Thằn lằn núi được các quán ăn làm mồi nhậu bán cho khách tại Tây Ninh
|
6 giờ, trời còn chưa sáng hẳn. Màn sương sớm vẫn đang rơi bảng lảng phủ mịt mù trắng xóa trên dãy núi Bà Đen (Tây Ninh). Mặc cho cái lạnh như cắt da của tiết trời vùng sơn cước lập đông, không ngại ngùng, những đoàn quân săn thằn lằn núi (TLN) vẫn rảo bước trên khắp các mỏm đá, vách núi để truy sát loài động vật quý hiếm này.
Cuộc lùng sục săn bắt này của đoàn quân thợ săn chuyên nghiệp mãi cho đến màn đêm buông xuống thì họ mới chịu ra về. Hòa trong đoàn quân thợ săn chuyên nghiệp này, chúng tôi cũng có một ngày hành trình truy tìm loài TLN. Một loài động vật quý hiếm chỉ sống duy nhất ở vùng núi Bà Đen hiện đang ngày đêm bị tiêu diệt…
Những thợ săn chuyên nghiệp
Sau khi gửi xe xong ở chân núi Bà Đen, Nguyễn Văn Minh (Ninh Sơn, Hòa Thành, Tây Ninh), một thợ săn chuyên nghiệp tháo chiếc cần câu được giấu dưới yên xe rồi tất tả hướng về phía núi. Nhìn qua ngó lại, Minh điểm mặt sáng nay có hơn 15 tay thợ săn chuyên nghiệp đang hòa vào dòng người đổ bộ lên núi để câu TLN. Để tránh bị lộ, Minh kề tai tôi nói nhỏ: “Hổm rày công an ở đây quần dữ lắm. Cẩn thận nếu bị phát hiện thì chẳng những không câu được mà còn bị phạt tiền nữa! Từ đây đến chỗ câu mất gần cả tiếng đồng hồ, nhanh chân lên đi nếu không những thợ săn khác xí hết những chỗ ngon thì mình húp cháo đấy”. Không chỉ cắm đầu leo và thở hổn hển, Minh vừa leo vừa mắt ngó quanh ngó quẩn quan sát xem nơi nào có hốc đá. Cuối cùng Minh cũng tìm được một nơi có gốc sung to hơn sải tay người ôm. Minh khoái chí: “Chỗ này êm rồi. Địa thế này ít nhất hôm nay cũng kiếm được trên 2kg thằn lằn. Chuyến này vừa có tiền mua bia vừa có mồi nhậu”. Mỏm đá dưới chân được Minh gài mồi bằng cách trét những trái sung chín lên thành. Xong đâu vào đấy, Minh ra hiệu cho tôi núp vào một bụi cây rậm gần đó. Quả thật chưa đầy hai phút thì một chú TLN bò ra và Minh nhanh tay giật cái thòng lọng. Chú thằn lằn bị treo lơ lửng cố vùng vẫy để thoát, nhưng rồi nó cũng đành chịu nằm gọn trong bao trước một tay thợ săn chuyên nghiệp. Minh hí hửng giải thích: “TLN khi ăn nó ngẩng đầu lên, người thợ săn trông chờ thời điểm này và bắt chúng”. Minh khẳng định nếu tính sơ sơ hiện nay thì cũng có hơn 30 người chuyên sống bằng nghề bắt TLN. Những người câu thâm niên biết rõ tường tận đường đi nước bước của TLN nên mỗi ngày họ có thể câu được trên 3kg (trên 120 con), với giá hiện nay thì bán được gần 500.000 đồng. Đó là chưa kể hàng trăm người dân khác thường hay lên núi câu về ăn hoặc đãi khách.
Trước những cuộc truy sát chuyên nghiệp, điều này nhanh chóng dẫn đến loài động vật quý hiếm đang ngày một khan hiếm. Bác Nguyễn Văn Thiên, ở Ninh Sơn, Hòa Thành cho biết: “Năm nào ở núi này cũng có người đi săn TLN bị trượt chân té chết, còn gãy tay, gãy chân là chuyện thường ngày ở huyện. Chính quyền địa phương đã ra lệnh cấm tiệt từ mấy năm nay, vậy mà săn thì họ vẫn cứ săn. Cách đây quãng 5 năm, chuyện bắt được con thằn lằn lớn hơn đầu ngón chân cái là chuyện thường. Giờ đỏ mắt cũng không tìm ra được những con bự cỡ đó. Nguy hiểm hơn là những người dùng thùng thiếc, trét mỡ bò, chuối và sung chín xung quanh thùng rồi lùng sục những địa điểm nơi TLN tụ tập đặt ở đó. Nằm “phục kích” chờ đợi. Từng em TNL lớn nhỏ bò ra ăn đều dính bẫy hết”.
Vì là món khoái khẩu và được người dân ở đây chào mời khách phương xa như là món đặc sản của Tây Ninh, điều này càng làm cho loài TLN đang ngày đêm bị tận diệt đến nguy cơ tuyệt chủng. “Người dân ở đây, câu được 1kg TLN là cả gia đình sống được một, hai ngày. Điều này làm sao những tay thợ săn chuyên nghiệp cưỡng lại được chứ”, bác Sáu Thiên thở dài.
