Tòa soạnThư đi – tin lại

Diễn đàn “Học sinh trong cơn “bão” game ngày hè”: Phải ngăn chặn từ gốc

Tạp Chí Giáo Dục

Mặt trái của game online (GO) đang gây ra hậu quả rất đáng lo ngại, đặc biệt là vài năm trở lại đây. Từ một trò chơi trực tuyến, đến nay GO đã và đang phát triển mạnh mẽ thu hút một số lượng lớn các game thủ ở nhiều độ tuổi, nghề nghiệp và trình độ học vấn khác nhau. Số lượng người chơi từ 1 triệu người vào khoảng 7 năm trước thì đến nay đã tăng lên hơn 6 triệu người. Bên cạnh các game có nội dung giải trí lành mạnh, đã xuất hiện nhiều loại game mang tính chất bạo lực, khiêu dâm, gợi dục. Trong khi đó, người chơi chủ yếu là các em học sinh, sinh viên (HS-SV). Việc tiếp xúc thường xuyên với các loại GO đã ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của các em; vô tình tạo ra những nhận thức sai lầm, lệch lạc về một số vấn đề. Đó có lẽ là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực học đường gia tăng. Khi HS-SV chơi những GO có nội dung “bạo lực”, khiêu dâm, gợi dục thì họ đang chịu ảnh hưởng sự truyền bá về những giá trị văn hóa ứng xử thiếu tính nhân văn, nhân bản. Các trò chơi mang tính bạo lực trên GO là văn hóa của phương Tây ưa dùng vũ lực, gián tiếp cổ vũ cho cách ứng xử giữa con người với con người theo kiểu “lấy oán báo thù”, lấy gươm súng đáp trả lại súng gươm; khi tới Việt Nam nếu các em HS-SV khi chơi không có sự chọn lọc sẽ vô hình trung gây nên những hệ lụy như hiện nay. Những hành vi như vậy chính là sự pha tạp văn hóa hành xử kiểu côn đồ thiếu tính định hướng đã và đang ngày càng gia tăng.
Hiện nay, cùng với những đợt mở cửa hội nhập của đất nước, dẫn theo đó là nhiều mặt trái của xã hội, trong đó có vấn đề GO thì văn hóa học đường ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Thành quả khoa học công nghệ là một phát kiến mang tính thời đại, cách mạng. Trò chơi GO cũng vậy, nhưng HS-SV đã chơi quá nhiều thì tạo thành vấn nạn “nghiện”. Điều đó dẫn tới HS-SV đánh thầy giáo, đánh bạn, nói tục, chửi thề, sống buông thả, thậm chí giết người, cướp của… Và làm cho môi trường giáo dục bị ô nhiễm.
Khi ta tiếp xúc với văn hóa Tàu, rồi phương Tây… đều có ảnh hưởng, nhưng rồi chúng ta vẫn cứ là chúng ta. Và GO cũng vậy, nó chỉ là một vấn đề nhức nhối có thời điểm, khi chúng ta biết điều chỉnh, có biện pháp căn cơ thì GO vẫn là một trò chơi giải trí lành mạnh.
Theo tôi, quản lý GO trước hết chúng ta phải bắt đầu từ phía Nhà nước, có nghĩa là quản lý GO từ gốc vấn đề. Nhà nước cho kinh doanh thì Nhà nước phải quản lý. Và tôi tin là Nhà nước làm được. Vì người Việt Nam rất hiền hậu, chất phác nên khi thấy vấn đề có tác hại cho xã hội là họ làm. Tôi lấy ví dụ trước kia khi Nhà nước bảo cấm đốt pháo là dân không đốt pháo, Nhà nước bảo người dân đội mũ bảo hiểm là người dân đội mũ bảo hiểm. Vấn đề là Nhà nước phải quyết tâm và được xã hội đồng thuận. Tuy nhiên, vấn đề GO không nên cấm quá chặt mà phải nâng tầm quản lý. Không phải thấy cái nào khó quản lý là cấm! Về thao tác nghiệp vụ, chúng ta nên quản lý tài khoản các em qua thẻ điện tử. Siết chặt giờ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp GO, nội dung GO phải được thẩm định kỹ lưỡng trước khi cho phát hành. Mặt khác, chúng ta nên đầu tư kinh phí làm một số loại game nói về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Ở góc độ gia đình, các bậc cha mẹ cũng cần biết sơ về GO, luôn quan tâm đến học hành, chơi của con em mình, để có biện pháp dạy con trẻ. Không thể chỉ giao phó việc dạy dỗ con trẻ cho nhà trường; quản lý tiền bạc chặt chẽ là điều cần làm đối với các HS. Bên cạnh đó, cần hướng cho các em tham gia các loại hình giải trí lành mạnh như: học kỳ trong quân đội, đi du khảo vùng sâu vùng xa, hay những chuyến du lịch tìm về cội nguồn… giúp các em mở rộng hiểu biết và yêu quý cuộc sống hơn. Về phía nhà trường, cần khuyên bảo các em, phối hợp với phụ huynh quản lý thời gian học tập, quan tâm tìm hiểu và phát hiện những trẻ có biểu hiện bất thường như sức học đột ngột bị sút kém thì báo ngay cho phụ huynh biết.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm
(Trưởng khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM)
Không phải khi có GO thì văn hóa học đường mới bị ảnh hưởng, quan hệ thầy trò mới lỏng lẻo mà cứ mỗi lần Việt Nam tiếp xúc và giao thoa văn hóa với một nền văn hóa khác thì đều có sự ảnh hưởng va chạm nhất định.

 

Bình luận (0)