Tòa soạnThư đi – tin lại

Giải khát vỉa hè: Mầm bệnh chực chờ!

Tạp Chí Giáo Dục

Điểm giải khát trước Trường ĐH Hồng Bàng (hình chụp ngày 28-6)

Mùa hè, thời tiết oi bức nên nhu cầu giải khát của người dân ngày một gia tăng. Vì thế, các xe đẩy bán nước mía, chè, nước sâm dọc đường cũng “vào mùa làm ăn”. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia y tế thì đây là những mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.
Dạo một vòng quanh thành phố, chúng tôi nhận thấy hầu hết các hàng quán giải khát nơi vỉa hè như hàng chè, nước sâm, nước mía đều nằm phơi bụi và tất nhiên là không hề có một giấy chứng nhận nào về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Nước giải khát rẻ tiền
Trước cổng Trường ĐH GTVT TP.HCM, một chiếc xe đẩy bán nước giải khát đề bảng “Sâm bí đao, sâm bông cúc 2.000-3.000đ/ly”. Giờ tan trường, “cửa hàng” này rất đông khách, đa phần là sinh viên (SV). Sản phẩm bày bán ở đây được pha chế từ một loại nước đóng chai sẵn với những màu trông rất bắt mắt như xanh, đỏ, hồng, vàng…, có nhãn hiệu nhưng nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Người bán cũng như người mua hầu như chẳng ai quan tâm đến độ an toàn của những món giải khát hấp dẫn trước mặt mình.
Dọc đường Lê Văn Việt (Q.9), đoạn gần siêu thị Co.op Mark, các xe đẩy bán nước sâm, nước mía, chè vì đông khách nên người bán cứ liên tục múc chè, rót nước ra ly, bốc đá rồi nhận tiền bằng đôi tay trần. Cặp găng tay bằng ni lông nằm chỏng chơ trên xe bởi “khách đông, mang vào thêm vướng”. Không những thế, thau chè và thùng nước sâm của họ cũng chưa được đậy kín, ruồi nhặng cứ thế thoải mái bám vào.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh
Có thể nói, đằng sau những ly nước giải khát giá rẻ (2.000-3.000 đồng/ly) là hàng loạt nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm đang rình rập.
Những loại nước giải khát như chè, sâm lạnh, sữa đậu nành… chủ yếu được làm bằng phương pháp thủ công với các dụng cụ thô sơ tự chế như: vỏ chai hoặc ly nhựa. Để làm sạch các dụng cụ chế biến đó, người bán chỉ dùng một xô nước được mang đi từ nhà. Những loại nước uống vỉa hè được pha chế sẵn rồi đựng vào ly nhựa khá tiện dụng với giá phải chăng nên thu hút khá nhiều khách vãng lai.
Khi thời tiết vào mùa nắng nóng, nhu cầu giải nhiệt bằng các thứ nước uống giải khát không ngừng tăng cao, đặc biệt là tại những khu vực tập trung đông người như cổng trường, bến xe, các trung tâm sinh hoạt văn hóa… Thế nhưng, vấn đề đảm bảo VSATTP cho những hoạt động buôn bán này chưa được quan tâm đúng mức và tình trạng buôn bán tràn lan các thực phẩm không hợp vệ sinh, không có nguồn gốc xuất xứ còn diễn ra tại nhiều nơi.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Theo quy định của Bộ Y tế về VSATTP, khi trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh, chế biến phải có giấy chứng nhận tập huấn về VSATTP; nhân viên kinh doanh phải mặc trang phục chuyên dụng, sử dụng dụng cụ riêng để gắp chứa đựng các loại thực phẩm ăn ngay; khu vực kinh doanh, chế biến thực phẩm phải có môi trường đảm bảo vệ sinh; nơi bày bán thực phẩm chế biến sẵn để ăn ngay phải có tủ kính che đậy, bao gói hợp vệ sinh…

Bình luận (0)