Tòa soạnThư đi – tin lại

Diễn đàn “Học sinh trong cơn “bão” game ngày hè”: Hạn chế giờ chơi, tham gia các hoạt động

Tạp Chí Giáo Dục

Cần tham gia các hoạt động thiên về vận động

HS, SV đang chơi GO tại một tiệm net ở Q.9. Ảnh: V.M

Đối với những trường hợp “nghiện” game online (GO) thường xuyên sẽ có những hành vi, hình ảnh nhìn thấy trong “thế giới ảo” là thật và “nghiện cái gì thì đam mê cái đó”. Nhiều người đã mãi “sống” trong thế giới ảo mà quên đi cuộc sống thật. Mỗi loại nghiện đều có mức độ nặng nhẹ khác nhau, khi đã nghiện thì rất khó khăn để cai và nếu cai được thì tốn thời gian. Mặt khác, khi nghiện GO, các em sẽ tập trung vào nhân vật của mình nên nhiều em quên cả ăn uống, giờ giấc nghỉ ngơi để tái tạo sức khỏe. Điều đó thường gây nên suy nhược cơ thể, dẫn đến đột quỵ. Điều đặc biệt là với học sinh, sinh viên đang ở lứa tuổi ăn học việc mê GO ảnh hưởng lớn đến tương lai sau này của các em. Những trường hợp nghiện nặng, các em lại thiếu ý chí vươn lên thì rất khó khăn hòa nhập với cuộc sống bình thường. Tôi nghĩ các em và bậc phụ huynh nên hạn chế con em mình chơi GO quá đà; nếu các em đã nghiện thì tìm biện pháp bỏ như cho các em tham gia vào các hoạt động Đoàn Hội, các CLB lành mạnh, dã ngoại hay đưa các em tham gia chương trình học kỳ trong quân đội…
BS. Nguyễn Xuân Dũng
(Bệnh viện Thủ Đức, TP.HCM)
Nên hạn chế giờ chơi
Hiện nay, GO đã có mặt vào tận ngõ ngách của xã hội, ngoài chức năng giải trí, GO đã tác động không nhỏ đến quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề, lối sống của một bộ phận giới trẻ Việt Nam trong đó có một số lượng lớn là học sinh, sinh viên – chủ nhân tương lai của đất nước. Tại các khu nhà trọ quanh làng đại học quốc gia TP.HCM, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy phần lớn sinh viên ở đây đều tự trang bị cho mình hệ thống máy tính kết nối mạng internet phục vụ học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại hoàn toàn trái ngược, phần lớn sinh viên sử dụng máy tính vào việc chơi GO, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè này. Ngày càng nhiều các vụ giết người man rợ xảy ra trong giới sinh viên cũng đều ảnh hưởng từ GO. Họ đã mang những cảnh bắn, giết nhau của “thế giới ảo” vào “thế giới thật” mà không có một chút cảm xúc nào của một con người. Nếu chúng ta không có những biện pháp để hạn chế và hướng sinh viên vào những trò chơi lành mạnh thì liệu rằng xã hội sẽ như thế nào? Gia đình cần phải thường xuyên quan tâm, chia sẻ, nắm bắt tình hình học tập của con em. Nhà trường cần theo dõi quá trình học tập của sinh viên một cách chặt chẽ, đồng thời thông qua các tổ chức Đoàn – Hội thành lập các CLB nhằm tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho sinh viên tham gia giảm thiểu thời gian chơi GO hướng vào lối giải trí lành mạnh.
Hiện nay, phần lớn các game thủ có người chơi cả ngày lẫn đêm, cũng đã có nhiều dịch vụ giải trí bị yêu cầu phải đóng cửa sau 12h hoặc 1h sáng. Nên chăng ban hành một quy định tương tự như vậy đối với loại hình kinh doanh này. Điều này sẽ góp phần giảm đáng kể những cuộc “luyện chưởng” suốt đêm ngày bất chấp thời gian, tiền bạc.
Cao Thúy An
(Khoa Giáo dục, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM)
 
Không nên dành nhiều thời gian cho chơi GO
Tôi đã từng nghe, từng đọc nhiều về tác hại của GO. Xét một cách khách quan, bản thân GO không xấu vì nó không phải là văn hóa phẩm đồi trụy, nhưng hậu quả mà nó để lại cho người chơi và mê nó thật ghê gớm. Nhiều người giết người cướp của để có tiền chơi game, người chơi phải nhập viện vì kiệt sức, thậm chí chết gục trên bàn phím vì game.
Với những hậu quả đã nhãn tiền, theo tôi, tốt nhất các em học sinh, sinh viên không nên dành nhiều thời gian chơi GO vì vừa tốn tiền, tổn hại sức khỏe lại ảnh hưởng đến học hành… Bên cạnh vấn đề sức khỏe thì số tiền họ bỏ ra cho việc chơi GO không nhỏ: ngoài khoản tiền internet hàng tháng còn phải trả thêm tiền cho phí online chơi game, tiền mua đồ cho nhân vật của mình. Tôi nghĩ cái gì quá rồi cũng trở thành nghiện, mà đã nghiện thì rất khó cai. Thiết nghĩ các em nào thích chơi GO hãy chơi cho đúng giờ đúng giấc và nên lựa chọn những game nào bổ ích để chơi thì tốt hơn.
Thầy Nguyễn Văn Quý
(Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú, Q.9, TP.HCM)
LTS: Diễn đàn “Học sinh trong cơn “bão” game ngày hè” đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ của các nhà giáo, bác sĩ, độc giả… Số báo này Giáo Dục TP.HCM xin trích đăng một vài ý kiến:
 

 

Bình luận (0)