Không chỉ học sinh phải học thêm mà sinh viên, cựu sinh viên ở cả trường “top” trên, “top” dưới, “top” giữa đều phải đi “sơ cua” thêm kiến thức. Những kiến thức này thường chỉ thuộc trình độ sơ, trung cấp và lẽ ra họ phải được trang bị đầy đủ khi học ở trường.
Tốt nghiệp khoa CNTT ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2009, hiện N. Q. Minh đang là giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội. Ngay từ năm thứ 2, Minh đã tìm cho mình khóa học tại một trong những trung tâm của Aptech. Minh lý giải, những môn học ở trường mang tính hàn lâm, trí tuệ. Có nhiều môn học tại trường thuộc dạng “vô thưởng vô phạt” như vật lý, hóa học, đặc biệt là môn kỹ thuật nhiệt, không dính dáng gì đến CNTT nhưng sinh viên phải học và “chết như ngả rạ”. Môn tiếng Pháp “tự nhiên” cũng được học 1 kỳ rồi để đấy. Vào chuyên ngành, Minh cho hay, mãi đến năm cuối, sinh viên mới được chọn chuyên ngành hẹp. Trong đó có những môn quan trọng như lập trình C thì chỉ được học 5 trình và thực hành 1 buổi. Học ở trường, Minh luôn thấy thiếu thời lượng thực hành. Các môn chuyên ngành, Minh chỉ được thực hành tổng cộng khoảng 13 buổi. Lý thuyết nhiều, thực hành ít, kỹ năng làm việc không được chú trọng là lý do khiến Minh tìm đến những khóa học bên ngoài dù ở đây cũng chỉ dạy những môn trong trường đã dạy.
Công nhận là giáo trình trường mình “xịn” (nhập từ Mỹ) nhưng H. S. Tùng, sinh viên khoa CNTT năm thứ 3, ĐH Thủy Lợi cho rằng giáo trình xây dựng nền tảng tư duy về lập trình hơn là về công nghệ. Để “bổ túc” kịp thời kiến thức về công nghệ, Tùng đã tìm đến khóa học sơ cấp bên ngoài. Tùng thừa nhận ở trường dạy lý thuyết nhiều hơn thực hành. Vì thế, trong những tiết thực hành, nhiều sinh viên như Tùng cần được giảng viên hướng dẫn nhiều hơn nữa.
Theo khảo sát của trung tâm Aprotrain Aptech, với 1.500 học viên tại địa điểm Đội Cấn, có 40% trong số này đang là sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội, 10% là những người đã đi làm. Đa số những sinh viên tìm đến trung tâm đều là sinh viên các ngành CNTT ở các trường như ĐH Bách khoa, Học viện Kỹ thuật Quân sự, ĐH Thăng Long… Trong khi đó, tại FPT Arena thì có tới 60% học viên theo học tại trung tâm là sinh viên các trường ĐH, CĐ.
Theo TS. Trần Lương Sơn, Giám đốc Công ty Vietsoftware, thực trạng đáng buồn nhất của Việt Nam hiện nay đó là tình trạng sinh viên đang học ngược. Thay vì học theo đúng lộ trình: Sơ cấp, trung cấp, ĐH thì nhiều sinh viên đã tốt nghiệp ĐH lại tìm đến các khóa học sơ cấp để bổ sung kiến thức. Ông cho biết, những năm đầu thành lập, tiêu chí tuyển nhân lực của Vietsoftware là tiếng Anh phải tốt và quy định khi vào công ty là giao tiếp bằng tiếng Anh, email bằng tiếng Anh, nói chuyện với đối tác cũng bằng tiếng Anh. Nhưng đến bây giờ, công ty đang ngày càng “bị” tiếng Việt “hóa”. Khó khăn lớn nhất hiện nay của công ty là tuyển được nhân lực. Không những thế, sau mỗi lần tuyển dụng, công ty thường mất từ 3 – 6 tháng để đào tạo lại nhân viên, kể cả những người từng tốt nghiệp tại những trường “top”. Ông Nguyễn Văn Học, Phó giám đốc Trung tâm Lao động Hướng nghiệp, Bộ GD-ĐT cho rằng đây là vấn đề mà ngành giáo dục đang gỡ. Theo ông Học, hiện các trường ĐH vẫn đang đào tạo căn cứ vào năng lực của người thầy. Cơ sở vật chất cũng không đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Ông Học cho biết, ở một số trường vẫn sử dụng bếp lò bễ thì “sản phẩm” của họ khi ra trường, vào các nhà máy làm sao có thể làm được việc.
Tuy nhiên, theo GS. Vũ Dương Ninh, ĐH QG Hà Nội thì doanh nghiệp không thể đòi hỏi các trường tạo ra được “sản phẩm dùng ngay”. Vì các trường hiện nay đang đào tạo theo những địa chỉ không cụ thể. Nhiệm vụ của các trường chỉ có thể đào tạo “nền” cho sinh viên. Còn các doanh nghiệp muốn có “sản phẩm” theo ý mình thì phải “đắp” thêm.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)