Tòa soạnThư đi – tin lại

Văn hóa người đi đường

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc sống với bộn bề lo toan đôi khi khiến con người trở nên nóng tính, dễ cáu gắt, thế nhưng, chúng ta cần biết kiểm soát bản thân để có những hành vi đúng mực, hợp văn hóa.
Tối nọ, tôi chở một đồng nghiệp cũ về nhà chơi. Xe chạy đến một ngã tư đông đúc bỗng dưng tôi đứng lại vì không biết xác định phương hướng. Đường phố nhốn nháo trong khi đèn giao thông tắt ngúm tự bao giờ. Không có đèn điều khiển, người đi đường cứ thay nhau vượt lên phía trước. Tôi dừng lại một lúc vì chưa thể luồn qua đám đông để rẽ qua phía bên kia đường. “Em nằm ra đường luôn đi. Nằm ra cho xe nó cán luôn đi em…”, một người đàn ông chở theo vợ và con trai vừa nhìn tôi bằng ánh mắt hằn học vừa la lớn. Tôi chết lặng. Chị bạn an ủi: “Thôi mà em, đó là chuyện thường tình. Bây giờ chẳng có ai quan tâm gì đến cảm xúc người khác đâu”. Đúng, có thể anh ta bực dọc khi bị ngáng đường nhưng sự việc đâu trầm trọng đến nỗi phải chì chiết người khác như vậy? Tôi bị ám ảnh bởi câu nói đó suốt đoạn đường về.
Sáng thứ hai, mọi người bắt đầu quay lại công sở sau những ngày cuối tuần thư giãn thoải mái, và tôi cũng vậy. Đoạn đường từ nhà tôi đến cơ quan không xa lắm nhưng sao đi hoài chẳng thấy đích. Xung quanh toàn người và xe. Dường như lòng đường không đủ diện tích nên rất nhiều người chạy xe lên lề. Rầm… Tôi giật mình nhìn về phía vừa phát ra tiếng động. Trên lề, hai chiếc xe va quẹt vào nhau làm một người ngã nhào về phía trước. Chẳng những không giúp cô gái dựng xe dậy mà người đàn ông trong vụ va quẹt lúc nãy còn bực mình quát: “Đi xe kiểu gì vậy bà nội? Bộ chưa học Luật Giao thông hả?”. Tôi tự hỏi, liệu có điều khoản nào trong luật an toàn giao thông cho phép người tham gia giao thông đi xe trên vỉa hè hay không?
Hai câu chuyện kể trên là điển hình cho rất nhiều trường hợp người tham gia giao thông không kiểm soát được bản thân dẫn đến những hành vi thiếu văn hóa. Đó là chưa kể các vụ va quẹt xe dẫn đến ẩu đả gây thương tích của không ít người. Nhìn những gương mặt “dương dương tự đắc” khi được chửi mắng người khác cho đã cái miệng, tôi không khỏi ngậm ngùi. Tôi buồn bởi người ta không nhận ra những gì mình vừa làm là sai để rồi kịp thời chấn chỉnh. Chẳng lẽ cứ gặp chuyện là chúng ta sẵn sàng chửi bới, nguyền rủa, làm tổn thương người khác hay sao? Có thể những lời nói “chưa lọt tai” đó được phát ra vào lúc một trong hai bên không giữ được bình tĩnh, nhưng nó sẽ là thước đo phẩm chất của mỗi người. Người đi đường sẽ nhìn vào cách cư xử để đánh giá xem bạn là người như thế nào, vì vậy, đừng để những phút nóng giận làm giảm đi giá trị của chúng ta. Trong các trường hợp nêu trên, nếu mỗi người nhường nhau một chút thì đã không có chuyện làm người khác bị tổn thương. Hãy để những người xung quanh không phải ái ngại hay khiếp sợ khi đón nhận lời nói, hành vi của bạn vì chỉ khi xử sự có văn hóa, chúng ta mới được người khác tôn trọng.
Mỹ Dung (TP.HCM)

Bình luận (0)