Tòa soạnThư đi – tin lại

Để “hươu non” mạnh dạn cởi mở chuyện thầm kín

Tạp Chí Giáo Dục

Tình bạn nam nữ trong sáng tuổi học trò (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Thành Lê

Thời điện tử – vi tính – kỹ thuật số với internet, vũ trường, karaoke… đã tạo nhiều cách để kết nối và liên thông giữa nam nữ học trò. Một bộ phận trong số đó tiếp xúc với nhau gần như thoải mái, kể cả trong vấn đề nhạy cảm nhất: vấn đề tình dục (TD).
Nhân đọc bài Giáo dục giới tính trong học đường của tác giả Hà Xuyên trên Giáo Dục TP.HCM số 822 và Cần vẽ đường cho hươu chạy đúng của tác giả Nguyễn Tuấn trên Giáo Dục TP.HCM số 824, tôi xin có một số ý kiến.
Vấn đề TD liên quan đến tuổi dậy thì – tuổi phát dục, các công trình nghiên cứu khoa học về tâm lý tuổi dậy thì đều cho thấy, trẻ vị thành niên hiện nay có sự phát dục ngày càng sớm hơn các thế hệ trước đây. Do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố văn hóa, kinh tế và xã hội, tuổi mới lớn bây giờ thường bị “hớp hồn” vào những dịp lễ hội như ngày Giáng sinh, Quốc tế phụ nữ, nhất là ngày Valentine. Sau mỗi kỳ như thế, các em đến nhờ tư vấn về tình yêu tăng vọt, trong đó có nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề TD, có khi chiếm hơn 70% tổng số thắc mắc. Một nữ sinh lớp 11 Trường THPT M. đã mạnh dạn bày tỏ “Nhiều bạn gái của em cho biết là các bạn nam thường chủ động đòi hỏi “chuyện đó”, đồng thời bảo rằng nếu không chịu đáp ứng thì không chứng minh được tình yêu. Bạn em có lần lâm vào hoàn cảnh như thế, tự thấy không kìm lòng được và đã “cho”, thế là… dính bầu, phải đi điều hòa kinh nguyệt. Như vậy là sai, đúng chỗ nào?”. Một nữ sinh khác hỏi: “Nếu muốn từ chối thì làm sao cho khéo để bạn trai không giận?” và “Nếu cả hai đồng tình muốn “cho” và “nhận” thì nên như thế nào cho thỏa đáng?”…
Trong các trường hợp này, chuyên viên tư vấn không nên nặng về phân tích, mà cần gợi ý dẫn dắt như mình là người trong cuộc để tư vấn: “Nếu tình đã sâu mà cả hai đều quá “bức xúc” và cần “ giải tỏa”, các em có thể chọn một trong các phương án sau đây: 1/ Một trong hai người hỏi người kia: có đem theo bao cao su không?, b/ Trường hợp không ai mang theo bao, hãy đến ngay hiệu thuốc để mua, 3/ Trường hợp không mua được bao, hãy an ủi nhau chờ một dịp khác có bao. Nói chung các em nên hướng sự chọn lựa của mình vào giải pháp nào mà thấy an toàn cho cả hai phía…”.
Thật ra, bản thân TD không xấu. Nó là một nhu cầu sinh học phải có ở mỗi con người bình thường khi đến tuổi phát dục. Song, nếu hiểu biết và thực hành về TD thì không phải ai cũng có những nhận thức và hành động đúng đắn. Trước nhu cầu “chạy nhảy” của tuổi phát dục (14-17 tuổi), mọi sự cấm đoán (không cho “chạy”) hoặc để mặc mà không hướng dẫn đều dẫn tới những hậu quả đáng tiếc về nhiều mặt. Nạn phá thai, làm mẹ bất đắc dĩ trong tuổi vị thành niên đang liên tục bùng nổ là một nỗi đau, nhức nhối hiện nay của cộng đồng, kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Tất nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, nên cách tiến hành giáo dục phải hết sức thận trọng và tế nhị. Điều tế nhị cần có hơn cả là người hướng dẫn phải giữ một thái độ hài hòa, lắng nghe và thấu hiểu để “hươu non” mạnh dạn cởi mở tâm trạng thầm kín của mình. Căn bản của GDGT là giáo dục những hiểu biết về TD an toàn. Và để được an toàn, phải biết cách phòng vệ đảm bảo. Thuyết phục và cảm hóa điều này, vừa tránh được sự thô bạo cấm đoán “hươu chạy” vừa giúp cho “hươu chạy đúng”, không bị “sụp hố”. Nhà tâm lý học Maslow đã chỉ rõ: “Nhu cầu bản năng là một quy luật. Nó như dòng sông chảy, ta không thể ngăn chặn, mà chỉ nên uốn dòng sông chảy theo một hướng khác, êm đềm hơn”. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, dù tư vấn hợp lý và hợp tình đến bao nhiêu, đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế trong một tâm trạng muốn thỏa mãn theo bản năng nhiều hơn ý thức. Nếu trẻ được giáo dục để biết tự chủ cao, bản lĩnh mạnh, thì sẽ tự vượt qua được bức xúc, không cần đến giải pháp tình thế. Do đó, cần đặt vấn đề GDGT trên cơ sở của giáo dục nhân cách, giáo dục bản lĩnh. Điều này không thể không đặt ra nếu xét về tương lai bền vững, tuổi học trò là tuổi cần được đầu tư nhiều về lý trí và ý thức khi tìm cách chế ngự sự ham muốn hoặc thỏa mãn nhu cầu.
Nguyễn Quang Dương
(nguyên Trưởng ban Tâm lý học Viện Nghiên cứu GD-ĐT phía Nam)

Bình luận (0)