Tòa soạnThư đi – tin lại

Bi kịch người ở lại

Tạp Chí Giáo Dục

 

“Cứ đến Khoa Phỏng, Bệnh viện Nhi đồng 1! Anh ấy tầm 30 tuổi, người lam lũ, khắc khổ…” là lời căn dặn của một người bạn khi biết tôi có ý định đến thăm anh. Và, sự khắc khổ ấy có lẽ toát ra không phải vì cả cuộc đời bươn chải, chống chọi cái nghèo mà vì những bi kịch đau lòng liên tiếp xảy đến với anh, “vận” vào gia đình anh như có sắp đặt.
Anh là Võ Văn Hận. Bi kịch với anh bắt đầu từ những ngày cha anh bỏ rơi mẹ con anh ra đi biền biệt. Bơ vơ, khốn khổ không biết làm gì để sống, mẹ anh – bà Đào Thị Thiết đón nhận sự giúp đỡ từ một người đàn bà khác tên Đông – người có tướng mạo thô kệch với lối sống, sinh hoạt giống như một người đàn ông. Chấp nhận sống với nhau như “vợ chồng”, nhưng không chịu nổi lời dị nghị, hai người phụ nữ đưa nhau về Mộc Hóa, Long An sinh sống, mưu sinh bằng công việc làm mướn, làm thuê.
Cuộc sống dù chạy ăn từng bữa nhưng khá hạnh phúc, người ta cũng không còn khắc nghiệt với mối tình lệch lạc của hai người đàn bà. Cho đến thời gian gần đây, bỗng dưng bà Đông thay đổi, có vẻ lơ là và không còn mặn nồng, thương yêu gia đình như ngày trước. Hôm 30-4, bà Đông bỏ đi chơi xa đến chiều ngày 1-5 mới về. Vì ghen tuông, cho rằng mình đã không còn được yêu thương, bà Thiết nảy ý định giết “chồng” rồi tự vẫn.
Bất chấp tính mạng của con dâu và cháu nội đang ngủ trong nhà, rạng sáng ngày 2-5, bà Thiết tưới xăng, châm lửa đốt. Ngọn lửa nhanh chóng thiêu rụi toàn bộ căn nhà. Bà Đông chết ngay sau đó, còn chị Út và bé Võ Minh Trí (5 tuổi) – là vợ con anh Hận bị phỏng nặng, hiện được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Nhi đồng 1. Sau khi đốt nhà, bà Thiết cũng tự vẫn bằng thuốc trừ sâu theo “chồng”…
Khi tôi đến thăm, anh Hận đang ăn dở bữa cơm chiều, chỉ có cơm và nước mắm. Nhiều người nói bữa ăn của anh chỉ có thế, ngày một bữa. Là trụ cột chính với công việc làm thuê làm mướn, “vắt kiệt” sức lực vẫn không kiếm nổi một bữa cơm đàng hoàng cho gia đình. Anh Hận tâm sự: “Tôi được một người thân giới thiệu lên TP.HCM làm việc, những tưởng sẽ bù đắp cho những năm tháng đói khát của gia đình, phụng dưỡng “cha” mẹ. Ai ngờ, mới chỉ làm được 4 ngày thì chuyện xảy ra… Giờ vợ con nằm đây, sức khỏe ngày càng xấu, tôi không biết xoay xở như thế nào!”. Vừa nói anh vừa khóc. Những giọt nước mắt khô khốc chảy dài trên gương mặt rám nắng của anh khiến những người có mặt đứng xem chạnh lòng. Tôi không biết rồi đây anh sẽ phải làm gì để có tiền đóng viện phí, điều trị cho vợ con. Đứa con út của anh, 2 tuổi gửi cho hàng xóm ở quê cũng vừa bị té gãy chân. Họa vô đơn chí, anh nói: “Tôi muốn quỵ ngã, buông xuôi mà thương vợ con quá!”.
Hoàn cảnh gia đình anh Hận đang trong cơn túng quẫn, cơ hàn không sao kể xiết. Đến căn nhà bấy lâu nay ở nhờ, giờ bị cháy nên người ta đã lấy lại, không cho vợ chồng anh ở nữa…
Tiễn tôi ra về, anh Hận nhìn tôi với đôi mắt sâu thẳm, như van lơn: “Tôi muốn níu kéo sự sống cho vợ con, cô ơi! Cơ cực mấy cũng chịu. Cô xem có ai cho tôi làm gì, cô nói giúp giùm nghe cô!”…
T.Dân
* Mọi sự giúp đỡ cho gia đình anh Hận, xin gửi trực tiếp về Ban Công tác xã hội Báo Giáo Dục TP.HCM, 300 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3.

 

Bình luận (0)