Vợ chồng thầy Hải – cô Nguyệt tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM |
16 năm dạy chữ, quen với phấn trắng bảng đen, những tưởng suốt cuộc đời này thầy Trương Thanh Hải sẽ gắn bó với sự nghiệp trồng người để trở thành một nhà giáo giỏi. Nhưng không may, căn bệnh u sợi thần kinh quái ác đã lấy đi của thầy tất cả.
Đang giảng dạy môn lịch sử tại Trường THPT Tiểu La, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam thì đùng một cái, thầy mắc chứng bệnh này. Cuộc sống của một thầy giáo nghèo vốn khó khăn nay lại càng chồng chất khó khăn.
Tháng 10-2008, thầy xin nghỉ dạy để đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Nhưng căn bệnh vẫn không buông tha người thầy giáo nghèo. Đến tháng 6-2009, thầy phải đi mổ lần 2. Lúc này vợ thầy (cũng là giáo viên) lại vừa sinh em bé. Đồng lương giáo viên còm cõi của hai vợ chồng không đủ để trang trải chi phí cho cuộc sống thì làm sao có thể giúp thầy chữa bệnh. Không còn cách nào khác, cô Nguyễn Thị Kim Nguyệt (vợ thầy) quyết định dùng sổ lương của hai người thế chấp vay 50 triệu của Ngân hàng NN&PTNT để có tiền chạy chữa cho chồng. Và sau đợt mổ ấy, thầy phải cắn răng xin nghỉ hưu với mức lương chỉ bằng 45% lương thực tế.
Chỉ 5 tháng sau, căn bệnh lại tiếp tục tái phát và lần này có vẻ trầm trọng hơn. Thầy được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán và phát hiện thầy còn bị u tủy ngực D3, D4 và khuyên thầy vào BV Chợ Rẫy TP.HCM để phẫu thuật. Thế nhưng, với đồng lương giáo viên của hai vợ chồng thì khả năng vào Chợ Rẫy chạy chữa là không thể. Thương vợ, thương con, thầy quyết định về nhà nằm mặc cho số phận. Cô Nguyệt không nỡ nhìn chồng đau đớn, vật vã vì bệnh tật nên chạy vạy khắp nơi kiếm tiền đưa chồng đi chữa bệnh. Gửi hai con nhỏ cho hai dì chăm sóc, cô đưa thầy vào Nam. Cầm gần 80 triệu đồng vào Sài Gòn, không họ hàng thân thích, cô tự mình lo toan mọi thứ: “Mình ăn uống có thiếu thốn, cực khổ cũng không sao nhưng anh ấy đang bệnh thì phải đủ chất mới có sức khỏe mà điều trị”, cô Nguyệt tâm sự.
Ước ao quay về đứng trên bục giảng của thầy đã tan biến khi các bác sĩ quyết định cắt bỏ chân phải của thầy. Trong vài ngày tới, thầy sẽ tiếp tục bước vào ca mổ thứ 2 để giải quyết căn bệnh u tủy ngực D3, D4. Nhìn thân xác gầy còm, gương mặt xanh xao và ánh mắt lúc nào cũng đăm đăm lo lắng của thầy, ai cũng thương cảm. “Chưa biết kết quả như thế nào nhưng ngày trở về của vợ chồng tôi dường như là mù mịt. Nếu có đi dạy lại thì lương giáo viên của vợ tôi cũng không đủ để trả tiền lãi chứ đừng nói đến nuôi chồng, nuôi con rồi trả gốc”, giọng thầy đau xót.
Rời căn phòng nơi thầy nằm, tôi thấy buồn cho số phận của người thầy bất hạnh
Bài, ảnh: Công Luận
Bình luận (0)