Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 4 (khóa VII) góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Lân Dũng về những ý kiến của ông đối với các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc sắp tới của Đảng.
PV: Thưa GS, ông mong muốn gì ở những văn kiện trình Đại hội Đảng sắp tới?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi mong muốn các cương lĩnh của văn kiện Đại hội Đảng không quá dài, ngắn nhưng phải thể hiện được những gì cốt lõi, thể hiện được những gì mà sau đại hội sẽ thay đổi. Tôi lấy ví dụ, hiện nay, ai cũng kêu giáo dục, nhưng bây giờ tìm khâu nào để khắc phục? Vì lâu nay, nói mãi không ai nghe cả. Trẻ em của chúng ta đến tuổi là đến trường giống như nước ngoài. Không thể nói trẻ em chúng ta không thông minh bằng trẻ em nước ngoài. Tôi lấy Ngô Bảo Châu là một ví dụ. Ngày đó, các em được học trường thực nghiệm, không phải là nhồi nhét mà là khuyến khích trẻ tự học. Có như thế mới có được Ngô Bảo Châu ngày nay. Tôi để ý lớp của Ngô Bảo Châu nhiều em khá lắm. Vấn đề ở đây là dạy người, không phải dạy chữ. Trong thời đại công nghệ thông tin này, dạy biết bao chữ cho đủ. Tôi nghĩ, cái gì thầy không nhớ được đừng bắt học trò nhớ. Vậy nên các chương trình hiện nay phải đổi mới. Chương trình phải đổi mới phù hợp với hội nhập quốc tế, không cần phải nhồi nhét, học thêm dạy thêm những ngày hè. Tôi có rủ mấy cháu học sinh ở nông thôn về dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội thì gia đình các cháu nói không được, các cháu còn học thêm. Mấy ngày đại lễ mà nghỉ một ngày cũng không được thì vô lý quá.
Cái quan trọng nhất theo tôi nghĩ Đại hội Đảng đề ra được: chúng ta nên có một chương trình giáo dục phù hợp với chương trình học của thế giới. Điều này không khó gì cho lắm nhưng lâu nay không biết huy động cán bộ chuyên ngành. Họ là những giáo sư, các thầy cô giáo đã về hưu nhưng đầy kinh nghiệm, giao trách nhiệm cho họ, giao tài liệu nước ngoài cho họ, tôi nghĩ trong 6 tháng sẽ làm được. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT đang có dự định 2015 thay đổi chương trình. Như vậy, còn phải mất vài năm sau thí điểm nữa, điều này là quá muộn. Từ việc đơn giản là đổi mới chương trình, phù hợp với quốc tế, chúng ta chỉ làm một việc này thôi cũng đã đủ thay đổi người học.
Là người gắn bó với khoa học, vấn đề này trong văn kiện trình ĐH Đảng, giáo sư nghĩ sao?
– Khoa học hiện nay cũng vậy. Chúng ta đầu tư không ít tuy đất nước nghèo thật. Tôi có hỏi đồng chí Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội của Quốc hội, đồng chí nói mỗi năm Nhà nước đầu tư 600 triệu USD cho khoa học công nghệ. Tôi ở viện mới thành lập mới có 4 triệu USD. Nhưng 4 triệu USD này đã thay đổi hoàn toàn tình thế. Chúng tôi đã phân tích được AND nên lần đầu tiên Việt Nam công bố được các loài vi sinh vật mới. Vì vậy, 600 triệu USD lẽ ra làm được rất nhiều việc nhưng chúng ta hết sức lãng phí. Chia cho tất cả các tỉnh, nuôi mọi viện, mọi trung tâm. Như thế để làm gì? Trong khi Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan lại rất ít viện nhưng đâu ra đấy. Hiện nay chúng ta chỉ nghiên cứu ra để đấy. Chúng ta mới chỉ có bia, vacxin còn những lĩnh vực khác không được đầu tư. Vô lý ở chỗ một đất nước 87 triệu dân mà không sản xuất ra được một tí kháng sinh, vitamin nào. Do đó, theo tôi nên tập trung xây dựng những phòng thí điểm trọng điểm. Và tôi nghĩ cần phải nghiên cứu lại dự thảo, đọc câu nào phải “sướng câu ấy” thì mới thay đổi được.
Xin cảm ơn GS!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)