DT-HT là nhu cầu có thật, không thể đánh đồng tiêu cực cho tất cả giáo viên
|
Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư 17 quy định về dạy thêm – học thêm (DT-HT) nhằm siết chặt hoạt động này. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế thì chưa nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội.
Những quy định ngoài mong muốn
Tại quy định không được DT nêu rằng, giáo viên (GV) không được DT đối với học sinh (HS) học 2 buổi/ngày; không DT đối với HS tiểu học trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục, rèn luyện kỹ năng sống. Nhiều người lo ngại rằng, thực hiện quy định tại thời điểm này hoàn toàn không phù hợp khi mức lương không đủ lo cho cuộc sống, giá cả vật chất leo thang… Liệu GV sẽ làm gì để đảm bảo cuộc sống?
Ông Trần Mạnh Kha, Phó hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình (Q.5), chia sẻ: “Mong muốn cho con em mình được theo học ở những trường có tiếng về chất lượng và cơ sở vật chất tốt là nhu cầu chính đáng của phụ huynh. Họ đầu tư cho con em đi HT, đi luyện thi là để đạt kết quả cao. Còn với GV, với đồng lương ít ỏi muốn cải thiện cuộc sống khó khăn bằng cách DT thì không có gì là xấu. Nói như vậy để thấy DT-HT là sự tồn tại tất yếu và cũng có mặt tích cực của nó!”. Theo ông Kha, tuy DT-HT có tồn tại tiêu cực, gây nhiều bức xúc cho dư luận xã hội song chỉ là một bộ phận nhỏ. Vì thế cấm DT-HT như vậy hoàn toàn không thích đáng. Ông Đặng Văn An, Hiệu trưởng Trường TH Đặng Trần Côn (Q.4) cho rằng: “Chúng ta đang đánh đồng tiêu cực DT-HT.Thực ra chẳng phải ai cũng muốn sau một ngày lên lớp mệt nhọc lại cầm giáo án để dạy tiếp. Nếu GV có kinh tế ắt hẳn họ cũng chẳng cần tham gia DT… Phần đông đều xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Đừng đổ lỗi hết cho GV mà cấm đoán việc này”.
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Sở GD-ĐT TP.HCM đang đề xuất giải pháp quản lý DT-HT trên địa bàn TP lên UBND TP và đợi UBND TP ra quyết định để áp dụng. Quy định của UBND TP không thể đi ngược quy định của Bộ GD-ĐT, song Sở GD-ĐT vẫn linh động áp dụng sao cho phù hợp với nhu cầu xã hội.
|
Có thể thấy DT-HT không là vấn đề mới, đã diễn ra từ lâu và mang tính đại trà. Quản lý hiệu quả, bắt tội đúng người đúng việc tạo sự công bằng đến người dạy, người học là điều ai cũng mong muốn. Không khó hiểu khi nhiều ý kiến không đồng tình với quy định trên. Chưa kể, một số ý kiến khác còn cho rằng quy định mới này thể hiện rằng chúng ta đang “quản không được nên cấm”. Cấm như thế vừa gây khó khăn cho nhiều GV lại vừa đóng cửa vào nghề sư phạm của giới trẻ.
“Liệu những HS tốt nghiệp THPT đam mê nghề giáo có lựa chọn con đường giảng dạy khi thấy mức lương chỉ vài triệu đồng, thấy thầy cô mình bươn chải bán rau quả ngoài chợ… Đưa ra quy định chúng ta cần đặt vào nhiều hoàn cảnh khác nhau để mà xem xét”, bà Nguyễn Thị Việt Tú, Phó trưởng phòng GD-ĐT Bình Thạnh, trăn trở. Ngoài ra, để quản lý hiệu quả hơn, hay đúng nghĩa “có cấm thì có mở”, thông tư đã cho phép GV được dạy bên ngoài nhà trường thông qua một tổ chức, đơn vị cá nhân nào đó.
