Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đổi mới tuyển sinh 2012: Cơ hội và thách thức cho các trường

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa có chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dụcđại học (ĐH) năm học 2011 – 2012. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 về cơ bản giữ ổn định theo giải pháp 3 chung nhưng có một số điều chỉnh.
Trong đó, điểm mới nhất của kỳ thi tuyển sinh 2012 là Bộ GD-ĐT nghiên cứu bổ sung một số khối thi để đáp ứng tốt hơn yêu càu kiểm tra năng lực đầu vào của các ngành đào tạo, tạo sự linh hoạt trong xét tuyển của các trường và tăng cơ hội đăng ký dự thi của thí sinh; bổ sung chính sách tuyển thẳng ĐH, CĐ đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Điểm mới thứ hai là các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc xét tuyển trên cơ sở điểm sàn và chỉ tiêu đã xác định; các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật chủ động đề xuất phương án tuyển sinh với yêu cầu chung là không tái diễn luyện thi, tổ chức thi tuyển nghiêm túc và có cơ chế để tập thể nhà trường, xã hội kiểm tra, giám sát.
Thêm khối thi nào?
Qua ý kiến một số trường thì về cơ bản, các trường ủng hộ chủ trương này của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn còn một số băn khoăn. TS. Nguyễn Kim Sơn, Chánh văn phòng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết trường hoàn toàn đồng ý với việc mở rộng khối thi nhưng việc Bộ vẫn “nắm” chỉ tiêu, điểm sàn là điều không cần thiết. Vì các trường ngoài công lập không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Do đó, trường nào đáp ứng được nhu cầu đào tạo bao nhiêu thì các trường phải được đào tạo bằng đấy và trường sẽ chịu trách nhiệm trước xã hội và Bộ GD-ĐT.
Còn về phía ĐH Ngoại thương, TS Đào Thị Thu Giang, Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng, chủ trương của Bộ GD-ĐT mở rộng khối thi không liên quan đến vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường. Hơn nữa, Bộ nói mở rộng, nhưng chưa có văn bản nói sẽ thi thêm những khối nào, môn thi nào. Chủ trương này sẽ chỉ đáp ứng nhu cầu tuyển của một số trường có ngành học đặc thù, còn với ĐH Ngoại thương, không có ảnh hưởng. Tuy nhiên, TS Giang cũng hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết những thí sinh thi khối A đợt 1 nếu chọn thêm khối C, D đợt 2 thì sẽ có thêm cơ hội thứ ba vào trường ĐH có tuyển sinh khối thi mới gồm toán, lý, văn hoặc toán, lý, ngoại ngữ thông qua việc tích hợp điểm môn văn (khối C) hoặc ngoại ngữ (khối D) với điểm môn toán và vật lý (khối A).
Song với nhiều thí sinh chỉ có ý định thi khối A, lại có thêm nguyện vọng được thi vào ngành có tuyển khối thi bổ sung gồm ba môn toán, lý, ngoại ngữ hoặc toán, lý, văn tỏ ra băn khoăn vì không biết sẽ phải thi môn ngoại ngữ hoặc môn văn của khối C hoặc D theo cách nào.
Ông Ga cho biết ở trường hợp này, thí sinh có thể chỉ cần thi thêm môn văn (khối C) hoặc môn ngoại ngữ (khối D) ở trường có tổ chức thi các khối này để tích hợp điểm vào thành khối thi mới. Tuy nhiên, quyết định chính thức sẽ được bàn thảo và đưa ra tại hội nghị tuyển sinh toàn quốc vào ngày 14/1/2012.
Vừa mừng vừa băn khoăn
Nếu chủ trương mở rộng khối thi của Bộ GD-ĐT đi vào thực hiện từ mùa tuyển sinh 2012 thì nhiều trường sẽ “xung phong” thay đổi khối thi cho phù hợp với yêu cầu đào tạo ngành nghề của mình. Như trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra khối mới là toán, lý, ngoại ngữ cho ngành công nghệ thông tin. Trường ĐH Luật TP.HCM thì dự kiến thi môn Toán, Lý, Ngoại ngữ hoặc Văn, Sử, Ngoại ngữ…
Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương Phạm Lê Hòa khẳng định hoàn toàn ủng hộ việc cho các trường văn hóa nghệ thuật cũng như các trường có tính chất đặc thù được thi riêng. Ông Hòa cũng cho biết, trường đã sẵn sàng đề án đổi mới trong tuyển sinh, chỉ còn chờ ý kiến từ Bộ. Nếu được cho phép, thay bằng việc hai môn Văn, Sử vẫn thi chung như những năm trước, bắt đầu từ năm 2012, hai môn này sẽ do trường tự tổ chức thi.
Tuy vậy, những trường ĐH trọng điểm thuộc ĐHQG lại tỏ ra khá dè dặt trước việc tổ chức thi riêng. Lý do các trường này đưa ra là, cách thức thi mới có thể sẽ làm giảm số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường và quan trọng hơn là liệu các trường khác có công nhận kết quả thi của trường nếu thí sinh không đủ điểm đỗ.
Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết, khi tiếp nhận được thông báo đó, lãnh đạo ĐHQG đã báo cáo với lãnh đạo cao nhất của Bộ GD&ĐT là muốn đưa ra một đề án nhằm đổi mới toàn diện trong công tác tuyển tuyển sinh chứ không chỉ ở riêng ĐHQG. Bộ GD&ĐT có thể sử dụng nền tảng nghiên cứu khoa học của đề án này để tổ chức tuyển sinh giống như ở nước ngoài. Đó là hình thành một trung tâm khảo thí mà hàng năm người học đến đó để đánh giá năng lực học tập, tùy theo các trường có thể lấy số điểm đánh giá năng lực để xét đầu vào rồi kết hợp cụ thể từng yêu cầu của các trường đại học. Ví dụ, trường KHXHNV có thể viết một bài luận, còn ở trường nghệ thuật thì thi năng khiếu…
Tuy nhiên, vấn đề ông Giang lo ngại là hệ lụy việc triển khai đề án này thí sinh sẽ ngại thi theo cách mới mà tránh thi vào ĐHQG Hà Nội cũng như kết quả thi của trường sẽ không được công nhận ở các trường ĐH khác. Về phương thức tuyển sinh của ĐHQGHN trong năm 2012, ông Giang cho biết đến nay vẫn chưa có quyết định cụ thể chính thức.
Ông Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết cải tiến của Bộ là những thay đổi lớn cho mùa tuyển sinh mới, nhưng đến giờ trường vẫn chưa thể trình được phương án tuyển sinh riêng.
Riêng Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội đã có những bước đi rất cụ thể để chuẩn bị đưa ra phương án tuyển sinh riêng, có thể được thực hiện ngay trong mùa tuyển sinh 2012. Hiện tại, trường đã có công văn gửi tới từng khoa xin đóng góp ý kiến trước khi trình một bản đề án hoàn chỉnh lên Bộ GD-ĐT.
heo Hoàng Châu Bình
(Toquoc)

Bình luận (0)