trần Thanh Nhân, Hiệu trưởng nhà trường chỉ vào khu vệ sinh đã hỏng gần 5 năm nay nói: “Không có nhà vệ sinh nên các em tự do tiểu ra xung quanh trường, rất mất vệ sinh. Nhà trường biết vậy nhưng không có cách nào giải quyết vì không có kinh phí. Hơn nữa, trường thiếu 6 phòng học cũng không biết bao giờ được đầu tư xây dựng. Như thế này thì làm sao đảm bảo được trường chuẩn quốc gia”.
Ngoài Trường TH Số 1 An Vĩnh thì các trường còn lại chỉ đạt 3/5 tiêu chuẩn theo quy định của trường chuẩn quốc gia. 2 tiêu chuẩn còn thiếu cơ bản đối với bậc TH ở Lý Sơn hiện nay là tiêu chuẩn 3 và tiêu chuẩn 5. Hai tiêu chuẩn này đòi hỏi các trường phải đảm bảo tiêu chí: Có thư viện đạt chuẩn, khối phòng hành chính quản trị, phòng phục vụ học tập và khu vệ sinh riêng cho cán bộ giáo viên và học sinh, hệ thống nước sạch và hệ thống thoát nước. Nhưng tất cả những điều kể trên đều thiếu.
Đối với bậc THCS, các trường trên địa bàn huyện cũng chưa đạt được 2 tiêu chuẩn 3 và 4 để có thể đạt chuẩn quốc gia. Bởi hiện nay, chất lượng giáo dục vẫn còn thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học và học sinh yếu, kém cao hơn so với quy định, cơ sở vật chất và thiết bị còn nghèo nàn và thiếu thốn, hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập còn nhiều yếu kém.
Nguồn kinh phí eo hẹp
Lý Sơn chịu thiệt thòi về điều kiện phát triển kinh tế cũng như vị trí địa lý xa xôi cách trở, nên rất cần sự hỗ trợ, trợ giúp từ nhiều phía trong việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Chỉ riêng ngành giáo dục của huyện, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất thì chắc chắn không thể thực hiện nổi. Còn đối với UBND huyện, điều này cũng gặp không ít khó khăn, mặc dù trong thời gian qua, huyện đã cố gắng hết mức để đầu tư xây dựng lại nhiều phòng học khang trang cho các điểm trường. Một phần kinh phí không nhỏ ở các ngôi trường này thuộc về các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước.
Hàng năm, thu ngân sách của huyện Lý Sơn cũng chỉ đạt 4-5 tỷ đồng, trong khi đó, vốn ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi cấp cho huyện khoảng 6,5 tỷ đồng. Trong số này, ngành giáo dục được chi 20%, tức chỉ có khoảng 1,2 tỷ đồng hoạt động giáo dục trong một năm. Đây là số tiền rất khiêm tốn để có thể đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp ở Lý Sơn. Đề cập đến nguồn kinh phí ít ỏi này, ông Trần Phúc Sinh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lý Sơn chia sẻ: “Với khoản kinh phí này, một năm tích cực lắm, chúng tôi cũng chỉ xây được vài phòng học thôi. Nhưng đâu có được. Vì hàng năm phải lo kinh phí sửa chữa, khắc phục thường xuyên cho các trường cũng đã hết mất rồi. Do đó không tính được những chuyện lớn”.
Cần sự hỗ trợ …
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT Lý Sơn, bậc học MN, TH và THCS thiếu gần 50 phòng học và các phòng chức năng. Trong đó, Trường MN Lý Sơn thiếu 8 phòng, MN An Vĩnh thiếu 6, TH An Hải thiếu 14, TH Số 1 An Vĩnh thiếu 6, TH Số 2 An Vĩnh cần thay thế 10 phòng học xuống cấp… “Những năm gần đây đã có một số nhà tài trợ giúp ngành giáo dục huyện nhưng vẫn không lấp được những khó khăn”, ông Trần Phúc Sinh cho biết thêm.
Xây dựng một phòng học ở Lý Sơn không những khó khăn mà còn phải chịu chi phí vật liệu đắt đỏ. Cứ xây dựng 1 phòng học ở Lý Sơn bằng 2 phòng học trong đất liền. Ông Phạm Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, xây dựng 8 phòng học MN ở Lý Sơn, sẽ tiêu tốn khoảng gần 7 tỷ đồng. Do đó, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất là vấn đề nan giải đến tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia của Lý Sơn. “Trong hơn 20 năm qua, Lý Sơn cũng chỉ xây dựng được một trường đạt chuẩn, nhưng chỉ đạt chuẩn ở cấp độ 1. Vẫn còn thiếu phòng học, phòng chức năng, thiếu nhà vệ sinh. Cả huyện mà chỉ có một trường đạt chuẩn quốc gia là quá ít. Trong khi huyện đã hình thành 20 năm nay rồi. Tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia như vậy là quá chậm. Hiện nay huyện rất cần vốn để đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia theo nghị quyết của Đảng bộ huyện, nhưng với khả năng và nguồn vốn được phân cấp thì không thể đủ vào đâu hết”, ông Linh ngậm ngùi.
Bài, ảnh: Phước Trung

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)