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, băn khoăn: “Nếu xét kỹ, ta sẽ thấy GV đang làm thuê qua một trung gian. Chưa kể, thông tư chỉ đề cập GV trường công, không đề cập GV ngoài công lập, những đối tượng khác. Trong khi đó hoạt động DT-HT diễn ra mọi lúc mọi nơi, mọi đối tượng: GV dạy, người thân, sinh viên đều có thể dạy. Cấm và mở như thế này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các cấp lãnh đạo”.
Nên đưa về nhà trường quản lý
Một điểm dạy thêm tại nhà trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: ANH KHÔI
|
Đến thời điểm này, việc siết chặt tiêu cực trong DT-HT vẫn là bài toán nan giải đối với các cấp lãnh đạo ngành giáo dục. Ông Nguyễn Hoài Chương cho biết: “Thông tư 17 không phải là thông tư đầu tiên quy định về DT-HT. Vấn đề ở đây chúng ta phải hiểu rằng, quản lý DT-HT trong nhà trường không phải là cấm mà là hạn chế tiêu cực đến mức thấp nhất do DT tác động”.
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, giải pháp hữu hiệu là đưa về các trường học quản lý. Trong nhà trường, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của mỗi GV hiệu trưởng đều biết rõ. Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT quận/huyện không thể nắm được GV nào tiêu cực, GV nào tích cực. Theo đó, hiệu trưởng đứng ra định hướng phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng HS, thực hiện thu chi sao cho phù hợp, đúng nhu cầu phụ huynh. Nếu tiêu cực xảy ra thì hiệu trưởng đứng ra giải quyết. Giải pháp này không loại trừ cả trường dân lập.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Văn An cho rằng: “Trường học có cơ sở vật chất đầy đủ, định sẵn, đảm bảo an ninh. GV trong trường nắm được học lực của từng HS mà có biện pháp bồi dưỡng, kèm cặp cụ thể. Nếu HS nào khó khăn thì nhà trường không thu tiền mà tạo điều kiện cho các em được học bồi dưỡng… Làm như thế phụ huynh yên tâm hơn vì con em mình vừa được học đúng GV, đúng chất lượng, giảm thời gian đi lại và thuận tiện công việc đưa đón”.
Ông Đặng Văn An chia sẻ thêm, cho hiệu trưởng quản lý là một biện pháp hay bởi vì: “Liệu một quận/huyện sẽ mở được bao nhiêu trung tâm? Có đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng HS tham gia học không? Chưa kể, HS đông, trình độ không đồng đều, GV liệu có theo sát từng em; đối với HS tiếp thu chậm chắc chắn không đạt hiệu quả cao. Kéo theo đó, trung tâm mở ra, số lượng GV được nhận sẽ hạn chế. Một lần nữa lại tạo ra sự không công bằng cho GV”.
Để công tác quản lý hiệu quả hơn, bà Nguyễn Thị Việt Tú góp ý thêm: “Chúng ta cần phải có quy định rõ ràng việc xử phạt người phạm lỗi và hiệu trưởng phải thực hiện thật nghiêm minh. Đẩy mạnh sự hợp tác giữa phụ huynh – nhà trường – phòng GD-ĐT. GV tiêu cực, o ép HS chỉ có phụ huynh biết. Khi phụ huynh thông báo về trường, trường có trách nhiệm giải quyết. Trường không giải quyết được thì còn phòng GD-ĐT giải quyết. Làm tốt vấn đề này sẽ xóa bỏ thực trạng HS bị đì thế này, thế kia”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“GV vi phạm lần đầu nhà trường có thể nhắc nhở, vi phạm lần hai nhà trường thực hiện kỷ luật theo quy định của ngành. Tôi tin GV có lòng tự trọng, nếu bị khiển trách như vậy sẽ không dám tái phạm nữa”, ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.1, cho biết. |
Bình luận (0)