Cần tạo ra những sân chơi lành mạnh để các em học sinh giảm đến với GO (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.K |
Game online (GO), trò chơi bổ ích lại đang biến thành vấn nạn trong giới trẻ hiện nay bởi một điều đơn giản: các em đã bị thế giới ảo đánh lừa mà không biết rằng GO cũng chỉ là một trò chơi thuần túy. Bài viết của TS. Lâm Vinh (nhà phê bình văn học – mỹ học) và thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy thay cho lời kết diễn đàn này.
Cần cuộc đồng hành giữa người chơi, người kinh doanh và nhà quản lý
Giải trí là một trong những nhu cầu sinh tồn của con người. Giải trí bằng nghệ thuật (đọc truyện, xem phim, chơi đàn…) và giải trí bằng trò chơi, cuộc chơi (thể thao, đánh cờ, và chơi GO…) giúp giải tỏa tinh thần, tăng cường thể chất, mài dũa trí tuệ, giúp làm việc hăng say khỏe khoắn hơn, đó là một loại hình văn hóa giải trí. Giải trí là việc làm, lao động nói nôm na là chơi và làm. Từ các em nhỏ ở nhà quê chơi chọi dế, chọi cá lia thia, người lớn hơn chọi gà, đấu vật, đua ghe… cho đến những trò chơi thời hiện đại. Tuy ở quy mô khác nhau, nhưng tất cả đều là sự thu hút của tình huống xung đột, đấu tranh giành thắng bại. GO khai thác triệt để yếu tố này. Thứ hai là tình cảm yêu đương: trong trò chơi nó như một chất men, thẩm thấu mọi lúc mọi nơi với những nồng độ khác nhau. Do sức hấp dẫn của hai yếu tố này, người sáng tạo và kinh doanh chân chính đã tạo nên sản phẩm giải trí lành mạnh, đem đến những bài học về tinh thần dũng cảm hi sinh, xả thân vì nghĩa lớn cho tuổi trẻ. Ngược lại, những nhà kinh doanh có mục đích trục lợi, khai thác các hành vi bạo lực, những hình ảnh kích thích bản năng tình dục, gây “ô nhiễm” tâm hồn, xô đẩy người chơi lao vào các hành động mù quáng. Nhưng có thể nói, để tình trạng GO dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay là do các nhà kinh doanh văn hóa và quản lý văn hóa vẫn chưa có tiếng nói chung.
Hiện nay, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, hoạt động giải trí đang bị cuốn theo và biến dạng, nó trở thành một trận địa tranh chấp quyết liệt, với sự hiện diện của hàng triệu bạn trẻ, giữa giải trí lành mạnh có văn hóa, hướng thiện và giải trí không lành mạnh phản văn hóa, phi nhân văn. Vai trò quyết định trong cuộc tranh chấp này trước hết là ở bản thân bạn trẻ, tự định hướng và lựa chọn cuộc chơi bằng tất cả sự sáng suốt và năng lực, bản lĩnh để cai nghiện (nếu có) và “chiến đấu” chống lại sự cám dỗ của những trò chơi GO loại quái vật, phù thủy. Tuy vậy, GO đang đi theo một hướng lệch lạc làm cho các em học sinh ngộ nhận và mang những hành động ở thế giới ảo ra ngoài xã hội thực. Thậm chí nhiều em học sinh biết tác hại của GO nhưng vẫn không thể chống lại nổi sự cám dỗ của nó.
Thiết nghĩ chúng ta nên có lộ trình về việc phát triển GO chứ không nên cho nhập khẩu game quá ồ ạt như hiện nay. Mặt khác, chúng ta cũng không thể cấm GO mà nên đầu tư để xây dựng những bộ GO mang nhãn hiệu Việt Nam, phù hợp với thuần phong mỹ tục, giúp bạn trẻ hiểu hơn về lịch sử văn hóa nước nhà. Đồng thời trò chơi phải đề cao cái đẹp để hạn chế cái xấu đến mức thấp nhất. Về phía nhà quản lý không tiếc công, tiếc của để tạo ra những sân chơi hấp dẫn hơn lấn át những sân chơi tiêu cực của GO, để giành lại thế hệ trẻ. Khoa học và công nghệ bao giờ cũng có tính hai mặt: tốt – xấu, nên chúng ta không thể tránh được những tác hại. Vì vậy, cần một cuộc đồng hành giữa người chơi, người kinh doanh và nhà quản lý.
