Tòa soạnThư đi – tin lại

Mong được trở lại bục giảng…

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Chấn trên chiếc xe lăn ngày ngày vẫn nuôi ước mơ được trở lại bục giảng

Ngày 24-2-2009, sau khi đi dạy về, thầy Phan Văn Chấn, giáo viên toán Trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TP.HCM) bỗng thấy đầu óc quay cuồng, choáng váng, chân tay rã rời. Tới bệnh viện khám thầy mới biết mình bị tai biến mạch máu não và kể từ đó, sự nghiệp dạy học của thầy bị gián đoạn. 45 tuổi đời, thầy Chấn đã có 20 năm đứng lớp, quen với giáo án, học trò, trường lớp, do đó, khi phải nghỉ dạy vì bệnh tật, thầy cảm thấy cuộc sống của mình dường như mất ý nghĩa.
Là lao động chính trong gia đình gồm 5 nhân khẩu (vợ và 3 con) nên từ khi thầy không còn đứng trên bục giảng, khó khăn ngày càng thêm chồng chất. Nhờ có sự giúp đỡ của người thân và cán bộ, công nhân viên, Công đoàn Trường THPT Ngô Quyền mà gia đình thầy giảm được phần nào gánh nặng. Sáu tháng đầu nghỉ dạy, thầy được hưởng 70% lương, nhưng đến nay, số lương đó không còn nên mọi chi phí trang trải cuộc sống đều nhờ cậy vào những anh chị em trong gia đình vì vợ thầy chỉ làm nội trợ, 3 con lại quá nhỏ (cháu lớn 5 tuổi, cháu giữa 4 tuổi, cháu nhỏ nhất 3 tuổi) chưa giúp được gì.
Ngày 20-6-2010, thầy đã được các bác sĩ Bệnh viện 115 mổ ghép sọ để giải quyết dứt điểm căn bệnh tai biến quái ác. Cuộc sống gia đình thầy Chấn càng túng thiếu hơn khi chi phí cho ca phẫu thuật cộng thêm việc bồi dưỡng sức khỏe để thầy chóng bình phục là không nhỏ. Ngày chúng tôi đến bệnh viện thăm, thầy đã bình phục khá tốt nhưng vẫn phải ngồi xe lăn. Thầy chia sẻ với chúng tôi ước mơ cháy bỏng của mình: “Bây giờ tôi chỉ mong sao chóng bình phục để được gặp lại học trò, cùng đồng nghiệp giảng dạy. Đi dạy không những mang đến cho tôi đồng lương trang trải cuộc sống mà nó còn là một niềm vui, niềm đam mê của cuộc đời tôi”.
Tuy cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng với thầy Chấn, dù là lúc bình thường hay khi bị bệnh thì ước mơ được làm thầy, được đứng lớp với đám học trò đó là niềm vui, là mục đích sống. Đây chính là phẩm chất đáng quý của một người thầy giáo luôn hết lòng với sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Bài, ảnh: C. Luận

Bình luận (0)