Tòa soạnThư đi – tin lại

Sân khấu giáo dục hay sân khấu giải trí?

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong vở Tuổi dậy thì với nội dung giáo dục giới tính học sinh sâu sắc. Ảnh: H.THANH

Với tâm lý của khán giả hiện nay thích xem sân khấu hài, cười với các cảnh kịch hài hước, những tình huống khôi hài… nên không thể trách người làm sân khấu chạy theo thị hiếu của “công chúng trả tiền”, bởi chúng ta đang làm sân khấu trong cơ chế thị trường…
 Mảng sân khấu thuộc diện Nhà nước bảo trợ có thể làm sân khấu nghiêm túc hơn nhằm phục vụ và giáo dục một đối tượng người xem khác. Số các sân khấu còn lại, do phải tự thân vận động, tự bươn chải để tồn tại tất nhiên sẽ làm một loại hình sân khấu dễ tiếp cận với khán giả hơn. Cả hai cách làm sân khấu hiện nay đều có mặt được và chưa được. Và cũng từ tình trạng này, có thể có hai luồng ý kiến về cách làm sân khấu giải trí và sân khấu giáo dục. Những người chủ trương sân khấu giải trí lấy khán giả làm đích hướng tới. Nghiêm túc hay không nghiêm túc không chỉ ở hình thức thể hiện mà là ở ý nghĩa của thông điệp được người làm sân khấu đặt ra cho mình để truyền đạt đến khán giả. Về hình thức trình diễn, một vấn đề rất nghiêm túc có thể được thể hiện bằng cách bông lơn, khôi hài thậm chí châm biếm dưới vẻ hài hước. Và ngược lại, có thể biểu hiện một trò cười bằng tất cả sự nghiêm túc cần phải có.
Vấn đề đặt ra là chúng ta dùng sân khấu giáo dục như thế nào? Và giải trí thế nào? Một nền sân khấu đích thực là nghệ thuật, văn chương bao giờ cũng hướng tới con người, với cuộc sống với các mối quan hệ phức tạp, qua đó phản ánh cuộc đấu tranh của con người với thiên nhiên, xã hội và với chính những lực cản của bản thân. Do vậy, cái chất nhân bản, sự hướng tới chân – thiện – mỹ luôn luôn ẩn chứa trong một tác phẩm. Tính hiện thực của tác phẩm cũng được coi là phẩm chất không thể thiếu trong văn học và trong trình diễn trên sân khấu. Cần hiểu sân khấu giáo dục một cách rộng và thoáng, không bó hẹp vào ý nghĩa đối với khán giả đơn thuần mà còn có ý nghĩa đối với nhiều người làm sân khấu. Cái đẹp, cái cao cả, cái hay của tác phẩm sân khấu có tác động trước hết đối với diễn viên trong nhân vật, với đạo diễn của vở và với tác giả trong kịch bản văn học. Nội dung của tác phẩm, ý nghĩa của nó có được vừa do người sáng tạo, lại vừa tác động ngược trở lại với người sáng tạo. Trong việc sáng tạo, nhất là sáng tạo ra được cái hay, cái đẹp, cái thật, người nghệ sĩ đã tự nâng mình lên, tự hoàn thiện mình.
Bản thân khán giả có thể tiếp nhận những thông điệp từ sàn diễn nhưng sự tiếp nhận ấy phải tinh tế, không lộ liễu, thô thiển. Tiếng nói của nghệ thuật đích thực bao giờ cũng thông qua cảm xúc thẩm mỹ và không trực tiếp, thẳng băng. Thông qua hình ảnh của hiện thực, tiếng nói nghệ thuật đến từ trái tim trước rồi mới đến khối óc, đến từ tình cảm rồi mới tới tư duy suy ngẫm. Nếu chúng ta chấp nhận con đường sân khấu đến với khán giả như vậy thì việc làm sân khấu giải trí hay làm sân khấu giáo dục không có sự ngăn cách về hình thức hoặc nội dung. Hiểu rõ những chức năng của nghệ thuật, người làm sân khấu chỉ cần áp dụng một cách đúng đắn những chức năng đó vào việc sáng tạo của mình. Sân khấu sẽ vừa làm nhiệm vụ giải trí, vừa giáo dục khán giả. Hay nói một cách dễ hiểu, sân khấu giáo dục thông qua giải trí, giữa nội dung tư tưởng và hình thức hấp dẫn của một tác phẩm sân khấu có mối liên hệ biện chứng, hữu cơ. Cách thể hiện ý tưởng của một tác phẩm luôn luôn hàm chứa ý tưởng ấy phải được thể hiện bằng hình thức nào?
Rất tiếc trong thực tiễn đời sống sân khấu hiện nay, đôi lúc cũng còn cách hiểu đơn giản hoặc thiên về giải trí đơn thuần, hoặc đòi hỏi phải giáo dục thật mạnh mẽ đã làm sân khấu đi lệch hướng. Việc định hướng do vậy không chỉ về nội dung mà còn cả định hướng về hình thức nghệ thuật.
 Hơn ai hết, nghệ sĩ là người rất hiểu mình đang ở đâu và làm gì. Hướng tới khán giả, thu hút họ đến với sân khấu là một đòi hỏi vô cùng khó khăn cho người làm sân khấu, nhưng không phải là không làm được nếu biết kết hợp giữa giải trí với giáo dục.
Đạo diễn – NSƯT TRẦN MINH NGỌC 

Bình luận (0)