TS. Lâm Vinh
(nhà phê bình văn học – mỹ học)
Học sinh nên chơi game như thế nào?
Game là người bạn tốt hay xấu phụ thuộc vào chính bạn. Nếu bạn lạm dụng game, chơi không kiểm soát, không có kế hoạch nó sẽ là người bạn xấu, hại bạn mất nhiều thứ: mất thời gian, mất tiền, mất sức khỏe, mất quan hệ với mọi người xung quanh, mất sự tỉnh táo và vui vẻ… Nếu bạn biết cách chơi game bạn sẽ được game giúp đỡ rất nhiều, nó giúp bạn tăng trí tưởng tượng, sự thông minh, hoạt bát, hiểu biết nhiều, thêm nhiều bạn, thêm nhiều kỹ năng sống…
Tôi xin đưa ra vài gợi ý về cách thức giúp làm bạn với game một cách hiệu quả: 1. Luôn nhận thức rõ game chỉ là trò chơi để giải trí. Khi bạn nhận thức rõ điều này bạn sẽ biết giới hạn giờ chơi cho mình; 2. Luôn xác định mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời mình là gì? Học để làm gì? Khi bạn có mục tiêu bạn sẽ không có thời gian để mê mải trong game vì bạn còn nhiều việc quan trọng hơn muốn làm vì một tương lai tốt đẹp; 3. Lên kế hoạch chơi game thư giãn vào lúc nào trong ngày, ở đâu và tự kiểm soát bản thân tuân thủ theo kế hoạch này. Nếu hôm nào bạn vì ham chơi hơi quá giờ thì hôm sau bạn phải giảm giờ chơi để bù lại; 4. Tự đặt phần thưởng cho mình để chơi game, ví dụ được 9 điểm thì cho phép mình chơi 15 phút, 10 điểm được chơi 30 phút; 5. Chọn game phù hợp với tuổi của mình để chơi, chọn bạn tốt để chơi trong game. Có rất nhiều game lành mạnh dành cho từng độ tuổi để vừa giải trí, vừa học hỏi thêm về văn hóa, lịch sử, âm nhạc, ngoại ngữ… như game ZingDance, Guny, Bôm, Nhịp điệu cuộc sống, Thuận Thiên Kiếm (trên 14 tuổi),… Có nhiều game hấp dẫn nhưng kèm theo nhiều yếu tố bạo lực, phản ánh nhiều tiêu cực trong xã hội mà tuổi học trò chưa cần biết (biết già sớm đó bạn) như game Đột kích, Võ lâm truyền kỳ, Thiên long bát bộ chỉ phù hợp với các bạn trên 16 tuổi; 6. Chơi game khoảng 30 phút bạn nên tạm dừng để tập vài động tác thể dục, thư giãn mắt, ăn nhẹ hay uống nước. Cách này giúp bạn luôn khỏe và thư giãn; 7. Chia sẻ với bố mẹ những điều hay bạn học được trong game để bố mẹ hiểu và thông cảm, không cấm đoán. Sự cấm đoán của ba mẹ có thể làm mối quan hệ của bạn và ba mẹ căng thẳng và làm bạn chán nản sẽ chơi game nhiều hơn; 8. Tự cân bằng các rắc rối trong cuộc sống của bạn như chuyện bạn bè hiểu lầm, bố mẹ mắng, học chưa tốt… Khi bạn có suy nghĩ tích cực và luôn cố gắng vươn lên bạn sẽ là người lạc quan và game không thể đủ sức cuốn bạn theo nó. Đơn giản vì bạn là người có sức mạnh tâm lý vững vàng thì không gì có thể làm bạn ngã gục; 9. Cuối cùng, bạn cần có nhiều loại hình giải trí khác nhau song song với game như nghe nhạc, đọc sách, chơi thể thao, đi dạo, giúp ba mẹ việc nhà… Cách này giúp cuộc sống của bạn luôn phong phú, tràn đầy niềm vui và bạn sẽ cảm thấy mình thực sự hữu ích và bạn đang làm chủ cuộc sống của chính mình!
ThS. Nguyễn Thị Thúy
(Học viện Hành chính TP.HCM – chuyên viên tư vấn tâm lý Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM) |
Bình luận (0)