Ngày nay, người dân thành phố đã rất quen thuộc với hình ảnh chiếc xe buýt trong cuộc sống thường nhật. Đi học, đi làm, đi chợ, đi ăn uống hay thậm chí đi chơi, người ta cũng sử dụng xe buýt. Có thể nói, loại phương tiện công cộng này mang lại cho người sử dụng rất nhiều tiện ích. Thế nhưng, môi trường “pha tạp” trên những chuyến xe cũng tạo ra khá nhiều chuyện không hay.
Mỗi xe buýt đều dành hai hàng ghế đầu cho bốn loại đối tượng: người khuyết tật, người già, trẻ em và phụ nữ mang thai, thế nhưng không phải ai cũng ý thức được điều này để nhường nhịn hay ưu tiên cho người nào đó. Hành khách luôn mang trong đầu tâm lý: “Đã bỏ tiền mua vé thì ngồi đâu chẳng được”. Và cứ thế, chỉ cần xe buýt dừng trạm đón khách là người người ùa lên, thậm chí có lúc còn xảy ra xô xát, ẩu đả. Những hình ảnh như thế không thân thiện chút nào.
Một hôm, đang trên xe buýt đến trường, tôi chợt nghe anh tiếp viên la lớn: “Mấy anh thanh niên nhường ghế cho bà già đi kìa!”. Cả xe nhốn nháo, chẳng ai quan tâm đến chuỗi âm thanh vừa cất lên. Tôi đứng vịn tay vào cột thầm nói: “Bây giờ, chẳng còn ai là thanh niên cả”. Tôi nói vậy không phải trên xe chỉ toàn người già, trẻ em và phụ nữ mang thai mà có rất nhiều bạn sinh viên đang vô tư cười nói. Họ không quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh mình. Bà lão khệ nệ từng bước với túi đồ nặng trên tay, đảo mắt nhìn quanh rồi thất vọng đứng cạnh tôi. Lúc này, một chị ôm theo con nhỏ đứng dậy nhường ghế cho bà: “Bà ơi, bà vào đây ngồi đi. Đứng như vậy nguy hiểm lắm!”. Không hiểu những thanh niên có mặt trên xe nghĩ gì?
Khi nhắc đến xe buýt, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta rất sợ. Người sợ mùi hỗn tạp của xe, kẻ sợ bị móc túi, người sợ tiếng ồn, còn tôi sợ nhất là rác trên xe buýt. Cần phải nói rõ, xe buýt không tự sinh ra rác bởi đầu ngày nó đã được đội ngũ tiếp viên quét dọn sạch sẽ, nhưng cứ đến giữa trưa, nhìn xung quanh xe đều có rác. Vậy rác do ai mang tới? – chính là hành khách. Vé từ tay tiếp viên đưa qua khách đã nhanh chóng nằm vào kẹt cửa hoặc dưới sàn xe thay vì cầm trên tay hay cất vào túi. Nhiều người làm vậy một cách vô thức, cứ tiện tay là họ nhét hoặc ném. Đến khi nhân viên kiểm tra vé xuất hiện, những người này mới nháo nhào lên tìm vé. Nhiều người còn mang theo cả đồ ăn, thức uống lên xe buýt để “giải sầu”. Xôi, bánh tráng trộn, bánh mì, nước mía, trà xanh và rất nhiều thứ khác được sử dụng một cách hết sức vô tư. Ăn xong, nhiều người không biết vô tình hay cố ý khi để lại những phế phẩm ngay chỗ mình ngồi. Mùi thức ăn, mùi dầu xe, mùi mồ hôi kết hợp lại với nhau tạo nên một thứ mùi không thể chấp nhận được. Nội quy xe buýt luôn yêu cầu hành khách giữ vệ sinh chung, thế nhưng dường như chẳng ai quan tâm đến những câu tuyên truyền ấy. Vấn đề này thuộc về ý thức của mỗi người. Nếu chúng ta xem xe buýt như xe mình thì tự nhiên sẽ giữ gìn nó sạch đẹp.
Xe buýt là loại phương tiện giúp ích rất nhiều cho con người và xã hội như tiết kiệm chi phí, tiện lợi… Do đó, mỗi người trong chúng ta cần góp phần làm cho “môi trường” trên xe buýt ngày càng “sạch – đẹp” theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
KHIẾT TÂM (TP.HCM)
Bình luận (0)