Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

GS Ngô Bảo Châu: Hạnh phúc là lúc làm một điều gì đó ý nghĩa

Tạp Chí Giáo Dục

Với chủ đề Học như thế nào trong chuỗi sự kiện Cầu nối – Đối thoại hướng đến hòa bình do Quỹ hòa bình quốc tế tổ chức, GS Ngô Bảo Châu đã truyền ngọn lửa đam mê học tập và nghiên cứu tới nhiều học sinh, sinh viên, trong đó có học sinh khiếm thị.
Khi nhà toán học quan tâm đặc biệt đến… văn học
Cũng với phong thái gần gũi, chân tình và thẳng thắn, GS Ngô Bảo Châu đã có buổi giao lưu với gần 200 giáo viên, học sinh, sinh viên (HS-SV) khiếm thị vào chiều 16.3 tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (Q.Tân Bình, TP.HCM).
 
GS Ngô Bảo Châu với sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM – Ảnh: Bạch Dương
Trong 90 phút giao lưu chính thức, GS Châu giải đáp hàng loạt câu hỏi liên quan đến bí quyết học giỏi môn toán, bí quyết gặt hái thành công vang dội khi ông còn ở độ tuổi rất trẻ, trong đó có giải thưởng Fields vốn được ví như giải Nobel toán học… Hơn một lần, GS Ngô Bảo Châu khẳng định: “Tôi không có bí quyết nào cả. Phương pháp của tôi chỉ tóm tắt trong 3 từ: kỷ luật, đam mê và quả cảm”.
Anh Nguyễn Quyết Thắng – cựu SV Khoa Toán, ĐH Sư phạm, hiện là giảng viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM – nêu thắc mắc: “GS đã nhận được rất nhiều giải thưởng. Vậy GS thấy ấn tượng mạnh mẽ nhất là khi nhận được giải thưởng nào?”. GS Châu trả lời: “Với tôi, những lúc hạnh phúc không phải là lúc đoạt giải thưởng, mà là lúc mình làm được một cái gì đó rất có ý nghĩa”.

Tôi không có bí quyết nào cả. Phương pháp của tôi chỉ tóm tắt trong 3 từ: kỷ luật, đam mê và quả cảm.

GS Ngô Bảo Châu

Theo kế hoạch, buổi giao lưu diễn ra từ 15 giờ 30 đến 17 giờ. Khi người dẫn chương trình thông báo thời gian giao lưu đã hết, nhà toán học Ngô Bảo Châu bỗng đề nghị: “Cho tôi xin thêm một phút nữa được không?”. Ông nói: “Tôi muốn đặt câu hỏi: Khi các em “đọc” sách văn học thì có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của mình?”.
Lê Thị Phương Trang – HS lớp 12 Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, đáp: “Sách văn học giúp em học rất nhiều điều, đặc biệt là học cách làm người, cách để vươn lên, không chùn bước trước những trở ngại mà mình nghĩ là không làm được”. Anh Nguyễn Quyết Thắng cho rằng: “Với sách văn học, em có thể tưởng tượng được cây cỏ xanh tươi, con chim hót, bầu trời xanh ngắt… Trí tưởng tượng của mình phong phú hơn nhiều và có thể nhận thức cách suy nghĩ của nhân vật có lý hay không. Từ đó, tìm ra cách sống, cách nhìn đời và thấy tự tin hơn”.
Cuộc đàm đạo “ngoài kịch bản” thú vị về chuyện đọc sách văn học kéo dài gần 20 phút mới kết thúc trong sự tiếc nuối. GS Châu cho biết ông rất xúc động khi giao lưu với những bạn trẻ khiếm thị. Ông nhìn nhận: “Nghị lực của các em là món quà vô giá dành cho những người may mắn sáng mắt như chúng tôi. Tôi thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa”.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên ngay sau buổi giao lưu: “Vì sao ông là nhà toán học mà quan tâm nhiều đến văn học như vậy?”, GS Ngô Bảo Châu giải thích: “Theo tôi, văn học ảnh hưởng bậc nhất đối với tâm hồn con người, giúp người ta thay đổi thế giới quan. Rõ ràng, thế giới quan của những người khiếm thị đối với tôi là một cái gì rất kỳ lạ. Tôi không biết ở đâu, họ có sự tự tin và có nghị lực phi thường như vậy trong hoàn cảnh của họ. Tôi rất quan tâm đến thái độ và sở thích của họ đối với văn học”.
Có niềm đam mê đã khó, nuôi dưỡng còn khó hơn
Hội trường Trường ĐH Mở TP.HCM chiều 15.3 rất đông người dự nhưng hoàn toàn tĩnh lặng khi GS Ngô Bảo Châu bắt đầu nói về cách nuôi dưỡng niềm đam mê. Ông chia sẻ: “Có niềm đam mê đã khó nhưng giữ được niềm đam mê càng khó hơn. Ở mỗi người, sự đam mê hoặc chán nản là những chu kỳ sinh học bình thường. Nhưng nếu chán nản mà buông tay thì thật đáng tiếc vì khi đó rất khó để quay lại với sự đam mê”. Theo GS Châu, để nuôi dưỡng đam mê trước hết phải trung thực với người khác và bản thân mình, phải có tình yêu sự thật, hướng thượng, hướng thiện và luôn tìm tòi cái mới. Đặc biệt, GS Châu nhấn mạnh niềm đam mê cần phải đi liền với tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, cần có tập thể và tổ chức. Quan điểm này của GS Châu ngay lập tức nhận được phản biện của SV Dương Chí Long (Trường ĐH Tân Tạo). SV này đặt vấn đề: “Học tập cần có tập thể để duy trì nỗ lực, điều này có phủ nhận sự phấn đấu nỗ lực của bản thân?”. Thích thú với phản biện này, GS đáp lại: “Tôi đồng ý sự nỗ lực của bản thân là quan trọng nhất với mỗi người. Nhưng bản chất con người là yếu đuối nên cần phải có tập thể, hay chính là tính kỷ luật mới giúp nuôi dưỡng đam mê”.
Kiến thức “sống” sẽ tồn tại bền vững
Dù đã được chia sẻ nhiều lần, nhưng kinh nghiệm học tập của nhà toán học tài ba này vẫn là điều nhiều SV muốn biết. SV Đặng Thảo Trâm (ĐH Mở TP.HCM) quan tâm làm sao để học tập hiệu quả trong thời gian ngắn. GS Châu chia sẻ: “Mỗi khi tiếp xúc với vấn đề mới trong toán học, tôi thường bị choáng ngợp. Khi đó tôi tự nhủ rằng bản chất kiến thức không quá khó. Trong mỗi môn học chỉ có vài khái niệm cơ bản nhất và cái quan trọng là hiểu thấu đáo được vài khái niệm đó. Mỗi người cần học cho mình kỹ năng học tập, làm việc, kỹ năng tư duy, tính toán…”.
Có lẽ ấn tượng nhất với nhiều SV trong buổi trao đổi là ý niệm của GS Châu về kiến thức: “Trong đầu con người có 2 loại kiến thức “sống” và “chết”. Kiến thức “chết” được dùng để học bài, thi cử và ta sẽ nhanh chóng quên đi. Kiến thức “sống” do vật lộn, tìm tòi, sống và trải nghiệm với nó nên sẽ không bao giờ quên. Do vậy, kiến thức nhớ hay quên chỉ đơn thuần là đã thực sự trải nghiệm với nó hay chưa”.
theo TNO

 

Bình luận (0)