Hình ảnh thùng rác công cộng chỉ còn trơ lại cái nắp đậy như thế này xuất hiện nhiều trên đường phố. (Ảnh chụp trên đường Bình Thới – Q.11, TP.HCM) |
Mặc dù UBND TP.HCM đã cho lắp đặt thùng rác công cộng ở nhiều tuyến đường trên địa bàn các quận, huyện, nhưng đến nay vẫn tồn tại thực trạng chỗ thừa, chỗ thiếu. Và tình trạng người dân xả rác trên vỉa hè, dưới lòng đường cứ nhan nhản khắp phố.
Rác vẫn tràn lan
Đường Nguyễn Văn Nghi, đoạn từ giao lộ Nguyễn Thái Sơn đến ngã năm Gò Vấp là khu vực đông dân cư nhưng lại không có bóng dáng của thùng rác nào. Nhiều người dân tỏ ra ngán ngẩm, đành lòng vứt rác xuống lòng đường hoặc nắp cống. Ông Thanh, người dân ở đây bức xúc: “Đường thì lúc nào cũng đông nghẹt người, muốn bỏ rác vào thùng mà tìm đỏ con mắt có thấy cái thùng rác nào đâu”.
Các tuyến đường như Phạm Văn Chiêu, Cây Trâm, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn giao với Pasteur đến Phạm Ngọc Thạch, quận 1), Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn tiếp nối với đường Bình Quới, phường 25, quận Bình Thạnh)… đều rơi vào tình trạng không có thùng rác.
Trong khi đó, đường 3/2 (đoạn từ ngã sáu Dân Chủ đến Lê Hồng Phong), Ngô Gia Tự (quận 10), Trần Hưng Đạo (từ giao lộ Nguyễn Tri Phương đến Lê Hồng Phong), An Dương Vương (đoạn giao với Nguyễn Văn Cừ đến Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Chí Thanh (từ giao lộ Trần Nhân Tôn đến Bệnh viện Chợ Rẫy thuộc địa bàn quận 5), Nguyễn Trãi (đoạn giao với Cống Quỳnh đến Nguyễn Văn Cừ, quận 1) tuy có lắp đặt thùng rác nhưng rác vẫn tràn lan dưới lòng đường, gốc cây trông vô cùng nhếch nhác.
Đừng “đem con bỏ chợ”
Chủ trương lắp đặt thùng rác xây dựng “Nếp sống văn minh đô thị” của thành phố là rất hợp lý, nhưng công tác bảo quản, xử phạt những trường hợp vứt, xả rác ngoài đường, nơi công cộng vẫn chưa chặt chẽ, cứng rắn. Sau khi lắp đặt thùng rác, các ngành “quên” luôn việc kiểm tra sự tồn tại của những “sứ giả” vì môi trường này. Trên nhiều tuyến đường tại thành phố, tình trạng thùng rác bị mất nắp, xiêu vẹo, mất thùng diễn ra phổ biến khiến người dân vô cùng bức xúc.
Đường Nguyễn Thái Sơn (từ ngã năm Nguyễn Thái Sơn đến giao lộ Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp) dài gần 3km nhưng chỉ có 7 thùng rác, trong đó 6 cái rơi vào tình trạng “trụ ở lại, thùng đi nhé”. Sau khi các thùng rác bị mất đi, Công an phường 7 lại gắn lên đó tấm biển thông báo “Xả rác nơi công cộng phạt 100.000đ”. Tương tự, đường Quang Trung, đoạn từ ngã năm Gò Vấp đến giao lộ Tân Sơn có 7 thùng rác nhưng trong đó 6 cái mất thùng, cái còn lại mất nắp. “Người dân có muốn bỏ rác đúng nơi quy định cũng không biết làm sao vì các thùng chỉ còn là trụ sắt”, chị Thanh, người dân sống ở đường Quang Trung bày tỏ. Bên cạnh việc thiếu thùng rác, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân còn thấp. Đụng đâu là xả đó, không cần tìm thùng rác và cũng không quan tâm đến những người xung quanh.
Trên mỗi thùng rác đều có dòng chữ “Hãy bỏ rác vào thùng” hoặc những câu vui vui khuyến cáo người dân bỏ rác đúng nơi quy định như “Xin cho tôi rác”, thế nhưng nhiều người có rác không cho vào đây mà lại đổ ở gốc cây hoặc vứt bừa bãi trên đường.
Bài, ảnh: Hoàng Thuận
Bình luận (0)