Cấm… nhưng bán nhộn nhịp
Tôi muốn mua một ít TLN về Sài Gòn ăn chơi? Cứ đi về hướng Bờ Kênh Tây thì tha hồ mà chọn – một anh xe ôm bảo tôi. Quả thật, tới ngã tư xã Ninh Sơn (ranh giới giữa thị xã Tây Ninh và núi Bà Đen), trước mắt tôi là những dãy hàng quán buôn bán nước và thức ăn san sát nhau, hỏi bất kỳ một quán nào họ cũng đều chào bán TLN. “Có bán TLN không chị?” – tôi hỏi. Chị chủ quán nhìn tôi biết người lạ nên dò xét: “Có. Mua mấy ký?”. “1kg, giá bao nhiêu vậy chị?”. “180.000đ”. Khi tôi đồng ý xem hàng thì chị chủ quán bảo tôi mặt hàng này bị công an, kiểm lâm cấm bán ở đây nên phải giấu đi nơi khác, nhưng số lượng ở chỗ ấy bao nhiêu cũng có cả. Trả lời thắc mắc vì sao phải giấu giếm, chị chủ quán bảo “sợ công an phạt 4-5 triệu đồng nếu bắt quả tang”.
Ngồi đợi vài phút, một thanh niên ở quán chạy xe đi và xách về đúng 1kg TLN đựng trong một chiếc bao nhựa đen. Tôi trả giá 160.000đ, nhưng anh chị chủ quán không chịu. Lấy lí do quá đắt, tôi lắc đầu và phải trả 20.000đ tiền công cho người chủ đi lấy “hàng” về.
Men theo con đường Bờ Kênh Tây dẫn vào chân núi Bà, nhiều quán cơm ở đây đều có ghi những dòng chữ nguệch ngoạc trước quán “ở đây có bán TLN”. Tấp xe vào quán cà phê sân vườn U.T của bà chủ tên Thanh Đào. Sau khi uống ly cà phê đá, hỏi chuyện có bán TLN không, chị chủ quán không chút nghi ngờ: “Anh muốn mua loại 160.000đ/kg hay 180.000đ/kg?”, rồi chị giải thích: “180.000đ thì con lớn hơn, thằn lằn câu; còn 160.000đ/kg là thằn lằn đặt thùng”.
Mặt trời gác núi, theo chân những người thợ săn ra về, đi ngang qua những vách núi lạnh, thi thoảng tôi mới nghe được tiếng chặc lưỡi vang lên từ hốc đá, vách núi. Điều này báo hiệu loài động vật hoang dã TLN bị xóa sổ trên núi Bà Đen là chuyện không còn xa nữa.
|
Rời quán cà phê này hơn 100 mét, tôi vào một quán cơm có nối thông với một quán cà phê sân vườn. Cô chủ quán này cho biết hiện nay đang bắt đầu vào mùa săn TLN nên giá rẻ, nếu bước sang mùa mưa giá 240.000đ/kg cũng không có để bán. Tôi giả vờ: “Buôn bán động vật quý hiếm này không sợ bị công an bắt sao?”. Bà chủ buột miệng: “Công an ngoài thị xã Tây Ninh còn đặt hàng ở đây nữa là khác. Mỗi khi có khách là mấy ổng thường chạy ra đây lấy về đãi!”.
Theo chân cô chủ quán tôi lần ra phía sau vườn, những chuồng rộng nhốt TLN nằm san sát nhau, vén những tấm vải màn lên để cho tôi xem thử, cô Lành (chủ quán) bảo trong chuồng này còn hơn 10kg, còn khoảng 10kg TLN loại lớn hơn tui bỏ ở nhà. Ở đây nhiều quán cạnh tranh nên mỗi ngày chỉ bán được khoảng 5kg. Anh có quen với ai buôn bán quán ăn, nhà hàng ở Sài Gòn giới thiệu lên đây tui để giá rẻ cho!”.
Trước đó, dẫn tôi dạo quanh thị xã Tây Ninh, một đồng nghiệp làm ở Báo Tây Ninh hóm hỉnh bảo tôi, muốn ăn TLN ở thị xã Tây Ninh thì dễ như trở lòng bàn tay. Anh ghé bất kỳ một quán ăn nào dù lớn hay nhỏ cũng đều được chủ quán chào mời ngay. Thậm chí món “TLN chiên giòn chấm mắm me” luôn được làm món “đinh” trong các thực đơn.
Tôi rời quán khi trời xế bóng, lúc này “phố” bán TLN cũng bắt đầu chào đón thực khách viếng thăm núi Bà Đen từ các tỉnh, giờ cũng bắt đầu đổ về các quán để chuẩn bị bữa chiều. Chắc chắn họ khó lòng bỏ qua cơ hội thưởng thức món “đặc sản” TLN mà chỉ Tây Ninh mới có.
Bài, ảnh: Nguyễn Bình
Thằn lằn núi Bà Đen hay thằn lằn ba sọc hoặc thằn lằn vạch (danh pháp khoa học: Cyrtodactylus badenensis), là một loài bò sát thuộc họ Tắc kè (Gekkonidae), được các tác giả Nguyễn Ngọc Sang, Nikolai L. Orlov và Ilya S. Darevsky mô tả năm 2006. Loài này được phát hiện ở núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Thằn lằn núi Bà Đen có những vạch trắng ở lưng và đuôi, đầu vàng nâu và sống ở vách đá. Hiện tại, C. badenensis được phân biệt với các loài thằn lằn khác ở Đông Dương bằng tổ hợp các đặc trưng sau: các vảy ở đùi lớn và không có lỗ chân lông ở đùi; 8 – 10 vảy môi dưới, 10 – 13 vảy môi trên, 2 vảy liên mũi; 25 – 28 hàng vảy ngang qua phần bụng ở đoạn giữa của thân; 18 – 22 phiến mỏng dưới ngón ở ngón thứ tư của chi sau. |
Bình luận (0)